Tay kéo tuyệt kỹ của lão bà 78 tuổi và lời khuyên “hãy hôn thật chậm...”

(ĐSPL) - Ở tuổi 78, đường kéo của bà Phạm Xuân Thu vẫn uyển chuyển làm mê mẩn biết bao người. Khách của bà gồm có ta, tây, già, trẻ, tất cả đều thích thú với trải nghiệm vừa được bà cắt tóc và nghe bà diễn giải những câu châm ngôn cuộc sống được bà đúc rút từ hơn 50 năm cầm kéo cắt tóc cho thiên hạ.

15.6083

Chính điều đặc biệt này mà hình ảnh của bà trở thành một phần độc đáo trong nhịp sống thường ngày của phố cổ. Để rồi, ai đã từng một lần được bà lão này cắt tóc thì đó sẽ là một kỷ niệm rất đẹp, rất riêng với Thủ đô.

Hãy tha thứ thật nhanh để trường thọ

“Tại sao bà chỉ chọn cắt tóc nam mà không cắt tóc nữ?”. Tôi bắt đầu câu chuyện với bà Phạm Xuân Thu, 78 tuổi, hành nghề cắt tóc ở vỉa hè phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gần 30 năm nay. Đáp lại câu hỏi dí dỏm của tôi là nụ cười đôn hậu. Câu hỏi như chạm vào tận sâu thẳm trái tim của người phụ nữ chọn cái nghề “vít đầu làm đẹp cho thiên hạ” làm kế mưu sinh.

Phóng to

Bà Phạm Xuân Thu đang cắt tóc cho một vị khách nước ngoài. Ảnh T.L.

Nói về nghề cắt tóc, bà Thu thổ lộ rằng: “Nghề này cho tôi tất cả, niềm vui và nguồn sống”. Và trên hết đã giúp bà Thu được gặp gỡ nhiều người, đúc rút được nhiều bài học thành những câu châm ngôn sống. Nó giản dị nhưng sâu sắc. Theo thói quen, mỗi khi ngẫm được một câu châm ngôn ý nghĩa bà lại viết hoặc dán lên góc gương để mọi người cùng suy ngẫm. Đây là một cách để bà giao lưu với khách và cũng là thông điệp sống giản dị của người phụ nữ đã nửa thế kỷ gắn với nghề cắt tóc ở chốn Hà thành.

Đọc những câu châm ngôn trên chiếc gương đặt cạnh những đồ nghề quen thuộc: “Không có những thứ mình yêu hãy yêu những thứ mình có”, "Hãy hôn thật chậm, Cười thật tươi, Tha thứ thật nhanh nhé...” tôi càng kính trọng và khâm phục bà hơn. Theo bà, điều này làm cho bà sống khỏe mạnh, minh mẫn và vui vẻ.

Nói về lý do viết những câu châm ngôn trên, bà Thu chia sẻ, cuộc sống ngày nay nhiều áp lực hơn xưa, cảnh mưu sinh tất bật và đầy bon chen. Cái nghề vỉa hè hàng chục năm qua đã giúp bà nhận ra điều đó. Có không ít người ngồi cắt tóc nhưng tâm hồn xao động, không yên. Rồi những câu chuyện bà nghe được từ khách về những người khổ sở lao mình vào cuộc đời với sự đố kỵ và lòng tham. Do đó, bà viết những câu châm ngôn trên, mong muốn những giây phút ngồi cắt tóc, khách của bà có thể đọc nó và rút ra cho riêng mình những bài học.

Theo bà Thu, hạnh phúc thực sự giản đơn. Hạnh phúc chính là sự vui sống từ những điều giản dị nhất trong cuộc đời. “Yêu những thứ mình có” chính là tôn trọng bản thân và bằng lòng với hiện tại.

“Trước hết, tôi viết châm ngôn là để răn dạy mình, răn dạy con cháu. Sau đó, tôi muốn những câu châm ngôn được viết lên ở góc gương sẽ mang đến khoảnh khắc thú vị, bình yên cho khách khi đến đây cắt tóc. Và hy vọng, khi đọc những câu châm ngôn này ai đó sẽ nhận ra lỗi lầm (nếu có) và sửa mình” bà Thu cho biết.

Không biết vì châm ngôn hay vì tài năng cắt tóc của bà mà khách hàng nhiều nơi tìm đến để được bà cắt tóc. Không bảng hiệu nhưng đến Hàng Buồm, hỏi bà lão cắt tóc ở vỉa hè thì chắc chắn sẽ được mọi người ở khu phố cổ này chỉ dẫn tận tình. Người dân khu phố cổ này đã quá quen với hình ảnh của một bà lão cắt tóc dưới gốc cây bằng lăng xù xì bên vỉa hè.

Sáng 27/5, khi tôi đến đây, khách ngồi đợi bà cắt tóc có đến năm, sáu người. Ta có, Tây có, già có, trẻ có. Họ đến từ nhiều nơi nhưng tựu trung lại là rất thích thú chờ đợi để được bà Thu cắt tóc. Tất cả đều kiên nhẫn ngồi chờ đợi để đến lượt mình, giữa cái sôi động, náo nhiệt của khu phố cổ, nhâm nhi chén trà sen, ngắm phố và người Hà Nội, âu cũng là một cái thú.

