Sự khác nhau giữa công ty khởi nghiệp và công ty đã trưởng thành

15.2851

Nếu ví doanh nghiệp mới thành lập như một con thuyền mới tiến ra biển lần đầu, thì việc đầu tiên cần làm là tập trung đẩy con thuyền ra khỏi bờ tránh bị sóng đánh quay trở lại. Nhưng một khi đã ra khơi thì những thành viên trên con thuyền ấy sẽ phải có trách nhiệm giúp con thuyền đi đúng hướng. Tương ứng với một doanh nghiệp, giai đoạn khởi nghiệp ban đầu sẽ có nhiệm vụ và tầm nhìn khác so với khi đã trở thành một công ty lớn.

Xác định rõ điều này sẽ giúp CEO đề ra được chiến lược đúng đắn cho doanh nghiệp và nguồn nhân lực trẻ khi ra trường sẽ có lựa chọn hợp lý về nơi mình sẽ làm việc.

Mô hình kinh doanh.

Đối với những công ty lớn, mô hình kinh doanh của họ đã tương đối hoàn chỉnh và có sẵn các quy trình để làm việc. Trong khi đó, Startup vẫn đang trong quá trình đi tìm những mô hình kinh doanh thực sự phù hợp với thị trường.

Sự khác nhau cơ bản nhất đó là mục tiêu của “company” chính là lợi nhuận, những công ty lớn thường có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và họ luôn muốn những công ty này phải mang lại nhiều tiền nhất, vì vậy tăng trưởng về doanh số chính là ưu tiên số một của công ty lớn.

Trái ngược lại, mục tiêu tối thượng của startup không phải là doanh số mà là tìm ra được một mô hình kinh doanh và quy trình làm việc hiệu quả nhất. Để làm được điều này, startup phải không ngừng thử nghiệm, cải tiến và thực hiện những cách làm mới. Việc có được một mô hình kinh doanh tốt là được xem là vấn đề sống còn, bởi nhà đầu tư sẽ xem xét rất kỹ cách kiếm tiền, vận hành công ty của những startup trước khi quyết định đầu tư vào một dự án mà họ tin tưởng sẽ đem lại lợi nhuận trong tương lai.

Mục tiêu tăng trưởng.

Đối với những công ty khởi nghiệp, tăng trưởng là một điều kiện bắt buộc. Thậm chí, cộng đồng khởi nghiệp còn cho rằng “Tăng trưởng hoặc chết”. Startup cũng giống như những đứa trẻ, cần phải lớn lên một cách nhanh chóng. Tăng trưởng có thể hiểu là phát triển quy mô dự án lớn hơn, nhiều nhân sự hơn, mở rộng thị trường hơn và thu hút được nhiều tiền đầu tư hơn. Cũng chính vì mục tiêu tăng trưởng nên những công ty khởi nghiệp thường năng động, sáng tạo và linh hoạt hơn so với những công ty lớn.

Startup luôn có xu hướng năng động và sáng tạo hơn các công ty lớn.

Tăng trưởng không chỉ là nhiệm vụ của startup, những công ty lớn cũng có mục tiêu phải tăng trưởng, tuy nhiên cách họ thực hiện lại có sự khác biệt so với startup. Những công ty này sẽ tối ưu quy trình làm việc, bộ máy nhân sự của mình hay nói cách khác là họ tối ưu hóa những gì họ có để đạt được sự tăng trưởng qua việc gia tăng năng suất lao động. Có thể tưởng tượng những công ty lớn luôn có xu hướng cố thủ trong thị trường của họ và sẽ tiến hành rất ít sự thay đổi nhằm giữ vững sự ổn định vốn có.

Mặt khác, Những công ty lớn cũng chọn cho mình giải pháp để tăng trưởng bằng cách mua lại những công ty khởi nghiệp trong khi công ty khởi nghiệp thường tăng trưởng bằng sự sáng tạo và đột phá của mình.

Cách tiếp cận với rủi ro.

Đây cũng là một điểm khác nhau giữa mô hình của một startup so với công ty lớn. Rủi ro là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng gặp phải tuy nhiên cách tiếp cận với rủi ro lại không hề giống nhau.

Startup được xây dựng để sẵn sàng đối diện và giải quyết những khó khăn, rủi ro gặp phải. Đây là cách để những startup trưởng thành hơn và học được nhiều bài học quý báu. Trong giai đoạn này, các founder cần xác định việc gặp rủi ro là điều tất yếu, né tránh khó khăn này sẽ gặp phải những khó khăn khác vì startup là một chặng đường đầy gian nan và thử thách. Việc tìm ra được mô hình kinh doanh hiệu quả cũng đến từ cách mà khởi nghiệp giải quyết những rủi ro trong quá trình phát triển.

Đối với những công ty đã trưởng thành, họ có cách tiếp cận khá thận trọng đối với những rủi ro. Thay vì chủ động tìm kiếm rủi ro, những công ty lớn sẽ có kế hoạch cụ thể để quản trị rủi ro và tìm những biện pháp để giảm thiểu rủi ro đến mức tối đa có thể nhằm tối ưu hóa lợi nhuận đạt được.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]