Sự cầu toàn - “Bệnh dịch” hủy diệt thành công

Sự cầu toàn giống như một bệnh dịch có thể tấn công bất cứ ai đang cố gắng đạt được thành công và giết chết giấc mơ của nhiều doanh nhân. Nếu bạn muốn khởi nghiệp kinh doanh, đừng chờ đợi mọi thứ phải hoàn hảo mới bắt đầu. Hãy nhớ rằng, làm xong còn hơn là làm hoàn hảo.

15.683


“Tôi vẫn chưa tìm ra logo của mình. Tôi không thể làm được danh thiếp nếu không có logo. Tôi cũng không thể nào tới các sự kiện kết nối mà không có danh thiếp. Tôi nghĩ mình chỉ nên ngồi nhà thôi”. Sự cầu toàn kiểu này làm tăng stress, hủy hoại tính sáng tạo, giảm năng suất và sau cùng là lợi nhuận.

Những người cầu toàn tin rằng việc theo đuổi đến ám ảnh sự cầu toàn của họ thực sự mang nghĩa là làm một công việc tốt. Nhưng sự cầu toàn chính là thứ ngăn cản họ đạt được thành công mong muốn.

Dưới đây là 5 bí quyết vượt qua sự cầu toàn để mở một công ty.

1. Làm xong còn hơn là làm hoàn hảo

Sự cầu toàn là:"Trang web của tôi vẫn chưa xong vì nó chưa hoàn hảo. Tôi không chắc khách hàng lý tưởng của mình là ai vì vậy tôi sẽ chưa chào hàng cho bất cứ ai cả”.

Người cố vấn của tôi đã dạy tôi về việc xây nửa cái cầu - thực hiện một dự án nhưng không biết khi nào sẽ kết thúc nó. Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo đang ở giữa đường tới nơi vô định vì họ gặp khó khăn trong việc kết thúc việc họ bắt đầu làm.

Hành động: Bước tới và kết thúc những việc bạn đã bắt đầu. Đừng để sự cầu toàn cản trở bạn bắt đầu hoặc hoàn thành một dự án. Bạn luôn có thể thay đổi nó theo thời gian.

2. Dùng các rào cản để tạo lợi thế cho bạn

Sự cầu toàn là: "Việc này không suôn sẻ; có thể đây là dấu hiệu mình nên bỏ cuộc. Mình đã từng thất bại trong quá khứ, vậy sao phải phiền”.

Những người cầu toàn coi các rào cản hay sai lầm là sự thất bại hoàn toàn.

Hành động: Đừng từ bỏ. Một viên gạch cản đường không phải là dấu hiệu cho thấy kế hoạch của bạn không hoàn hảo. Nó là dấu hiệu cho thấy cần nhiều sự suy nghĩ sáng tạo hơn. Hãy thay thế khái niệm “thất bại” bằng “dữ liệu”. Khi mọi việc không theo cách bạn muốn, hãy đánh giá lý do tại sao và dùng thông tin đó để bước tiếp.

3. Phân quyền

Sự cầu toàn là: “Tôi phải tự mình làm việc đó không thì nó không thể xong được. Tôi không có thời gian tìm ai đó giúp tôi và đào tạo họ; tự làm lấy dễ hơn cho tôi”.

Hành động: Cố gắng tự viết mã toàn bộ trang web của bạn, xây dựng các tài liệu tiếp thị và bán các dịch vụ của bạn ra ngoài sẽ không thế thành công. Hãy phân việc. Hãy dành thời gian tìm kiếm và đào tạo một đội ngũ (bao gồm cả đội  ngũ ảo) - những người sẽ giúp bạn tập trung vào những việc bạn cần làm để xây dựng doanh nghiệp như gọi điện thoại bán hàng. Hãy sử dụng thời gian và năng lượng của bạn một cách khôn ngoan.

4. Tạm nghỉ

Sự cầu toàn là: "Để công ty của tôi có thể thành công, tôi cần phải dành tất cả thời gian cho nó. Tôi sẽ nghỉ ngơi khi đã hoàn thành xong công việc. Tôi có thể ngủ sau khi kết thúc dự án này”.

Hành động: Hãy ngừng tâm lý được ăn cả ngã về không. Các vận động viên hàng đầu hiểu sức mạnh của việc rèn luyện và nghỉ ngơi. Khi bạn quan tâm tới các nhu cầu mang tính con người của mình, thì doanh nghiệp của bạn sẽ phát triển. Điều này không có nghĩa là “tham gia lớp học yoga 90 phút mỗi ngày”. Hãy làm tốt hơn thay vì làm hoàn hảo. Hãy thiền 3 phút hoặc đi bộ 5 phút. Và đi ngủ. Luôn có giấc ngủ ngon ban đêm sẽ giúp bạn có nhiều năng lượng để làm việc hiệu quả và năng suất hơn.

5. Tập trung vào những thứ bạn muốn hơn là những thứ bạn không muốn

Sự cầu toàn là: "Mình nên tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Mình không muốn phá sản”.

Những người cầu toàn thường tập trung nhiều hơn vào những việc họ không muốn (“Lẽ ra mình không nên làm rối tung việc này lên”) hơn là những việc họ muốn (“Tôi muốn giúp các khách hàng của mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn”).

Hành động: Hãy để niềm đam mê chứ không phải nỗi sợ hãi tạo động lực cho bạn. Nỗi sợ thất bại có thể có sức mạnh trước mắt, nhưng nó cũng dẫn tới tình trạng stress, kiệt sức và làm doanh nghiệp phá sản. Thay vào đó hãy tập trung vào niềm đam mê trong đó bao gồm khía cạnh tài chính của công ty bạn cũng như ý nghĩa đằng sau mỗi việc bạn làm. Khi bạn có một mục đích thực sự với công việc kinh doanh của mình, bạn sẽ gắn kết hơn, dẻo dai hơn và sau cùng sẽ thành công hơn.


(Dịch từ Entrepreneur)
 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]