“Tái hiện” thành công

Thấy một DN thành công, chúng ta nghiên cứu tại sao nó ngày càng phát triển và phân tích cách thức nó phát triển, sau đó ta áp dụng cho công ty mình. Tuy nhiên, kết quả không như ý, hoặc thất bại.

0

Để trả lời cho câu hỏi “Sai lầm ở chỗ nào?”, khóa học MBA Trường Đại học Chicago (Mỹ) có bài dạy "Chiến lược mimic". Dịch sát nghĩa từ mimic là “bắt chước”, nhưng thuật ngữ kinh tế gọi đây là “tái hiện”. Nói ngắn gọn, lớp học mimic dạy doanh nhân cách phân tích sự thành công của một DN, để có thể ứng dụng vào thực tế công ty mình, “tái hiện” thành công.

Có thể lấy ví dụ thành công của UNIQLO, chuỗi nhà máy sản xuất - cửa hàng phân phối - tiệm bán lẻ quần áo lớn thứ 5 trên thế giới. UNIQLO có khoảng 800 cửa hiệu bán lẻ tại Nhật, Mỹ, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore... Có ba nhân tố cơ bản làm nên một UNIQLO thành công: Giá thành rẻ; thường xuyên cho ra đời sản phẩm mới, tốt, bền, đẹp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; và thương hiệu UNIQLO nổi tiếng. Ba yếu tố này chỉ là bề nổi, còn khi nghiên cứu một DN, ta cần phân tích sâu vào cốt lõi của thành công.

1. Ngay từ khi thành lập công ty (1984) và bùng nổ thương hiệu (1998), UNIQLO đã chủ trương nhắm đến khách hàng bình dân, nên sản xuất hàng loạt quần áo giá phải chăng, tung ra các thương xá và cửa hàng. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, loại thời trang không cao cấp này lại trở nên phù hợp với túi tiền của nhiều người. Vì vậy, UNIQLO đang nhờ vào nhân tố khách quan của thị trường để ngày càng phát triển.

2. Trong kinh doanh, cho ra đời sản phẩm mới được đánh giá là giải pháp đơn giản, ngắn hạn.

3. Xây dựng thành công tên tuổi thương hiệu thế này mới chính là nền tảng, là chiến lược kinh doanh lâu dài.

Trong những trường hợp thực hành bài mimic thất bại, có hai dạng học trò thường gặp: Dạng “học chưa chăm chỉ” và dạng “học vẹt”. Những công ty “chưa chăm chỉ” thường chỉ nhìn thấy và áp dụng điều 2, là giải pháp ngắn hạn. Còn điều 3, xây dựng thương hiệu cần nhiều thời gian và công sức, họ chưa làm nổi. Còn điều 1, yếu tố khách quan thị trường, thì thường nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Các công ty này cần ghi nhớ hai điều. Một là giải pháp ngắn hạn chưa đủ để “tái hiện” thành công. Hai là DN phải suy luận, đánh giá nhu cầu thị trường trong tương lai.

Đoán trước, đón đầu yếu tố khách quan thị trường, để từ đó, dồn sức xây dựng thương hiệu trong tương lai. Mặt khác, dẫu nắm được bí quyết của đối phương, nhưng dạng công ty “học vẹt” lại áp dụng một cách máy móc, mà không tính đến hoàn cảnh cụ thể của công ty mình. Ví dụ, nếu là DN thời trang cao cấp thì sẵn có thương hiệu là lợi thế lớn, nhưng sản phẩm chất lượng cao đòi hỏi dày công tìm tòi, nghiên cứu dài hạn, nên không thể nhanh chóng và thường xuyên cho ra đời sản phẩm mới. Đồng thời, vì tâm lý khách hàng hạng sang không thích bị “đụng hàng”, DN cũng chẳng thể sản xuất hàng loạt, giá rẻ theo biến động thị trường...
 

THANH TÂM
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]