Sức hấp dẫn từ Cánh đồng Chum bí ẩn ở Lào

Cánh đồng chum, di sản văn hóa thế giới gồm rất nhiều chum khổng lồ được làm từ đá, tồn tại cách đây 2000 năm… Nằm ở vùng khô nóng, nên nơi đây nhuốm một màu vàng vừa là màu đất hòa trộn với rêu xám của những chiếc chum, vừa là màu của những cây cỏ đã ngả vàng.

0

Sức hấp dẫn từ Cánh đồng Chum bí ẩn ở Lào

 

 

Bị nhồi nhét đầy khách và chất đống hành lý, chiếc xe khách của chúng tôi lao xuống con đường bao quanh núi đi dần xuống phía dưới Bắc Lào. Cả người tôi say xe lảo đảo, một thoáng sau tôi mới biết đó là con đường được xây dở từ năm 1932 từ thời Pháp thuộc.


Cánh đồng Chum ở Lào 
 
Đoàn xe của chúng tôi chạy nhanh đến Những cánh đồng Chum ở cao nguyên Xieng Khouang, Lào. Lúc này tôi đã rất muốn đến được nơi ấy, một phần vì hồi hộp về lịch sử, cảnh quan của nó, một phần vì muốn thoát khỏi chiếc xe lắc lư này.
 
Cánh đồng chum bao gồm rất nhiều chum khổng lồ được làm từ đá vôi, đá ong và đá cẩm thạch. Chúng nằm rải rác ở khắp cao nguyên và đã tồn tại cách đây 2000 năm, có chỗ thì tụm lại chỉ có vài chiếc nằm gần nhau, nhưng nơi thì có vài trăm chiếc chum. Nằm ở vùng khô nóng, nên nơi đây nhuốm một màu vàng vừa là màu đất hòa trộn với rêu xám của những chiếc chum, vừa là màu của những cây cỏ đã ngả vàng. Để rồi hiện lên cảm giác thô ráp và xưa cũ và khiến cho ai tới đây cũng rất đỗi tò mò về chúng.
 
Truyền thuyết về những chiếc chum đá rằng đây là những bình ủ rượu mà vị vua cổ đại Khun Cheung đã dùng để khao quân sau khúc khải hoàn. 
 
 
Liên quan đến những nền văn minh thời kì đồ đá, những người làm ra 1000 chiếc chum đá này vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng các nhà khảo cổ giờ đây đã tìm ra một phần lời giải, để hé lộ những bí mật được cất giữ ngàn năm nay. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tiếp dưới đây.
 
Nhà khảo cổ học Madeleine Colani, là người Pháp nhưng đã nhiều năm tiến hành các cuộc khảo cổ ở Đông Nam Á và Lào là nơi bà đã nghiên cứu rất nhiều. Bà đã tìm hiểu về những chiếc chum cổ xưa và người làm ra chúng. 
 
Sau nhiều tháng trời lặn lội trên những cánh đồng Chum, bà Colani cũng như nhiều nhà khảo cổ học nghiêng về giả thuyết cho rằng Cánh đồng Chum là một nghĩa trang khổng lồ, mỗi một chiếc chum là một chiếc quách dùng để an táng xác người. 
 
Buổi sáng hôm sau, xe đã tới nơi. Chúng tôi dừng lại ở khu 1 và cũng là những vị khách đầu tiên của ngày ở Cánh đồng Chum, một di sản văn hoá, đồng thời cũng là một di tích lịch sử thời chiến tranh với nhiều hố bom vẫn còn nằm đó nham nhở.
 
 
Tôi đã khám phá hơn 300 chiếc chum với kích cỡ và chiều cao khác nhau nằm nhấp nhô khắp mặt đất trong tĩnh lặng. Chúng dường như cũng có những đặc tính riêng biệt, như nằm nghiêng về bên nào, một số chiếc thì như có tính tương tác với nhau thành từng cụm, nhưng có những chiếc thì biệt lập một mình. Xung quanh chúng là cỏ vàng héo úa phủ khắp nơi.    
 
Những chiếc chum nặng nhất cũng phải có trọng lượng lên đến hơn 6 tấn. Chiếc chum to nhất được những người dân địa phương gọi là cốc của Vua. Nhà khảo cổ học Colani cũng phải tự hỏi mà thốt lên rằng làm thế nào mà họ chuyển được những chiếc chum to và nặng thế này? Và đến bà Colani, một nhà khảo cổ lão luyện cũng không thể tìm được câu trả lời hợp lý. Đến bây giờ câu chuyện về nguồn gốc và mọi việc liên quan đến những chiếc chum đá vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà khảo cổ.
 
Màn đêm đã buông xuống, chúng tôi trở lại khách sạn ở vùng đất hiện đại hơn là Phonsavan. Và trước khi thiếp đi vì mệt, tôi vẫn tự băn khoăn mãi rằng: Ai là người làm nên những chiếc chum kia? Nền văn hóa cùng với chúng đã tồn tại bao năm rồi?... và điều còn đọng lại chỉ là những điều bí ẩn.
 
 

 

Lam Hồng
Dịch từ New York Times
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]