Tay nghề cao, thu nhập tốt

Ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện từ Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp, nhiều công nhân đã chủ động rèn luyện để có thêm cơ hội thăng tiến

15.5953

Đến Công ty TNHH WooYang Vina (100% vốn Hàn Quốc, quận Gò Vấp-TPHCM) vào cuối tháng 3, chúng tôi bắt gặp bầu không khí hết sức khẩn trương ở các xưởng sản xuất. “Sau Tết, đơn hàng ổn định nên anh em công nhân (CN) làm không hết việc. Công ty có chủ trương mở rộng sản xuất, tuyển thêm CN nên Ban Chấp hành CĐ đang hoàn tất kế hoạch tổ chức hội thi tay nghề. CN đoạt giải ngoài cơ hội thăng tiến sẽ là lực lượng nòng cốt đào tạo CN mới”- ông Dư Thế Chí, Chủ tịch CĐ công ty, vui vẻ báo tin.


Tạo động lực cho công nhân phấn đấu


Ở Công ty TNHH WooYang Vina, nhiều năm qua, việc tổ chức thi tay nghề, nâng bậc cho CN đã trở thành nếp, được CĐ và ban giám đốc thỏa thuận trong thỏa ước lao động tập thể. Hằng năm có từ 150 đến 200 CN phải trải qua đợt thi sát hạch tay nghề.

Để khách quan hơn trong việc đánh giá tay nghề CN, CĐ cơ sở đề xuất ban giám đốc mời đại diện khách hàng (đối tác) cùng tham gia ban giám khảo.

Ông Lee Yae Kyun, tổng giám đốc công ty, đánh giá cao sự năng động này của CĐ, bởi kết quả thực chất từ hội thi sẽ giúp doanh nghiệp (DN) đánh giá đúng trình độ tay nghề CN, từ đó có chế độ đãi ngộ, đề bạt xứng đáng.

Từ kết quả hội thi, CĐ cơ sở đề xuất DN nâng lương cho CN với mức bình quân cao nhất 200.000 đồng/lần. CN giỏi còn được hỗ trợ tiền nhà trọ, xăng...



Công nhân Công ty CP Thiết bị giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức - TPHCM) tại hội thi tay nghề


Tại Công ty TNHH Minh Diệu (quận 7 - TPHCM), để ban giám đốc có cơ sở điều chỉnh chính sách tiền lương hợp lý, CĐ cơ sở chủ động phối hợp với các xưởng tổ chức các đợt sát hạch, đánh giá tay nghề CN. Việc sát hạch này giúp CN tự đánh giá tay nghề thực chất của mình, đồng thời còn giúp DN hoàn thiện chính sách tuyển dụng và đào tạo.

Những CN qua sát hạch không đạt yêu cầu sẽ được kèm cặp, theo dõi kỹ hơn. Ông Bùi Quang Toản, phó giám đốc công ty, cho rằng cách làm này đã tạo động lực phấn đấu, tự rèn luyện nhằm nâng cao tay nghề cho CN. Bởi, hơn ai hết, họ hiểu rằng tay nghề có cao thì thu nhập mới tốt.


Vượt lên chính mình


Bên cạnh sự hỗ trợ của DN và CĐ, ngày càng có nhiều CN chắt chiu từng đồng lương để nâng cao trình độ. Họ không chỉ xem đó là việc tự tạo cơ hội thăng tiến cho bản thân mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm với gia đình.


Với suy nghĩ ấy, sau những giờ làm việc mệt nhoài, nữ CN Liêu Thị Cúc, CN Công ty Đông Á (KCX Tân Thuận-TPHCM), vẫn cố gắng đạp xe đi học trung cấp kế toán tại Trường Trung học Kỹ thuật Nông nghiệp TP. Sau hai năm miệt mài theo đuổi việc học, đến tháng 10-2009, Cúc đã lấy được chứng chỉ trung cấp kế toán. “Tôi sẽ cố gắng học lên cao đẳng để tìm công việc có mức lương cao hơn”- Cúc nói.


Mong muốn thăng tiến cũng được anh Phan Minh Hiển, CN Công ty ACT (KCX Tân Thuận-TPHCM), thể hiện qua nỗ lực khắc phục khó khăn để theo học chương trình liên thông đại học ngành điện tử. Hiển tự tin với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, nếu tằn tiện chi tiêu, anh sẽ có tấm bằng đại học như mơ ước.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM:

Tạo cơ hội thăng tiến cho công nhân

Chất lượng sản phẩm liên quan mật thiết đến trình độ học vấn, tay nghề của CN. Để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng, DN càng phải coi trọng đào tạo nghề, đãi ngộ lao động giỏi. Do vậy, bên cạnh nghị lực phấn đấu của bản thân người lao động, rất cần sự hỗ trợ kịp thời của DN để tiếp thêm động lực cho họ. Thực tế, CN được hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề một cách căn cơ, DN sẽ được hưởng lợi, bởi đi kèm theo đó là chất lượng lao động sẽ nâng cao.

Bài và ảnh: KHÁNH AN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]