Sứa biển và những công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Sứa biển không chỉ giúp chế biến nhiều món ăn ngon mà nó còn có tác dụng chữa một số bệnh như: táo bón, đầy bụng, bệnh xương khớp...

15.5892

Tác dụng của sứa biển với sức khỏe

Sứa và các món ăn từ sứa như canh sứa, nộm sứa rất quen thuộc trong sổ tay ẩm thực của những người sành ăn. nhưng tác dụng chữa bệnh của con sứa thì nhiều người còn chưa biết.

Theo báo Sức khỏe đời sống, sứa biển còn gọi là hải triết, thạch kính, thủy mẫu... Bộ phận dùng làm thuốc là cả con sứa (hải triết) hoặc da, (hải triết bì). Trong sứa biển có nhiều protein, ít lipid, các chất khoáng P, Ca, Fe và các sinh tố B1, B2, Na; choline, chứa nhiều iod.

Theo Đông y, sứa vị mặn, tính bình, vào phế can thận. Lớp vỏ ngoài của hải triết gọi là hải triết bì vị mặn, tính bình có tác dụng thanh nhiệt hóa đàm tiêu tích, khu phong trừ thấp.

Dùng cho các trường hợp ho suyễn nhiều đờm (hen suyễn, viêm khí phế quản, viêm họng) táo bón đầy bụng, phù nề, viêm sưng hạch. Liều dùng, cách dùng: 50 -100g; nấu hầm, trộn ướp.

Bài thuốc chữa bệnh từ sứa biển

Trị âm hư đàm nhiệt, đại tiện táo kết: Dùng hải triết 30g, mã thầy 4 củ, nấu canh ăn. Dùng chữa người âm tinh hao tổn, hư hỏa bốc lên gây đàm nhiệt, đại tiện táo bón; Có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ nhỏ.

Chữa các chứng tích trệ ở trẻ nhỏ: Dùng hải triết và củ mã thầy; mỗi vị dùng liều lượng thích hợp tùy theo tuổi, thêm nước, cùng nấu chín. Bỏ sứa, chỉ ăn củ mã thầy. Có tác dụng chữa trẻ nhỏ bụng đầy trướng, trong bụng có hòn cục, sưng hạch ...

Trị đầu phong: Dùng hải triết bì đắp lên hai huyệt thái dương - (theo Cương mục thập di). “Đầu phong” chỉ chứng bệnh đau đầu kinh niên, lúc phát lúc không, có chuyện xúc động là đau kịch liệt, da đầu tê dại, lan tới chân lông mày, mắt tối sầm, đầu không cất lên được.

Nguyên nhân do phong hàn hoặc đờm tích hóa hỏa uất kết ở kinh lạc, khiến khí huyết ứ trệ gây nên.

Đau xương bánh chè do phong thấp: Dùng hải triết bì đắp lên đầu gối - (theo Cương mục thập di).

Chữa vô danh thũng độc: Dùng hải triết bì trộn với đường cát giã nhuyễn, đắp lên chỗ bị bệnh, ở giữa để hở một lỗ. Loại ung nhọt nặng thì sẽ vỡ mủ, loại nhẹ thì sẽ tiêu tan. “Vô danh thũng độc” chỉ các loại ung nhọt không rõ nguyên nhân.

Chữa lưu hỏa: Dùng hải triết bì đắp lên chỗ bị bệnh, thấy rát thì gỡ ra - (theo Cương mục thập di). “Lưu hỏa” còn gọi là “hỏa đan”, “đan độc” là chứng nhiệt độc cấp tính ở ngoài da. Vùng da có bệnh đỏ như son nên gọi là “đan độc”.

Bệnh thường phát ở bắp chân và vùng mặt. Nơi mắc bệnh có từng mảng sưng đỏ, gồ cao hơn mặt da bình thường, có bờ rõ, bề mặt trơn bóng loáng, sờ thấy rắn chắc, vùng kế cận nổi hạch; kèm theo rét run, sốt cao, nhức đầu, đau khớp...

