Tay chân miệng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, dấu hiệu của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.

15.5632

Theo Bộ Y tế, năm 2013, bệnh tay chân miệng gia tăng tại một nước trong khu vực, như Trung Quốc ghi nhận 2.071.237 trường hợp mắc, trong đó có 550 trường hợp tử vong, Nhật Bản ghi nhận 67.981 trường hợp mắc, Singapore ghi nhận 36.518 trường hợp mắc. Năm 2012, Việt Nam cũng ghi nhận tới 157.306 trường hợp mắc, 45 trường hợp tử vong.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Việt Nam ghi nhận 17.410 trường hợp mắc, 02 trường hợp tử vong. Mặc dù số mắc và tử vong có giảm so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên một số tỉnh, thành phố đã có số mắc tăng như TP.Hồ Chí Minh tăng 28,9%, Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 34,4%, Cà Mau tăng 15,5%, Kon Tum và Đắk Lắk. 

Nhằm phòng, chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân về cách nhận biết bệnh chân tay miệng như sau:

Triệu chứng của bệnh:

Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng từ từ 3-7 ngày. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát diễn ra từ 1 – 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Triệu chứng nhận biết của bệnh tay chân miệng

Sau đó đến giai đoạn toàn phát (có thể kéo dài 3-10 ngày) với các triệu chứng điển hình của bệnh:

1. Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

2. Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

3. Ngoài ra trẻ vẫn có sốt nhẹ, nôn. Còn những trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.

Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, cũng có những trẻ mắc bệnh nhưng không có những dấu hiệu điển hình như trên. Theo đó, dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban và loét miệng.

Để phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo gửi tới tất cả các địa phương từ cuối tháng 4 đến nay. Theo đó, tay chân miệng chưa có vắc xin điều trị nên người dân phòng bệnh bằng các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

2. Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

3. Thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. 

Khánh Ngọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]