Tái “khởi nghiệp” sau ly hôn

Sau gần 20 năm gây dựng cơ nghiệp, ông Kao Siêu Lực lại một lần nữa “khởi nghiệp” sau khi ly hôn...

15.573

Ông Kao Siêu Lực và con gái, điều làm ông tự hào lúc khó khăn - ông vẫn có các con bên cạnh.

Khó có thể ngờ rằng, sau gần 20 năm gây dựng cơ nghiệp, ông Kao Siêu Lực - chủ thương hiệu bánh Đức Phát lại một lần nữa “khởi nghiệp”, với số vốn trong tài khoản chỉ vỏn vẹn hơn 6 triệu đồng.

Ông kể:

- Ngày ra toà ký đơn ly dị xong, khi biết trong tài khoản của mình chỉ còn 400 USD, tôi đau đớn và uất ức. Tôi thương tiếc vô cùng cho gia đình của mình, tiếc cho tâm huyết gần 20 năm lao tâm lao lực của mình. Tôi cũng từng có ý định tự tử ngay lúc đó. Nhưng khi cả 3 đứa con đều theo cha, 1.200 công nhân - thợ của hệ thống cửa hàng bánh Đức Phát với chồng (vợ), con họ ở phía sau nữa, rồi bạn bè, đối tác đặt niềm tin nơi tôi... tất cả đã níu chân tôi lại.

Ở cái tuổi mà con cái đã trưởng thành, tưởng là được nghỉ ngơi, tôi lại quay về như ngày xưa - bán từng chiếc bánh và góp nhặt từng đồng.

Thực tế việc tái khởi nghiệp của ông thuận lợi hơn trước nhiều, vì ông có được 1/2 tổng số cửa hàng - tức là có 10 cửa hàng - toàn là nhà lớn ở mặt tiền đường, thay vì phải vất vả suy nghĩ cách kiếm tiền trả lương công nhân, ông chỉ cần bán 1 cửa hàng là có thể kiếm cả ngàn lượng (vàng)?

Phần mình thì dễ, còn các con mình, cháu mình sau này sẽ lấy gì làm điểm tựa để phát triển. Thợ của tôi mất chỗ làm, họ sẽ ra sao... Xuất phát từ một người thợ, tôi thích được làm bánh, tôi cần có công việc để làm điểm tựa, để có cảm hứng mà sống... Bây giờ tôi làm bánh không phải để làm giàu, mà tôi muốn thể hiện đẳng cấp riêng cho chiếc bánh của mình làm ra như một cách khẳng định bản lĩnh của ông Kao Siêu Lực. Tôi muốn đem tất cả những gì tôi nghiên cứu được có nơi để ứng dụng. Và quan trọng hơn, khi con gái tôi đang học ngành thực phẩm, tôi muốn con có chỗ để hành và cơ hội để tiếp tục phát triển nó lên cao hơn nữa.

5 năm trước, ông đã từng nói, thương hiệu Đức Phát lấy từ tên vợ ông, vậy nay ông có còn duy trì thương hiệu này tiếp tục?

Tên bánh Đức Phát đã trở thành tài sản quý giá. Nên khi chia tài sản, tôi và vợ cũ đều vẫn kinh doanh cùng thương hiệu, nhưng chủng loại và chất lượng bánh có khác nhau.

Hiện nay, những cửa hàng của tôi có tên Đức Phát - Vina Bread, và hệ thống này đã có thêm 6 cửa hàng mới. Tôi hiểu rõ, chất lượng chiếc bánh phụ thuộc vào nguyên liệu và kỹ thuật. Tôi lên kế hoạch, trong vòng 3 năm tới, tôi sẽ phải tạo sự khác biệt hẳn cho hệ thống của mình.

Thương hiệu Đức Phát gắn liền với các loại bánh tươi. Tại sao ông chọn bánh mì - sản phẩm giá bình dân chỉ 1.000 - 2.000 đồng/ổ làm sản phẩm chiến lược, trong khi nếu phát triển dòng bánh tươi cao cấp, ông sẽ có lời nhiều hơn với giá bán gấp 2-3 lần?

Người thợ làm bánh có niềm đam mê riêng của mình. Tôi đã tìm được phương pháp làm bánh mì gọi là “Poolish Method”, theo cách này, bánh mì có mùi thơm rất đặc biệt, giòn lâu và không bị cứng. Tôi cũng đã tìm ra cách sản xuất “bánh mì đông lạnh”, tất cả bánh mì đều sản xuất từ một nơi, dùng xe chuyên dụng chở đến từng cửa hàng, nướng sơ qua là có bánh nóng dòn bán ngay cho khách.

Làm bánh mì quá dễ, Sài Gòn có hàng trăm lò bánh, nhưng bán được cho các nhà hàng, khách sạn lớn, các hệ thống KFC, Lotteria..., thậm chí bán sang Nhật, Anh... mang lại cho tôi sự tự tin về khả năng của mình. Bánh cao cấp rất nhiều nhà hàng, khách sạn đều có, người có tiền là mua được. Còn người lao động nghèo, quanh năm họ chỉ ăn những loại bánh giá rẻ, kém ngon mà còn kém cả vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tôi đang muốn thay đổi cách phục vụ cho người lao động bằng cách phát triển bánh tươi theo hướng “công nghiệp và hiện đại”, chẳng hạn như làm bánh bông lan kem “đông lạnh” bỏ mối cho cửa hàng hay siêu thị, khách chỉ cần rã đông là có bánh tươi ăn ngay.

Tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, ông đã để rất nhiều dòng cám ơn trong gian hàng, từ đội ngũ nhân viên, nhà cung cấp nguyên liệu đến đối tác... mà trong kinh doanh, gần như mọi doanh nghiệp đều quan tâm nhất là người tiêu dùng.

Tôi tri ân tất cả, nhờ người tiêu dùng mua bánh mà tôi gây dựng được cơ nghiệp, nhưng trong những ngày khó khăn nhất của cuộc đời, trước khi người tiêu dùng nhận ra sự khác biệt về thương hiệu, loại bánh giữa các cửa hàng thì chính đối tác, nhà cung cấp nguyên liệu đã tạo điều kiện để tôi tiếp tục kinh doanh, các nhân viên ủng hộ - cho tôi niềm tin và ý chí để tiếp tục đi tới...
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]