Tâm huyết giữ hồn trạng Vĩnh Hoàng

“Cái hay của truyện trạng làng Vĩnh Hoàng chính là câu chuyện bắt nguồn từ một sự việc có thật rồi cường điệu, nhân cách hóa, hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thật, rất tự nhiên và hài hước. Đặc biệt trong hoàn cảnh cuộc sống càng khó khăn, gian khổ và ác liệt thì truyện trạng càng nở rộ thể hiện tinh thần không thể khuất phục của người Huỳnh Công luôn ước mơ vươn đến một ngày mai tốt đẹp”..., ông Trần Hữu Chư (77 tuổi), thôn Tây 2, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) - người đã dành trọn tình yêu và cuộc đời để nghiên cứu và truyền dạy trạng Vĩnh Hoàng cho thế hệ trẻ, tâm sự.

0

 

Ông Chư đang kể chuyện trạng cho tác giả nghe.

 

Đón chúng tôi bằng một thái độ niềm nở với bát nước chè gừng nóng hổi và mấy củ khoai môn trong vườn nhà; mở đầu câu chuyện, ông Chư tếu táo kể câu chuyện hài hước về “sáp nặng” (khoai môn) quê ông dẻo, bùi và ngon đến độ khi ăn trẹo cả lưỡi. Theo những tài liệu mà ông nghiên cứu, truyện trạng Vĩnh Hoàng có xuất xứ từ trong dân gian, ra đời hơn 700 năm về trước. Thời ấy, cuộc sống khó khăn vất vả, đói khổ, trong giờ giải lao, nghỉ ngơi, người làng Vĩnh Hoàng thường kể cho nhau những câu chuyện vui thể hiện ước mơ, khát vọng và sức mạnh của con người hướng đến một xã hội tốt đẹp. Bằng việc mang lại những tiếng cười đầy sảng khoái, vui tươi, truyện trạng đã tăng thêm nghị lực, sự lạc quan, yêu đời cho mọi người cùng vui vẻ xua tan mệt nhọc, khổ cực của cuộc sống hiện tại. Đối với người Huỳnh Công mà nói, truyện trạng chính là món ăn tinh thần bổ ích không thể thiếu từ đời này qua đời khác, là tinh hoa văn hóa dân tộc mà cha ông thời trước để lại.


Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của xã như Chủ nhiệm Hợp tác xã Huỳnh Công Tây (1988 - 2003), Trưởng ban liên lạc hưu trí xã Vĩnh Tú (1987 - 1989), nay là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Tú; ông Chư được mọi người trong làng tín nhiệm, yêu mến, coi trọng và có lẽ trên hết là bởi cảm phục ông - người lưu giữ và truyền bá truyện làng Vĩnh Hoàng cho các thế hệ sau của mình. Là một người con của làng Vĩnh Hoàng, sinh ra và lớn lên ở đây, hơn ai hết ông hiểu được cái hay, cái hồn của truyện trạng. Ông chia sẻ: “Ngày trước truyện trạng như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, nhưng hiện nay lớp trẻ không còn mặn mà lắm với vốn văn hóa độc đáo của cha ông nữa, nên tôi thấy buồn. Bây giờ những người lớn tuổi chúng tôi không còn lại bao nhiêu, nếu chúng tôi mất đi thì xem như truyện trạng cũng dần rơi vào dĩ vãng, thất truyền sẽ có tội với cha ông lắm”.


Từ năm 2000 đến nay, ông đã miệt mài sưu tầm những câu chuyện trạng từ các bô lão trong làng. Để có được những câu chuyện hay ông phải mất rất nhiều công sức và tâm huyết để hỏi, sưu tầm, bởi có rất nhiều dị bản. Đến nay, ông đã có trong tay hàng trăm câu chuyện và thơ trạng của người Huỳnh Công xưa để lại.


Tranh thủ lúc nông nhàn, những ngày trời mưa gió rảnh rỗi không đi làm đồng, ở nhà với cây bút chì giản dị và mấy mẩu sáp màu của học sinh, ông vẽ từng đường nét, hình ảnh của câu chuyện hiện lên đầy sinh động và màu sắc thu hút người xem. Bên cạnh những bức hình đó, để dễ hiểu, ông còn viết chú thích và những lời thoại hóm hỉnh đi kèm, toát lên được cái hay của truyện trạng. Tranh của ông, ông không giữ cho riêng mình mà đem tặng các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở của xã, bởi ông hy vọng thông qua những hình ảnh sinh động, gần gũi, hồn trạng sẽ dần ngấm sâu vào tâm hồn trong trẻo của các em, để từ đó ươm mầm cho truyện trạng phát triển.


Ông Chư cũng là người đưa ra ý tưởng lồng ghép kể truyện trạng vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, các cuộc thi, hay những buổi giao lưu văn hóa trong xã. Đến nay, cứ mỗi dịp hội họp, những câu chuyện trạng được mọi người chuẩn bị từ trước để biểu diễn, mang đến những nụ cười rạng rỡ, vui tươi cho người dân.


Thanh Thủy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]