Teen có biết tự chăm sóc bản thân?

Tiin.vn - Thói quen sinh hoạt theo kiểu ngẫu hứng, tuỳ tiện, ăn uống thất thường đã và đang tàn phá dần sức khoẻ của các teen nhà mình đấy nhé!

15.6168

Cả ngày nhịn, tối... ăn bù

Một ngày của T.K (ĐHKHXH&NV) bắt đầu lúc 11h trưa.Cố gắng lắm T.K mới ra khỏi giường, rửa mặt qua quýt, ăn trưa qua quýt rồi vội vàng đi học.

N.T.T (ĐHBK) còn hoành tráng hơn vói thành tích “ngủ thông trưa”. Đơn giản vì đêm trước T thức thâu đêm để chơi game, sáng ra không đủ sức chống chọi với cơn “thèm ngủ”. T không ngại bùng học, trốn tiết bởi: “có đến lớp cũng chẳng làm được gì khác ngoài ngủ gật”.

Lên đại học, sống ngoài tầm kiểm soát của gia đình, sinh viên hoàn toàn tự quyết định lấy cuộc sống, mặc sức vẫy vùng “một mình một giang sơn”. Chính sự tự do, độc lập thái quá khiến cho không ít người sống hết sức “tùy tiện”. Mọi sinh hoạt đều theo cảm hứng: “thích thì làm, không thích thì thôi”.

L. X (ĐHKHXH&NV Hà Nội) chỉ sau một học kì mà gầy sọp hẳn đi. Cô bạn tâm sự: “Hồi còn ở nhà ba mẹ chăm chút từng li từng tí, lên đây cái gì cũng phải tự lo, tự làm. Ăn uống, nghỉ ngơi thất thường, mình sụt mất gần ba kí. Về quê, ba mẹ kêu quá trời”.


Thức thâu đêm, ngủ ngày là thói quen xấu của nhiều sinh viên

Đa số sinh viên năm nhất còn bỡ ngỡ, chưa thích nghi ngay được với cuộc sống mới, môi trường mới. Do đó những khó khăn khi phải lo toan cuộc sống, tự chăm sóc bản thân là không thể tránh khỏi. Nhưng ngay cả những sinh viên gạo cội, đủ trải nghiệm với cảnh “trọ học xa nhà”cũng chẳng mấy quan tâm, thậm chí còn xem thường, coi nhẹ việc tự chăm sóc cho bản thân mình.

T.U (ĐH Kiến trúc), thường xuyên bỏ bữa, lúc do “bận ngủ”, lúc lại vì lười thay đồ xuống căng tin. Hay một mọt sách chăm chỉ như P.H thì sẵn sàng ở lì trên thư viện thông từ sáng tới tận chiều muộn, “dành đến tối ăn bù một thể”. Song những bữa ăn bù, ăn góp ấy nào có đàng hoàng, tử tế theo đúng nghĩa, số lần ăn cơm thì ít, còn tần suất ăn “linh tinh” lại quá nhiều…

Lo bò trắng răng?

Lâu nay, sinh viên vốn chẳng mấy quan tâm chăm lo cho sức khỏe, cứ mặc kệ “đến đâu hay đến đó”. Những cảnh báo về sức khỏe bị xem là “vẽ chuyện”, là “lo bò trắng răng”. Thói quen sinh hoạt theo kiểu ngẫu hứng, tuỳ tiện, ăn uống thất thường đã và đang tàn phá dần sức khoẻ của họ. Cứ 10 sinh viên, thì dễ đến 8 người kêu đau bụng, dạ dày có vấn đề.


Rất nhiều sinh viên gặp vấn đề về sức khỏe

Vừa rồi, KTX trường N. xảy ra dịch sốt xuất huyết trên diện rộng. Hầu như phòng nào cũng có sinh viên nhiễm bệnh: nhẹ thì sốt cao, nặng thì giảm tiểu cầu, xuất huyết dưới da. Nhiều phòng có tới 7, 8 người nhiễm bệnh. Nguyên nhân chính bởi sinh viên ngủ không giăng màn, ăn uống, sinh hoạt thất thường, sức đề kháng kém. Lúc mới có dấu hiệu, đa số vẫn hết sức chủ quan, chưa chịu khám chữa ngay mà chần chừ với suy nghĩ: chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày bệnh sẽ tự khỏi. Đến khi bệnh tình tiến triển phức tạp mới cuống cuồng nhập viện.

Một câu chuyện khác: D.P, sinh viên năm 3 trường Xây dựng, đang sinh hoạt bình thường đột nhiên có biểu hiện trí nhớ sút kém, tinh thần mỏi mệt. Ban đầu, không ai để ý, về sau các biểu hiện này xuất hiện thường xuyên, gia đình đưa H đi khám mới hay cơ thể cậu đã bị suy nhược trong một thời gian dài. Không còn cách nào khác P. phải xin nghỉ học, bảo lưu kết quả để tập trung điều trị.

Xa gia đình, sinh viên tất yếu phải tự lập, tự chăm sóc bản thân mình. Nhưng xem ra điều đó đang bị xem nhẹ. Căn bệnh chủ quan sớm muộn sẽ khiến cho bạn phải trả giá. Thờ ơ, thiếu trách nhiệm với bản thân đồng nghĩa với việc quay lưng lại với tương lai của chính mình. Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng", bạn nhé!

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]