Tác dụng chữa bệnh của cây bìm bìm

Bìm bìm là cây dại mọc ở vườn, các loại cỏ, lùm bụi vàng đồng bằng, trung du các tỉnh phía Bắc nước ta. Toàn cây đều được sử dụng làm thuốc vì giàu dược tính, có thể sử dụng tươi hay khô.

15.6037

Theo Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam, bìm bìm là loại cây dây leo thường mọc hoang ở các bụi hay bờ rào, có tên khoa học Ipomoea cairica (L) Sweet thuộc họ bìm bìm (Convolvulacae). Là loại cây dây leo, thân quấn, mảnh, nhẵn, lá mọc so le có 5 thùy, hình chân vịt.

Phiến lá mỏng, hình mác, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, gân lá nổi rõ, cuống dài 2- 5cm, có hai lá nhỏ kèm theo do chồi nách sinh ra. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, lưỡng phân. Hoa to hình phễu có màu trắng hoặc lam tím. Quả nang hình cầu. Toàn cây đều được sử dụng làm thuốc vì giàu dược tính, có thể sử dụng tươi hay khô.

Theo đông y lá bìm bìm có tính hàn, vị ngọt, đi vào các kinh can, phế, thận, bàng quang; có tác dụng lợi tiểu thanh nhiệt, giải độc, thông lâm... nên trong dân gian thường dùng để chữa trị đái dắt, đái buốt, phù thũng...

Tại Trung Quốc cũng sử dụng bìm bìm để trị ho, phế nhiệt, tiểu tiện không thông, đái ra máu, mụn nhọt, đinh độc... Liều sử dụng thông thường từ 15 – 30g tươi (từ 7 – 12g khô).

Những phương thuốc trị bệnh từ cây bìm bìm

* Chữa đái ra máu: Dây, lá bìm bìm 30g, hạt dành dành (sao đen) 30g, cam thảo dây 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày.

* Chữa ho phế nhiệt (tức viêm phế quản), chọn 1 trong hai phương sau:

- Dây, lá bìm bìm tươi 30g, lá dâu 20g, cam thảo dây 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần trong ngày. Cần uống 5 – 7 ngày liền.

- Dây lá bìm bìm tươi 30g, thân cây sậy 100g, rau diếp cá 30g, cam thảo dây 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần, cần uống 5 – 7 thang.

* Chữa mụn nhọt, đầu đinh: Lá bìm bìm tươi ngày sắc 15 – 30g lấy nước uống. Kết hợp lấy lá bìm bìm rửa sạch để ráo nước cho thêm vài hạt muối ăn, giã nát đắp vào chỗ mụn nhọt.

* Chữa đại tiện khô táo: Lấy dây bìm bìm phơi khô, tán bột ngày dùng 3g hãm với nước sôi như pha trà lấy nước uống trong ngày.

* Chữa đái rắt, đái buốt (dùng 1 trong 3 phương):

- Lá bìm bìm 50g, lá mảnh cộng 50g, đem sắc lấy nước uống ngày 1 thang, chia 2 – 3 lần.

- Lá bìm bìm 30g, lá mã đề 20g, râu ngô 20g, sắc lấy nước uống ngày 1 thang.

- Dây, lá bìm bìm 30g, mã đề 20g, râu ngô 20g, cam thảo dây 10g, rễ cỏ tranh 10g. Sắc ngày 1 thang, lấy nước uống trong ngày.

* Chữa phù thũng: Lấy lá bìm bìm non nấu canh với cá quả hay cá diếc ăn cho đến khi đái nhiều hết phù (chú ý kiêng mặn trong thời gian phù).

* Chữa phù sau đẻ, đái ít: Lá bìm bìm 50g, bèo cái (cắt bỏ rễ) 50g, lá dâu 50g, ích mẫu 50g, lá sen 2 tàu, đậu đen 1 chén con. Tất cả đem sao vàng sắc uống ngày 1 thang, chia nhiều lần uống trong ngày. Cần uống liền 10 – 15 ngày.

