Tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh ở bé gái có thể gây vô sinh

15.6032

BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 TP.HCM hay gặp những ca tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh. Theo các BS, những trường hợp dị dạng âm đạo này dễ bị chẩn đoán lầm sang bệnh khác.

Xem nhẹ biểu hiện bệnh

Thống kê của Khoa Thận niệu – BV Nhi Đồng 2, trong các ca dị dạng âm đạo được tuyến trước chuyển viện trong vòng 5 năm qua, 78% là chẩn đoán sai: u nang buồng trứng, bí tiểu không rõ nguyên nhân, dị vật âm đạo, khối u vùng bụng dưới to gây bí tiểu, viêm ruột thừa… Trong các dị dạng, tử cung âm đạo đôi luôn là dị dạng khó chẩn đoán nhất. Đó là những trường hợp có hai tử cung cùng chung với một âm đạo hoặc mỗi tử cung có một âm đạo riêng, và thường đi kèm với bất sản thận cùng bên. Bệnh nhân ở tuổi dậy thì vẫn có kinh bình thường, u hạ vị lệch bên, dễ nhầm lẫn với áp xe ruột thừa hoặc u nang buồng trứng, thận lạc chỗ.

Khám và kiểm tra cơ quan sinh dục cho bệnh nhi tại khoa Thận-niệu, BV Nhi Đồng 2

Đơn cử trường hợp của bệnh nhi Nguyễn Thị H. H. (15 tuổi) từ BV Đồng Nai chuyển đến khoa Thận niệu, BV Nhi Đồng 2 vào cuối tháng 12/2009 trong tình trạng đau bụng quằn quại. Trước đó, thấy con thường xuyên than đau bụng, nhưng do kinh nguyệt của em bình thường nên gia đình không mấy quan tâm. Đến khi em đau nhiều, gia đình mới đưa đi khám tại y tế địa phương nhưng không tìm ra nguyên nhân, và được chuyển lên Nhi Đồng 2 do nghi ngờ u nang buồng trứng. Tuy nhiên, qua CT scan, các BS phát hiện đây là trường hợp bị dị dạng tử cung âm đạo đôi, với phần âm đạo và tử cung, tai vòi trứng phía bên phải ứ đầy máu.

ThS-BS Phạm Ngọc Thạch – Khoa Thận niệu, BV Nhi Đồng 2, cho biết: với bệnh nhi này, điều quan trọng nhất là phải theo dõi kỹ về sau để xem tai vòi trứng và tử cung bên bất thường có còn hoạt động tốt không. Nếu vòi trứng bị xung huyết lâu ngày không hoạt động, hoặc bị nhiễm trùng tái đi tái lại, phần tử cung và vòi trứng bất thường sẽ được chỉ định cắt bỏ để tránh ảnh hưởng những phần còn lại.

Có thể vô sinh

Tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh là dị tật bộ phận sinh dục của bé gái, tần suất bệnh khoảng 1/4.500. Các bất thường hay gặp nhất là màng trinh không thủng (55%), âm đạo có vách ngăn (10%), không có âm đạo (20%), dị dạng tử cung âm đạo đôi (15%). Những dị tật này sẽ gây cản trở bài tiết dịch và máu kinh ở vùng âm đạo, lứa tuổi có dấu hiệu nhận biết bệnh rõ rệt nhất là trẻ sơ sinh hoặc dậy thì. Do còn bị ảnh hưởng bởi các hormone từ mẹ, cổ tử cung của trẻ gái sơ sinh tăng tiết dịch, dẫn đến ứ dịch vùng âm đạo, ngoài ra còn có các triệu chứng tiểu khó, tiểu rặn, nặng thì nhiễm trùng tiểu (sốt, nước tiểu đục…). Còn ở trẻ dậy thì, đau bụng tháng nhưng không có kinh, máu kinh tích lũy dần trong tử cung, âm đạo… Khi máu tắc nghẽn quá nhiều sẽ gây bí tiểu hoặc hình thành khối u nề ở bộ phận sinh dục, vùng hạ vị…

Điều đáng nói, hầu hết các dị dạng này đều có thể được phát hiện bằng những phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan. Ngoài ra, chụp X-quang hệ tiết niệu đường tĩnh mạch, và MRI sẽ được áp dụng trong những ca khó xác định. Tuy nhiên, do kiến thức về bệnh này chưa được phổ biến rộng rãi, nhiều BS chỉ thăm khám dựa trên các biểu hiện bên ngoài nên có thể dẫn đến những chẩn đoán không chính xác, việc điều trị có thể sai lầm. Tất cả những trường hợp dị tật bẩm sinh đều có thể phẫu thuật và càng điều trị sớm càng giúp các bé gái bảo tồn khả năng sinh sản về sau. Nếu xử trí chậm trong các tắc nghẽn âm đạo bẩm sinh, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như bí tiểu, máu kinh đầy trong lòng tử cung tràn ra âm đạo và hai buồng trứng, gây ứ máu ở tai vòi trứng và chảy vào ổ bụng gây viêm nhiễm, về lâu dài gây biến chứng vô sinh.

Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là đối với những ca màng trinh không thủng – màng trinh thông thường sẽ có lỗ để dịch và máu kinh bài tiết ra ngoài, chỉ cần xẻ mở màng trinh. Đối với vách ngăn âm đạo, cách điều trị là phẫu thuật phụ thuộc vào vị trí và độ dày mỏng của vách ngăn, nhưng thường là cắt vách ngăn và khâu với niêm mạc âm đạo qua tầng sinh môn. Điều trị cho những ca không có âm đạo là tạo hình âm đạo. Trong trường hợp đoạn âm đạo bị mất dài 6 – 7cm, không đủ mô âm đạo để khâu nối, các BS sẽ sử dụng vạt da đùi hoặc một đoạn ruột để làm âm đạo mới, tạo ra đường dẫn, những bệnh nhi này vẫn có khả năng sinh sản về sau.

BACSI.com (Theo PNO)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]