Tập thể dục thể thao và sức khỏe của trẻ em

15.5837

Giai đoạn từ 13 – 18 tuổi, cơ thể phát triển rất nhanh, vì thế tập thể dục thể thao (TDTT) trong giai đoạn này có nhiều lợi ích cho cơ thể, nhưng cũng có những cái hại cần lường trước.

Lợi

TDTT nhằm thư giãn, rèn luyện cơ bắp hoặc giảm cân. Thực tế, TDTT góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn. Các môn TDTT như: đá bóng, bóng chuyền, bóng rổ… rèn luyện cho các bạn trẻ tính cộng đồng, chẳng hạn như: tuân thủ kỷ luật, quan tâm đến người khác, có kế hoạch, chiến lược…

TDTT còn giúp cho cơ bắp săn chắc, tác phong nhanh nhẹn, phản xạ tốt khi có tình huống bất ngờ nguy hiểm xảy ra. Nhờ vậy khả năng thoát hiểm cao hơn, ngay cả khi té, thế té cũng không khiến bị chấn thương nặng như những người không tập luyện.

Ở các môn TDTT riêng lẻ (nhảy xa có đà, nhảy xa không đà, ném tạ…), việc tập luyện thường xuyên còn giúp các em biết cách lên kế hoạch, tổ chức việc học hợp lý, thoát hiểm… Bên cạnh đó, việc rèn luyện đều đặn còn giúp hệ tuần hoàn khỏe mạnh, não nhận đủ dưỡng chất và dưỡng khí, nhờ vậy trí nhớ được tăng cường một cách tự nhiên việc học tập nhờ thế sẽ hiệu quả hơn.

Với trẻ thường xuyên tập thể dục, hệ thống miễn dịch được “tập trận” nên khó nhiễm bệnh. Điều mà các nhà khoa học nhận thấy qua nhiều nghiên cứu là tập thể dục làm tăng nội tiết tố endorphin, giúp cho trẻ cảm thấy phấn chấn yêu đời, ham học hỏi. TDTT giúp tăng cường năng lượng tiêu hao, không tích lũy nhiều dưới dạng mỡ.

Hại

Những chấn thương trong TDTT có thể gây rách sụn chêm, bong gân cổ chân, đứt dây chằng, dây chằng chéo… Bất kỳ tổn thương nào trên gân, cơ ở trẻ em đều nguy hiểm và ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM cho biết: “Trong điều trị đứt dây chằng, nếu bác sĩ thiếu kinh nghiệm, về sau chân của bệnh nhân sẽ bị cong bất thường”.

Mặc dù gãy xương ở trẻ em mau lành nhưng biến chứng thì 10 – 20 năm sau mới nhận thấy. Do xương vẫn còn phát triển nên bệnh nhân dễ bị tật, chân cao chân thấp, tay dài tay ngắn, liệt tay… Ví dụ gãy lồi cầu ngoài cánh tay làm khuỷu tay vẹo ra ngoài, mỗi năm một ít làm căng dây thần kinh trụ nên gây liệt thần kinh này. Chỉ đến khi thấy tay bị liệt, bác sĩ mới biết là do vết thương năm xưa gây ra. Những trường hợp này sẽ được điều trị bằng phẫu thuật nhưng tốt nhất vẫn là phát hiện sớm, việc chỉnh sửa dễ dàng hơn.

Tập luyện quá mức còn dễ bị hội chứng đau cơ muộn. Thuốc giảm đau paracetamol, nurofel… chỉ làm giảm cơn đau chứ không trị được bệnh.

Theo bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, giáo viên thể dục phải là người có chuyên môn, không bao giờ cho tập mà không biết tình hình sức khỏe của từng học sinh. Các học sinh có sức khỏe không như nhau, nhưng cho học cùng một bài thể dục thì gây ra hai điều, em khỏe thì cảm thấy nhàm chán, em yếu lại cảm thấy đuối vì quá sức.

Mỗi một cá thể có khả năng riêng. Ví dụ: em có tay dài thì thường không thể chạy nhanh nhưng thích hợp với bơi lội, còn em tay chân khéo léo thì phù hợp với đánh cầu lông… Học đúng khả năng không những tốt cho sức khỏe mà còn có thể phát huy năng khiếu tiềm ẩn của trẻ.

Theo Phunuonline.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]