Tác dụng “ngạc nhiên” của thuốc tránh thai

Hầu như ai cũng hiểu viên thuốc tránh thai (TTT) là một trong những phương pháp quan trọng và hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn.

15.6037

Hầu như ai cũng hiểu viên thuốc tránh thai (TTT) là một trong những phương pháp quan trọng và hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn. Nhưng còn rất nhiều điều… ngạc nhiên khi bạn chịu khó bớt chút thời gian tìm hiểu về TTT..

Các dạng thuốc TTT

TTT được phân ra nhiều loại. Thứ nhất là các chế phẩm phối hợp: dạng viên, uống vào ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt và uống liên tiếp khoảng 20 - 22 ngày, dừng lại 6 - 7 ngày. Dạng này ít tác dụng phụ nhất và có thể kiểm soát được chu kỳ kinh. Thứ hai là dạng cấy: được cấy dưới da hoặc dưới cơ, có các chỉ định đặc biệt. Thứ ba là TTT liều thấp, có chứa progestagen, dạng viên uống liên tục, tác dụng là ngăn cản tinh trùng vào cổ tử cung. Thứ tư là TTT khẩn cấp: Là thuốc dùng uống 2 viên trong vòng 72 giờ sau khi quan hệ.
 
Không nên sử dụng quá 4 viên trong cùng chu kỳ và không nên lạm dụng vì có thể dẫn tới vô sinh nếu dùng quá nhiều. Có dạng còn được sử dụng để điều hoà kinh nguyệt hay khắc phục chứng nam hóa do buồng trứng sản xuất quá nhiều androgen.
Tác dụng phụ của TTT

Các hormon trong TTT có thể gây các tác dụng phụ như: rong huyết (trong 1-2 chu kỳ kinh đầu), giảm khẩu vị, buồn nôn (thường hết sau 3 tháng), nhức đầu, trầm cảm, thay đổi mức độ ham muốn và đáp ứng tình dục, viêm âm đạo, xuất tiết nhiều ở âm đạo, viêm đường tiết niệu, thay đổi về lượng kinh, đau ngực, có vấn đề ở da, viêm lợi, bệnh hen nặng hơn, dễ mắc các bệnh do virut. Tất cả những tác dụng phụ này thường không nghiêm trọng, nhưng bạn cũng cần báo cho thầy thuốc biết để tìm cách giảm bớt.

Tuy nhiên, có một điều mà chị em còn băn khoăn là hầu hết khi dùng TTT do tác dụng nhẹ của hormon nam trong quá trình chuyển hóa của viên thuốc nên chị em đều bị tăng cân. Một lưu ý nhỏ là  nếu dùng TTT thường xuyên thì bạn nên được thầy thuốc định kỳ kiểm tra huyết áp vì nguy cơ này tăng lên theo tuổi và thời gian dùng thuốc. Vì thế, nếu phụ nữ mắc bệnh tăng huyết áp không nên sử dụng phương pháp tránh thai này. 

Những hormon trong viên thuốc là oestrogen và progesterone thường làm tăng kích thước vú, nhưng vú sẽ lại nhỏ đi sau vài chu kỳ kinh hoặc sau khi ngừng thuốc. Viên TTT có hàm lượng hormon càng cao thì càng dễ làm tăng kích thước vú. 

Nhiều người khi dùng TTT bị  ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, nhưng không phổ biến và không kéo dài. Khi ngừng dùng thuốc, mọi việc lại đâu vào đấy. Do đó, nếu bạn thấy mất kinh kéo dài hay rối loạn kinh nguyệt quá mức bình thường thì nên đi khám phụ khoa ngay.   

Bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi kết hợp các loại thuốc kháng sinh hoặc vitamin C này với nhau vì một số kháng sinh như rifampicin, amoxillin, metronidazol, tetracyclin, isoniazid… có thể sẽ làm giảm hiệu quả của TTT. Còn vitamin C có thể làm ra máu ít, rải rác giữa kỳ kinh. Nếu uống vitamin C nhiều hơn 1.000mg/ngày thì nên dùng trước hoặc sau khi dùng TTT ít nhất 4 giờ.

Sử dụng TTT như thế nào?

Mỗi ngày, bạn uống một viên (theo thứ tự ghi trên vỉ thuốc) vào một thời điểm cố định trong ngày để duy trì sự ổn định của nồng độ hormon trong cơ thể. Có thể uống viên thứ nhất vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh. Nếu quên một viên thì ngày hôm sau phải uống luôn hai viên để bù và chỉ được phép quên 2 lần. Nếu quên đến lần thứ ba, bạn phải sử dụng các biện pháp tránh thai khác vì lúc này thuốc không có tác dụng nữa. Tuy vậy, bạn vẫn phải uống cho đến hết vỉ thuốc vì nếu ngừng, nồng độ hormon tụt xuống, niêm mạc tử cung bong ra sẽ gây chảy máu giữa kỳ.
 
Không có giới hạn về thời gian cho việc sử dụng viên tránh thai. Một phụ nữ có thể dùng nó an toàn từ khi có đời sống tình dục cho đến khi mãn kinh, nếu bạn không nằm trong nhóm chống chỉ định. Tuy nhiên, nếu bạn thấy có những triệu chứng đau nhiều, sưng nề chân, nhức đầu nặng, chóng mặt, có cảm giác yếu mệt, tê bì, giảm thị lực, có vấn đề về giọng nói, đau ngực hay khó thở, đau bụng... khi dùng TTT thì nên ngưng và hỏi bác sĩ chuyên khoa.

Bên cạnh đó, những người hút thuốc lá trên 15 điếu mỗi ngày, từ 35 tuổi trở lên; bị tăng huyết áp, có tiền sử bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hay tạo thành cục máu; có tiền sử bị ung thư vú, tử cung hay gan; mắc bệnh gan, thận, nội tiết;  những người đang có thai hoặc nghi ngờ có thai; nhức đầu có nguyên nhân thực thể; chảy máu đường sinh dục bất thường chưa rõ nguyên nhân; hàm lượng cholesterol quá cao, mắc bệnh tiểu đường... nên cân nhắc dùng TTT và tốt nhất hãy tới bác sĩ sản khoa để được tư vấn nhằm chọn được loại phù hợp.

  BS.Trần Thị Thủy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]