* Chữa gãy xương kín: Dây bìm bìm, dây tơ hồng, dây đau xương, ráy leo, mỗi thứ đều có lượng như nhau đem giã nát rồi trộn với chút rượu, và đắp bó vào nơi xương gãy.

Ngày thay 1 lần (lưu ý trường hợp bó phải được chỉnh xương gãy đúng trục trước rồi mới bó, do vậy chỉ sử dụng khi xa cơ sở y tế không có điều kiện tiếp cận sớm).

Báo Sức khỏe Đời sống cho biết, trong Đông y, hạt bìm bìm được gọi là khiên ngưu tử. Sau đây là những bài thuốc chữa bệnh từ hạt cây bìm bìm.

Theo Đông y, khiên ngưu tử có vị cay, tính nóng, hơi có độc, vào 3 kinh: Thủ thái âm phế, túc thiếu âm thận và thủ dương minh đại tràng. Có tác dụng tả thấp nhiệt ở khí phận, trục đờm, tiêu ẩm lợi nhị tiện (đại tiểu tiện) là thuốc chữa tiện bí, cước khí, chủ trị hạ khí, lợi tiểu tiện, chữa cước thũng (phù), sát khuẩn. Theo tài liệu cổ không được dùng khiên ngưu tử cùng với ba đậu.

* Chữa các chứng thũng trướng:

Bài 1: Khiên ngưu 10g, nước 300ml. Sắc còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày, nếu tiểu tiện nhiều được thì khỏi. Có thể tăng liều uống cao hơn tùy theo bệnh, có thể uống tới 40g. Bài thuốc này có tác dụng chữa phù thũng, nằm ngồi không được.

Bài 2: Khiên ngưu, đem tán mịn, mỗi lần uống 4g, dùng nước chiêu thuốc. Có tác dụng chữa phù thũng, đại tiểu tiện không thông.

Bài 3: Phương châu xa hoàn: gồm khiên ngưu 40g, đại hoàng 20g, cam toại 10g, đại kích 10g, nguyên hoa 10g, thanh bì 10g, trần bì 10g, mộc hương 5g, khinh phấn 1g.

Tất cả tán mịn, trộn đều, hoàn thành viên, ngày uống 1 lần, mỗi lần 3g. Có tác dụng lợi thủy, hành khí. Dùng trong trường hợp bụng trướng, chân tay phù nề, ngực bụng đầy tức, khó thở, đại tiện bí, tiểu tiện ít.

* Chữa trướng bụng do xơ gan hoặc viêm thận mạn tính:

Dùng Khiên ngưu tử 80g, hồi hương 40g. Tất cả nghiền mịn, trộn đều. Mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần 8g, uống khi đói bụng, chiêu thuốc bằng nước sôi, uống liên tục trong 2 - 3 ngày.

* Chữa phù do viêm thận:

Khiên ngưu tử 100g (nghiền mịn), táo tàu 80g (hấp chín, bỏ hột, giã nát); gừng tươi 500g, giã nát vắt lấy nước, bỏ bã; tất cả đem trộn đều thành một thứ bột nhão, cho vào nồi hấp 30 phút, trộn đều, lại hấp thêm 30 phút nữa là được.

Lượng thuốc trên chia đều thành 8 phần, ngày uống 3 lần vào sáng, trưa, chiều, mỗi lần uống 1 phần, sau 2 – 5 ngày thì hết; kiêng muối trong 3 tháng.

Thuốc tham khảo: Vitamin E 400mg

- Phòng ngừa và điều trị thiếu vitamin E
- Các rối loạn bệnh lý về da làm giảm tiến trình lão hóa ở da, giúp ngăn ngừa xuất hiện nếp nhăn ở da
- Điều trị hỗ trợ chứng gan nhiễm mỡ, chứng tăng cholesterol máu.

Thùy Linh

Nên đọc

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]