Tác dụng phụ của colchicin trong điều trị gút

Gút là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin làm tăng acid uric máu dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urat tại khớp gây viêm khớp. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng thường là sưng tấy, nóng,

15.5752

(SKDS) - Gút là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin làm tăng acid uric máu dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urat tại khớp gây viêm khớp. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng thường là sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp. Khi có cơn gút cấp, colchicin là thuốc được chọn dùng để làm giảm đau.

Colchicin còn được dùng để chẩn đoán viêm khớp do gút (khi bị đau khớp uống colchicin, nếu có đáp ứng với trị liệu này thì chứng tỏ là có tinh thể urat vì tinh thể này khó bị phát hiện, nhất là khi chỉ bị ở các khớp nhỏ). Ngoài ra, thuốc còn được dùng để phòng tái phát viêm khớp do gút và điều trị dài ngày bệnh gút và thường hay được dùng phối hợp với probenecid để tăng khả năng dự phòng.
 
Tác dụng phụ thường gặp nhất khi uống colchicin là buồn nôn, đau bụng, nôn và tiêu chảy. Ngoài ra ở một số ít người bệnh có thể gặp các triệu chứng như viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc, rối loạn về máu (khi trị liệu dài ngày) hoặc giảm tinh trùng (hồi phục được). Người bệnh cần ngừng dùng colchicin nếu có các triệu chứng về rối loạn tiêu hóa trên vì đó là các dấu hiệu báo động sớm về khả năng có thể sẽ bị ngộ độc nặng hơn. Khi có các tác dụng phụ thì phải hiểu đó là dấu hiệu đầu tiên của ngộ độc.
 
 Bàn tay của bệnh nhân mắc gút mạn tính.  Ảnh: TL
Nên ngừng dùng colchicin hoặc phải giảm liều. Trị liệu chỉ được tiếp tục khi hết các triệu chứng trên và thường sau 24 - 48 giờ (từ 2 - 4 ngày). Trường hợp nếu uống thuốc bị tiêu chảy có thể dùng các thuốc chống tiêu chảy hay thuốc làm chậm nhu động ruột để điều trị tiêu chảy do colchicin gây ra. Khi điều trị dài ngày, người bệnh cần biết phát hiện những tác dụng phụ có thể gặp do dùng thuốc, báo cho bác sĩ điều trị biết để có cách xử trí thích hợp.

Thuốc cần được dùng thận trọng ở người mắc bệnh tim, bệnh gan, thận hay bệnh tiêu hóa, người cao tuổi (đối với bệnh nhân cao tuổi bị suy nhược dễ bị ngộ độc do tích tụ thuốc). Không được tiêm colchicin vào cơ thể theo đường dưới da hay tiêm bắp vì sẽ gây đau nhiều ở chỗ tiêm. Tránh dùng thuốc cho người mang thai. Colchicin được đào thải qua sữa mẹ, mặc dù người ta chưa thấy trẻ bị ngộ độc qua đường sữa nhưng người mẹ có thể tránh làm nồng độ thuốc cao trong sữa bằng cách uống thuốc vào buổi tối trước khi ngủ và cho con bú sau 8 giờ. 

Cấu trúc hóa học của colchicin.

  Dược sĩ Hoàng Thu Thủy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]