Tái tạo hàm mặt sau điều trị ung thư xương hàm

Ung thư hàm mặt (UTHM) là một trong những loại ung thư có mức độ tàn phá lớn và gây biến dạng nghiêm trọng vùng hàm mặt.

15.5995
Dễ nhận biết nhưng cũng dễ bỏ qua

UTHM không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh và nếu không được phẫu thuật tái tạo hàm mặt, bệnh nhân sẽ không có khả năng nói, nuốt, nhai….

Theo BS Trần Thanh Phương - Trưởng khoa Ngoại 3 - BV Ung Bướu TP.HCM, UTHM không có nguyên nhân cụ thể, nhưng triệu chứng báo động lại khá rõ rệt.

UTHM có thể bắt đầu bằng những cơn đau răng dai dẳng, cũng có khi cơn đau dữ dội, có cảm giác như răng có thể bị lung lay… hoặc cũng có thể là một đợt ngạt tắc mũi kéo dài kèm theo chảy máu mũi, mủ nhày… chỉ cần há họng là có thể thấy những tổn thương bên trong.

Thế nhưng, phần lớn người bệnh lại thường đến bệnh viện muộn vì chủ quan, nghĩ rằng mình bị nóng trong người nên bị nhiệt miệng, hoặc đơn giản nhức răng thì nhổ răng, nặng hơn thì nghĩ là áp xe răng mà không biết rằng rất có thể đó chính là những dấu hiệu báo động của bệnh UTHM. Đã vậy, nếu gặp những thầy thuốc thiếu kinh nghiệm thì việc nhổ răng, lấy ổ áp xe hay xử lý vùng mũi tắc nghẽn sẽ làm cho mầm bệnh ung thư ở vùng hàm mặt phát tán nhanh hơn.

Ngay cả với những bướu lành tính, tuy chỉ gây biến dạng tại chỗ nhưng sức tàn phá của nó về mặt thẩm mỹ là rất lớn, gây biến dạng mặt, ảnh hưởng đến chức năng nhai... Thậm chí, không ít trường hợp bướu lành, nhưng do đến trễ, gây nhiễm trùng tại chỗ, gây hoại tử cũng dẫn đến tử vong.


Tạo hình hàm mặt cho một bệnh nhân. Nguồn:benhvienbinhduong.org.vn

Do vùng hàm mặt dễ bị sang chấn, dễ bị chảy máu và vì thế rất dễ bị nhiễm khuẩn, điều đó làm bệnh nhân suy giảm nhanh chóng các chức năng nuốt, thở, nói, nhai, trong đó quan trọng nhất là ăn uống dẫn đến cơ thể suy kiệt, mệt mỏi...

Các BS khuyên, nên đi chụp phim kiểm tra hoặc CT, sinh thiết để phát hiện chính xác từng loại UTHM. Phần lớn, các loại UTHM, nếu bệnh nhân đến sớm, sang thương ít, thì có thể mổ bảo tồn được xương hàm. Còn nếu đến trễ, để bướu lớn chiếm hơn 1/3 xương hàm (độ cao xương hàm) thì khó có thể mổ bảo tồn.

Đặc biệt, nếu UTHM xuất phát từ một ung thư nướu răng thì cần thận trọng. Bởi, ung thư nướu răng diễn tiến chậm, nếu để trễ thì không thể mổ được, chỉ có thể hóa trị, xạ trị nhưng hiệu quả cũng không cao.

Tái tạo xương hàm,cấy ghép implant

Đây là lựa chọn tối ưu cho các ca phẫu thuật điều trị UTHM. Bởi, phẫu thuật cắt xương hàm dù là xương hàm trên hay xương hàm dưới đều sẽ làm cho người bệnh bị mất xương gò má, móp cả mặt, ảnh hưởng chức năng nhai và thẩm mỹ.

Trong tất cả các trường hợp bị UTHM đều có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ và tùy từng giai đoạn bệnh mà BS sẽ mổ cắt bỏ một đoạn xương hàm nhiều hay ít. Thông thường, khi cắt bỏ đoạn xương hàm, các BS sẽ nạo vét sạch vùng bị tổn thương do khối u, sau đó dùng vạt cơ tạo hình. Việc cắt bỏ toàn bộ phần bị ung thư và tổ chức liên quan sẽ để lại lỗ khuyết hổng lớn trên mặt, mặt sẽ biến dạng và dẫn đến thở kém, không thể nói, cười, ăn uống khó khăn... Chính vì vậy, để giữ lại hình thái và những chức năng cơ bản cho khuôn mặt người bệnh đòi hỏi có sự phối hợp nhiều chuyên khoa khác nhau.

Với trường hợp nhẹ, các BS tái tạo hàm mặt bằng cách đặt một cái nẹp kim loại, ngắn thì ghép xương tự do, lấy xương từ mào chân lên tạo hình các bộ phận đã bị cắt để khuôn mặt có được chức năng gần như bình thường. Cao cấp hơn thì làm vi phẫu, cấy ghép bằng xương mác. Sau đó, người bệnh sẽ được cấy ghép implant răng lên khung xương hàm đã được ghép.

Thông thường mỗi ca mổ tái tạo hàm mặt kéo dài khoảng sáu-bảy tiếng, sau ba tuần đến một tháng bệnh nhân sẽ được mở nẹp, xuất viện. Ba tháng sau mổ, các BS đánh giá lại hàm. Nếu tốt thì sẽ chỉ định cấy ghép răng lên hàm. Sau điều trị, song song với việc phải tập thích nghi từ từ với hàm và răng mới từ việc nhai, nuốt… thì người bệnh phải tập đi (sau lấy xương chân yếu, có thể tập cả tháng).

Phòng ngừa được không?

Không có cách nào chứng minh có thể ngăn ngừa UTHM. Tuy nhiên, nếu làm theo những lời khuyên sau đây của thầy thuốc, thì có thể làm giảm nguy cơ UTHM:

- Kiểm tra thường xuyên nha khoa sẽ phát hiện UTHM trong giai đoạn đầu. Bởi điều trị UTHM nếu được phát hiện sớm có thể chỉ cần cắt bỏ tổn thương.

- Không nên hút thuốc lá, giảm bia rượu bởi nhiều ghi nhận UTHM có nguy cơ cao với những người hút thuốc.

- Ăn nhiều trái cây và rau quả.

AloBacsi.vn
Theo Phụ Nữ TP.HCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]