Từ trước đến nay, đơn vị lữ hành đa số là làm trung gian. Nói một cách khác, dù dịch vụ du lịch tăng hay giảm giá thì họ vẫn có thể sống. Du khách mới phải chịu thiệt.

Thế nhưng đây lại là lần đầu tiên, ngay cả những đơn vị trung gian ấy cũng phải phẫn nộ vì cách hành xử “ăn xổi” của nhiều người kinh doanh dịch vụ. Chỉ biết tăng giá mà không nghĩ đến hệ lụy và ghi nhận phản ánh của khách hàng.

Tổng giám đốc một hãng lữ hành bức xúc: “Chưa khi nào công ty lữ hành phải làm điều đó. Đã đến lúc những người làm du lịch phải nhìn nhận lại, cần phải bỏ ngay thái độ không tôn trọng khách hàng. Việc tẩy chay một điểm đến nào đó không phải làm cho chúng tôi mà là cách chúng tôi lên tiếng để bảo vệ những khách hàng đã tin mình”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Dã ngoại Lửa Việt, cho rằng mọi người nên xem du lịch là một tôn giáo, từ cách nghĩ này sẽ dẫn đến những cách hành xử đúng nghĩa.

Hiệp hội Lữ hành TP.HCM cũng ủng hộ quan điểm của các hãng lữ hành. Tuy nhiên, vẫn còn những người thờ ơ cho rằng: Có nói cũng chẳng giải quyết được gì. Ngành du lịch còn đầy hạt sạn. Cách tốt nhất là chấp nhận…

Năm 2012 là năm gặp khó của ngành du lịch. Liên tiếp số lượt khách tại các hãng lữ hành sụt giảm. Nhãn tiền của việc làm ăn chụp giật đã khiến du khách quay lưng lại. Vậy tại sao các hạt sạn của ngành du lịch lại vẫn được nhiều người chấp nhận?

Đã đến lúc phải nghĩ du lịch là một tôn giáo và hãy tôn trọng cái hồn của tôn giáo ấy, chính là du khách!

MAI PHƯƠNG


Video đang được xem nhiều