Các món ngon từ sứa biển

Sứa muối

Sứa muối được chế biến từ những con sứa tươi, được rửa sạch và cắt khúc thành những tảng nhỏ; sau đó ngâm vào các bình, chum hoặc vại lớn, báo Kiến thức cho biết.

Khi ăn, người ta cắt những miếng to ra thành các miếng nhỏ đều nhau. Nước chấm sứa muối là mắm tôm pha với chanh, ớt... Rau ăn kèm là những loại rau như dậu rách, kinh giới, húng chũi...

Nộm sứa

Nộm sứa, còn gọi là gỏi sứa, là món nộm sử dụng nguyên liệu chính là sứa đã được sơ chế, chần qua nước sôi, trộn chua ngọt với các loại rau, thịt động vật và gia vị.

Nộm sứa biển vừa ngon vừa dễ làm

Tùy theo vùng miền, nộm sứa có thể được chế biến khá khác biệt nhau về nguyên liệu tuy cũng tương tự các món nộm khác, thường không thể thiếu các loại rau: như rau câu, đu đủ xanh, cà rốt, ngó sen, hoa chuối.

Nộm sứa thường ăn với cơm hay bánh tráng nướng giòn, chấm với nước mắm gừng và thường được kết hợp với ly rượu trắng uống kèm.

Sứa xào thịt bò

Nguyên liệu để làm món này gồm có sứa, gừng, tỏi, thịt bò, hành tây, cà rốt, cần tây. Sau khi phi thơm tỏi, cho thịt bò vào đảo nhanh tay, tắt lửa, múc ra riêng.

Kế tiếp cho hành tây vào xào, thêm cần tây, tỏi tây, cà-rốt. Sau cùng cho sứa vào đảo đều rồi nêm hạt nêm, nước mắm. Tắt lửa, cho thịt bò trở lại, đảo đều, rắc tiêu, dùng nóng.

Canh sứa cá rô

Sứa thái miếng vừa ăn, rửa sạch bằng nước ấm pha ít muối nhạt. Cá rô luộc chín tách lấy thịt, cho xương và đầu cá vào lại nồi hầm cho ra nước ngọt, lọc lấy nước dùng.

Phi thơm hành tím với dầu ăn, cho ớt bột và bột nghệ vào trộn đều, cho tiếp cá vào xào, nêm ít hạt nêm, để lửa nhỏ cho cá thấm gia vị. Phi thơm hành tím, cho cà chua vào xào sệt, nêm hạt nêm vừa ăn, tắt bếp.

Nấu sôi lại nước dùng. Trụng bánh đa xếp vào tô, cho sứa, cá rô và các loại rau ăn kèm vào, chan nước lèo lên trên, dùng nóng, nêm thêm ít ớt sa tế.

Cách chế biến sứa biển đề phòng ngộ độc

Nên đọc

Theo Vnexpress, sứa biển được coi là nguồn lợi thủy sản có giá trị để xuất khẩu và là món ăn ưa thích trong những ngày hè nóng nực như gỏi, nộm sứa, lẩu - canh - bún sứa....

Tuy nhiên, nếu không được chế biến đúng cách, sứa sẽ gây độc cho người sử dụng, bởi sứa khi còn sống chứa nhiều độc tố, thậm chí nếu chạm phải cũng có thể gây dị ứng.

Độc tố của sứa biển thường tập trung ở các xúc tu, chúng sử dụng các tế bào châm được gọi là nematocyst. Các tế bào này đều rất nhỏ và có độc. Một số loài sứa có đến hàng triệu nematocyst trong xúc tu, có tác dụng để sứa bắt mồi và tự vệ.

Khi sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da người xâm nhập vào cơ thể, nếu nhẹ nạn nhân chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. Toàn thân chỉ cảm thấy khó chịu, không nên quá lo lắng.

Ở mức độ nặng hơn, nạn nhân có thể đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn khan, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt... cần đưa ngay vào bệnh viện chống sốc.

Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa hè do sứa biển, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không sử dụng sứa biển tươi (chưa được chế biến) làm thức ăn, làm gỏi ăn sống.

Chỉ sử dụng sứa biển đã qua 3 lần ngâm trong nước muối và phèn, khi nào thịt sứa chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem làm các món ăn.

Mỹ Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]