Tạm dừng sử dụng tế bào gốc trị ung thư vú

TT - Đây là ý kiến của Bộ Y tế đối với Bệnh viện Ung bướu Nghệ An về phương pháp điều trị rất gây chú ý thời gian qua là ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú (Tuổi Trẻ ngày 10-3 từng đặt vấn đề).

15.5865

Đang tải ...
Nghe đọc bài: Tạm dừng sử dụng tế bào gốc trị ung thư

Bệnh nhân ung thư vú đang được điều trị bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Nguyên Linh

Theo ông Nguyễn Ngô Quang - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), liệu pháp tế bào gốc mới được Bộ Y tế cho phép triển khai với một số nhóm bệnh, chưa cho phép điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng.

Các tài liệu thế giới chưa có tài liệu công bố hiệu quả tế bào gốc trong điều trị ung thư, ngoại trừ ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu. Ông Quang nói:

- Trong điều trị ung thư, các liệu pháp hóa chất, xạ trị có tác dụng phụ là gây suy tủy xương. Ghép tế bào gốc điều trị suy tủy xương là biện pháp điều trị được Bộ Y tế cấp phép điều trị thường quy, tuy nhiên chưa có căn cứ cho rằng điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng là phương pháp hiệu quả, mà ghép tế bào gốc theo tôi chỉ là biện pháp bổ trợ cho người bệnh ung thư đã hóa trị, xạ trị, bị suy tủy và khi đó ghép tế bào gốc giúp tăng thể lực, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Hướng mong đợi nhất là tế bào gốc phát triển thành tế bào có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng việc ghép tế bào gốc tạo máu tự thân lại không nhằm tạo ra tế bào diệt tế bào ung thư.

Do đó ghép tủy chỉ dùng điều trị suy tủy thứ phát sau hóa trị liệu ung thư, xạ trị ung thư ở liều cao, nhằm hỗ trợ điều trị ung thư, là một phân đoạn trong lộ trình điều trị ung thư

PGS LÊ VĂN ĐÔNG (một chuyên gia về công nghệ tế bào gốc)

* Thưa ông, những công bố cuối năm 2014 cho thấy tại Bệnh viện T.Ư Huế và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An ứng dụng tế bào gốc điều trị ung thư vú và ung thư cổ tử cung có những hiệu quả, đã có những bệnh nhân khỏi bệnh. Đây là hai đề tài khoa học và tại Nghệ An thì đề tài của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An còn được giải thưởng. Vậy hiệu quả thực tế của phương pháp này ra sao?

- Sau khi thông tin được công bố cuối năm 2014, chúng tôi biết có nhiều bệnh nhân tha thiết chuyển bảo hiểm y tế vào Huế và Nghệ An để điều trị, chi phí điều trị như bệnh nhân thông tin là hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên với những dữ liệu đã có, Bộ Y tế vừa họp với Sở Y tế Nghệ An, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và sắp tới chúng tôi sẽ vào Huế. Trước mắt có thể kết luận chủ nhiệm đề tài tại Nghệ An đã công bố thông tin gây hiểu lầm cho người bệnh và người dân.

Nếu muốn thông tin, bệnh viện chỉ có thể công bố khả năng hỗ trợ của ghép tế bào gốc, còn không thể công bố nhờ ghép tế bào gốc điều trị khỏi ung thư cổ tử cung, ung thư vú.

Muốn kết luận nhờ biện pháp đó bệnh nhân khỏi bệnh, phải đánh giá được hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư sau ghép tế bào gốc, trong khi các đề tài chưa theo dõi hiệu quả này mà mới theo dõi quá trình sinh tủy sau ghép tế bào gốc, như vậy đâu phải là điều trị ung thư.

Trong cuộc họp mới tổ chức bàn về phương pháp điều trị này, bệnh viện có nói phương pháp ghép tế bào gốc điều trị suy tủy đã được Bộ Y tế cho phép. Nhưng đây là cho phép ghép điều trị suy tủy, nếu muốn được triển khai nghiên cứu hiệu quả ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú, bệnh viện phải xây dựng đề cương gửi Bộ Y tế xem xét về khía cạnh y học và đạo đức y sinh trước khi triển khai.

* Liệu pháp tế bào gốc được nhiều người bệnh quan tâm, nhiều trung tâm y tế tín nhiệm phát triển, theo ông hiệu quả thực tế của liệu pháp này ra sao và hiện Bộ Y tế cho phép những kỹ thuật nào ứng dụng liệu pháp tế bào gốc?

- Thế giới có nhiều nghiên cứu cơ bản về tế bào gốc, nhưng từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng còn là quá trình dài. Ngay tại Singapore và Hàn Quốc là những nơi có nhiều nghiên cứu cơ bản về tế bào gốc, họ chỉ bán công nghệ chứ không ứng dụng trên người nhiều.

Do chưa thể kiểm soát sau khi tiêm truyền tế bào gốc vào cơ thể, tế bào này biệt hóa thành tế bào mong muốn hay lại phát triển thành tế bào khác không được mong đợi, vì vậy rất cần thận trọng. Ở VN, ngoài ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu, Bộ Y tế cho phép dụng ghép tế bào gốc trung mô điều trị viêm khớp, thí điểm ghép tế bào gốc điều trị tim mạch, sắp tới sẽ cho phép ghép tế bào gốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), còn lại là chưa cho phép.

* Với công bố ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú và ung thư cổ tử cung vừa qua, Bộ Y tế có yêu cầu như thế nào?

- Trước mắt, chúng tôi yêu cầu tạm dừng ứng dụng ghép tế bào gốc điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Nếu sau này bệnh viện muốn nghiên cứu hướng đi này có thể xây dựng lại đề án gửi Bộ Y tế xem xét về khía cạnh y khoa và đạo đức.

Tới đây, chúng tôi vào Huế thống nhất lại. Theo tôi, cách công bố vừa qua của các đề tài đã gây hiểu lầm nghiêm trọng cho người dân.

Bộ Y tế đã thành lập đoàn thẩm định

PGS Nguyễn Trung Chính (Bệnh viện Ung bướu Nghệ An) giải thích thuật ngữ ghép tế bào gốc thực chất là ghép tủy xương để điều trị ung thư vú.

Tại cuộc họp với Bộ Y tế về kỹ thuật này, đại diện Sở Y tế Nghệ An cho biết về mặt pháp lý, khi thành lập Bệnh viện Ung bướu, Sở Y tế có văn bản báo cáo Bộ Y tế về các kỹ thuật thực hiện tại bệnh viện. Bộ Y tế đã thành lập đoàn về thẩm định.

Theo Sở Y tế, kỹ thuật ghép tế bào gốc có trong danh mục được cho phép và không phải là kỹ thuật mới nên không cần có quy trình riêng nào cho phương pháp mới, kỹ thuật mới. Sở Y tế cũng có công văn xin ý kiến Bộ Y tế (thông qua Cục Quản lý khám chữa bệnh) về mức giá cho các kỹ thuật trên nhưng chưa nhận được công văn trả lời.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]