‘Tầm Tã’ và bốn họa sĩ trẻ khát khao phá cách

Nhóm họa sĩ gồm Nguyễn Huy An, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Trần Nam và Vũ Hồng Ninh chung tay mở triển lãm ‘Tầm Tã’ với những ý tưởng khác nhau. Tác phẩm của họ đều chứa đựng sự phá cách táo bạo.

15.5907

Trong buổi khai mạc hôm 16/7, nghệ sĩ sắp đặt nổi tiếng Trần Lương nói về ý tưởng tổ chức triển lãm cho 4 học trò: “Sự đối thoại giữa các nghệ sĩ hiện nay còn rất hạn hẹp. Triển lãm này kết hợp 4 họa sĩ trẻ với nhau, tạo nên sự giao lưu”.

Nhiều tác phẩm ở đây từng được trưng bày ở Oslo, Na Uy, như “đèn ông sao” của Nguyễn Văn Phúc hay các sắp đặt về bóng của Nguyễn Huy An.

Từ trái sang: Vũ Hồng Ninh, Nguyễn Trần Nam, Nguyễn Huy An, Nguyễn Văn Phúc.

“Đèn ông sao” với kích cỡ khá lớn, chiều cao gấp đôi một người bình thường, do Nguyễn Văn Phúc kết nên từ những chiếc nạng gỗ, có những hình ảnh được sơn và thêu lên bề mặt. Anh nói: “Tác phẩm thể hiện hậu quả của chiến tranh. Các cựu chiến binh, tuy còn sống nhưng đều không lành lặn cả về thể xác lẫn tâm hồn. Hình ảnh đèn ông sao của trẻ nhỏ trong đêm rằm như biểu tượng cho truyền thống hòa bình, và hạnh phúc. Nhưng trong đó còn những vết thương được giấu kín”.

Nguyễn Huy An lại thích khai thác ý tưởng từ những cái bóng. “Cái bóng mang lại những uẩn ức của hoàn cảnh và của vật tạo ra nó. Vẻ im lặng bí ẩn của nó vừa khiến người ta cảm thấy an toàn lại vừa sợ hãi, bất an”. Trong loạt tác phẩm này, Huy An sử dụng than, mực phủ lên bề mặt để tạo thành bóng của những vật thể. Đó là hành động vật chất hóa cái bóng, khiến sự tồn tại của nó trở nên phi lý.

Ảnh:

Những bức tượng điêu khắc của Nguyễn Trần Nam kể câu chuyện về gia đình anh và bản thân anh qua sự thay đổi, đan xen của thời cuộc. Những bức tượng có đế tròn đối trọng, có thế đẩy đi đẩy lại mà không ngã. Trần Nam cho biết, anh lấy ý tưởng từ con lật đật của Nga nhưng với góc nhìn hoàn toàn khác. “Con lật đật, trong suy nghĩ của tôi, nó bị động và dễ bị xô đẩy, không nắm bắt được cuộc đời của chính mình”.

Nếu như tượng của Trần Nam khuyến khích sự tương tác giữa người xem và tác phẩm, thì “Tễu xà phòng” của Vũ Hồng Ninh cũng là tương tác, nhưng ở mức độ cao hơn. Người xem hoàn toàn có thể chạm vào, chà xát lên tác phẩm và dùng xà phòng để rửa tay với bồn rửa ngay cạnh đó. Tác phẩm sẽ bị phá hủy, nhưng đó chính là dụng ý của họa sĩ. Thêm nữa, hình ảnh chú bé giơ ngón tay giữa lên trời cũng dễ gây phản cảm, nhưng Hồng Ninh khẳng định: “Đó là sự thể hiện tính vĩ đại của chính mình với thái độ bất kính trẻ trung”.

“Tầm Tã” mở tại Bui Gallery, Hà Nội, từ 17/7 đến 27/8.

Bài, ảnh: Pham Mi Ly

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]