Sự an nguy của người bệnh “tỷ lệ nghịch” với sự an nguy của thầy thuốc!

SKĐS - Hãy làm sao để người thầy thuốc không phải suy nghĩ đến sự an nguy của mình khi đứng trước những ca bệnh nặng.

31.2009

THẦY THUỐC NGHĨ GÌ?

Khi tôi còn làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy, có rất nhiều bác sĩ từ các tỉnh hoặc các bệnh viện khác đến học. Hầu hết các bác sĩ đều rất siêng năng. Rất nhiều bác sĩ ăn ngủ luôn ở trong bệnh viện, trực 24/7 trong suốt thời gian học.

Hầu hết các bác sĩ đi học đều nói rằng, ở địa phương, ít khi gặp những ca bệnh khó, những ca bệnh nặng. Và hơn hết, ở những địa phương đó, ít khi có sự đồng thuận trong việc quyết tâm cứu chữa đến tận cùng cho người bệnh như ở Chợ Rẫy. Ngoài chuyên môn, các bác sĩ còn học được cả cái “đạo” hành nghề.

Chúng tôi hành nghề với suy nghĩ như vậy. Đứng trước một bệnh nhân nặng, đứng trước những tình huống “thập tử nhất sinh”, chúng tôi không nghĩ gì khác ngoài việc làm sao cứu sống người bệnh. Đó là một truyền thống ở bệnh viện này. Tư tưởng “còn nước còn tát, chỉ còn sình thôi cũng ráng tát” không chỉ là tư tưởng của các bác sĩ, điều dưỡng, mà của cả các đời lãnh đạo bệnh viện.

Một trở ngại thường gặp là tiền. Đây thực sự là vấn đề nhạy cảm. Và có lẽ ít người có thể tin được, là trong nhiều năm khi tôi làm việc tại Chợ rẫy, theo qui chế, việc quyết định miễn giảm viện phí do Ban Giám đốc quyết định, nhưng thực chất, Ban Giám đốc thường bị đặt vào tình thế “chuyện đã rồi”. Nhưng thực ra thì Ban Giám đốc không phải “bị”, mà là chủ động đặt mình vào tình thế “chuyện đã rồi”.

Các trưởng, phó khoa được quyết định cho thực hiện dịch vụ trước, chuyện tiền bạc tính sau, và chỉ dựa trên mức độ cần thiết về chuyên môn, không dựa trên khả năng kinh tế của người bệnh. Trong giờ trực, việc quyết định này được giao cho các trưởng tua trực. Trong phần lớn trường hợp, Ban Giám đốc chỉ còn làm cái việc chính thức hóa quyết định của các trưởng phó khoa hoặc trưởng tua trực mà thôi.

Nói dông dài, cũng chỉ để nói rằng, trước bệnh nhân, không có gì khác ngoài bệnh trạng và tính mạng của họ chi phối suy nghĩ của chúng tôi, kể cả cái thứ mà nhiều người cho rằng có thể điều khiển được chúng tôi: tiền. Nhờ truyền thống đó, rất nhiều kì tích đã được thực hiện, mang lại những niềm vui “vỡ òa” cho bao nhiêu gia đình. Chúng tôi cứ hành xử như vậy, mãi cho đến một ngày.

Nếu không có sự quyết tâm thì y bác sĩ khó có thể lập lên những kỳ tích - Nhờ nguồn tạng hiến của một người bệnh chết não, bệnh nhân này đã có một cuộc sống mới. Ảnh: H.T (Dân trí)

Một bác sĩ ở tỉnh đi học không siêng năng như những người khác. Khi chúng tôi góp ý thì anh ấy trả lời: “Học cái gì về kiếm xu được thì học, chứ học cứu chữa mấy ca nặng quá như vậy, về tỉnh ai cho làm. Mà có cho làm, chết vài ca thì bỏ nghề là cái chắc”. Chúng tôi hết sức bất ngờ với suy nghĩ này. Nhưng khi hỏi chuyện những bác sĩ đang lăn lộn trong bệnh viện bất kẻ ngày đêm, họ đều xác nhận, rằng việc quyết tâm cứu chữa những ca bệnh nặng ở các tỉnh sẽ rất khó được phép, và đầy nguy cơ.

Thế là, với tư cách là bác sĩ Chợ Rẫy về các tỉnh để triển khai mổ chấn thương sọ não, và sau này là phẫu thuật thần kinh, chúng tôi kiêm luôn một nhiệm vụ khác, thuyết phục lãnh đạo các bệnh viện và lãnh đạo các tỉnh chấp nhận nguy cơ tai biến cao, nguy cơ tử vong cao khi mổ chấn thương sọ não. Trên thực tế, cái tinh thần lăn xả đến mức “bất cần thân thể” đó đã lan tỏa ra nhiều tỉnh.

Những năm sau này, một số nhà báo bắt đầu đăng những thông tin thất thiệt về những trường hợp không cứu được người bệnh mà họ không biết rằng, nếu các bác sĩ không lăn xả, không mang tư tưởng “còn nước còn tát, chỉ còn sình thôi cũng ráng tát”, thì sẽ chẳng có tia hi vọng nào cho người bệnh cả.

Đối với những ca bệnh nặng, việc cố gắng cứu chữa luôn đi kèm với nguy cơ thất bại cao. Đứng trước những ca nặng như vậy, các thầy thuốc tốt luôn nghĩ đến phương cách biến cái hi vọng bé nhỏ thành hiện thực. Nếu thiếu đi điều đó, chắc chắn sẽ không có chút hi vọng nào cho người bệnh. Nhưng, khi sự cố gắng không thành, một số nhà báo, và cả bệnh nhân, lại cho rằng, các thầy thuốc không tận tình, và thường thì họ đổ cho là do không có phong bì.

Chính những điều đó làm cho một số bác sĩ, khi đứng trước một bệnh nhân nặng lại không nghĩ đến cách “tát nước” hay “tát sình”, mà nghĩ đến sự an nguy của mình. Trong trường hợp đó, sự an nguy của người bệnh tỉ lệ nghịch với sự an nguy của thầy thuốc.

Hãy làm sao để người thầy thuốc không phải suy nghĩ đến sự an nguy của mình khi đứng trước những ca bệnh nặng.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]