Khách quốc tế tìm cắt tóc vỉa hè

Trò chuyện với những vị khách, tôi biết rằng, nhiều người xem việc được bà Thu cắt tóc là một thói quen, một niềm vui. Anh Đỗ Quang Hải, là dân văn phòng thích thú chia sẻ: “Trước đây anh cắt tóc nhiều nơi, nhưng từ khi được một người bạn giới thiệu đến đây cắt tóc, kể từ đó anh “kết” luôn. Cắt tóc ở tiệm bà Thu, giá mỗi lần chỉ 50.000 đồng nhưng có mái tóc chẳng khác ở tiệm xịn. Hơn nữa đến đây, tôi rất thích được bà kể chuyện và tìm hiểu những câu châm ngôn của bà”.

Phóng to

Bà Phạm Xuân Thu. Ảnh T.L.

Không chỉ anh Hải mà nhiều bạn trẻ khác tại đây cũng rất hứng thú khi được bà Thu cắt tóc. Họ nói, không chỉ thích những kiểu tóc kiểu cách điệu đà do bà cắt mà còn muốn được bà kể cho nghe về những câu chuyện liên quan đến những câu châm ngôn ý nghĩa của bà.

Một điều độc đáo nữa, không biết có phải vì duyên hay không nhưng khách của bà có rất đông du lịch Tây tìm đến. Có lẽ, với họ, cảm giác cắt tóc ở vỉa hè phố cổ từ bàn tay một bà lão là một sự trải nghiệm đặc sắc trong chuyến du lịch Hà Nội.

Khi ngồi đợi đến lượt mình để được bà Thu cắt tóc, tôi chứng kiến cảnh một vị khách Tây hết lời trầm trồ mái tóc của mình khi vừa được bà Thu cắt xong. Anh này rất hạnh phúc và rút ra tờ 100.000 đồng để trả cho bà Thu và kèm theo lời cảm ơn đầy ngọt ngào “very good”. Sau đó, anh không quên xin chụp một bộ ảnh lưu niệm với bà lão cắt tóc trên phố cổ.

Nói về cái duyên đến với nghề cắt tóc đàn ông, bà Thu vui vẻ cho biết, tất cả là nhờ ông tơ, bà nguyệt. Thuở nhỏ bà chưa từng nghĩ mình sẽ làm nghề này nhưng rồi bà đem lòng yêu người thanh niên (chồng bà) ở làng Kim Liên (nay là phố Kim Liên). Cả làng Kim Liên xưa làm nghề cắt tóc, “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Về Kim Liên bà đã học cái nghề của làng rồi yêu và gắn bó với cái nghề này.

Theo bà Thu, người truyền nghề cho bà là ông anh chồng. Nhờ được truyền nghề một cách công phu mà tay kéo của bà trở thành điệu nghệ. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, bà đã mưu sinh bằng cái nghề này. Ngày trước, bà cắt tóc trong hiệu quốc doanh trên phố Hàng Khay. Đầu những năm 90, bà được nghỉ hưu và về gắn bó với góc phố Hàng Buồm, dưới gốc bằng lăng trước cửa nhà mình. Kể từ đó, bà được mọi người biết đến là tay kéo vỉa hè độc đáo bậc nhất phố cổ.

Người ta thường bảo, nghề cắt tóc là cái nghề “vít đầu thiên hạ”. Nhưng riêng bà Thu thì cái nghề này nó đem đến cho bà gạo, thịt để bà nuôi con, vun vén hạnh phúc gia đình. Nó giúp bà vượt lên khó khăn của cuộc sống và đem đến cho bà nhiều niềm hạnh phúc giản dị trong cuộc đời.

Bà Thu chia sẻ: “Tôi có hai đứa con, một trai, một gái. Nhờ nghề này mà tôi và chồng tôi có tiền để trang trải cuộc sống và chăm lo cho gia đình”. Do đó, nay đã ở cái tuổi 78, con cháu động viên nghỉ ngơi nhưng bà Thu vẫn quyết theo nghề. Bà quyết làm nghề này cho đến khi ông trời không còn cho làm nữa. Còn sức thì bà còn gắn bó với cây kéo, chiếc lược, làm đẹp cho đời.

Trong câu chuyện với tôi, hỏi bí quyết khiến khách mê bà cắt tóc, bà Thu cười bảo: Ngoài kỹ thuật cắt tóc, cả Hà Nội chỉ mình tôi dùng cục phèn chua thoa cho khách sau khi cạo mặt, đố chú tìm thấy cách làm này ở đâu. Thoa phèn chua, khách sẽ cảm thấy da dịu mát, khoan khoái, dễ chịu. Đặc biệt, tôi làm không chỉ bằng đôi tay, cái kéo mà bằng cả trái tim, tấm lòng mình.

Bà rất vui khoe với tôi, cô con gái út của bà cũng theo nghề này. Chỉ có khác là con gái của bà cắt tóc nữ, còn bà thì cắt tóc nam. T.P

Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ

Hiện nay, mỗi ngày bà Thu cắt cho khoảng 10 khách. Mỗi người khoảng 30 phút, có nghĩa bà Thu vẫn làm việc 5 tiếng mỗi ngày. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ánh mắt, cử chỉ của bà vẫn hết sức nhanh nhẹn. Có lẽ, nhờ sinh hoạt giản dị và tình yêu cuộc sống, đặc biệt là thói quen luôn nở nụ cười trên môi đã khiến cụ bà có nhiều năng lượng sống như vậy.

TRINH PHÚC

Xem thêm video:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]