Teen "ngại" làm việc tốt

Thấy một bác đi xe đạp chở tải hoa quả bị ngã, một cậu thanh niên định tiến tới đỡ hộ bác ấy thì mấy người trong nhóm giữ lại: “Cậu bị hâm à? Thừa hơi không đấy!”.

0

Thấy bà cụ loay hoay để qua đường ngay phía trước cổng trường, Thảo, trường THPT Quang Trung (Hà Nội) liền dựng xe, qua bên đường rồi dắt cụ bà sang. Nhận lời cảm ơn từ bà cụ, đang thấy vui vì việc làm của mình, Thảo "choáng váng" khi nghe mấy người bạn đang ngồi buôn chuyện trước cổng trường dội liền mấy “gáo nước lạnh”: “Gương tốt việc tốt đây!”. Cô bạn cùng lớp bĩu môi: “Thích thể hiện ta đây thì có”. Cả bọn cười ồ lên thích thú, còn Thảo chỉ biết im lặng như một kẻ “phạm tội”.

Từ hôm đó, khi gặp những trường hợp cần giúp đỡ, Thảo lại phải ngó trước ngó sau xem nếu có bạn bè quanh đó thì cô cũng phải lờ đi. “Mọi người sẽ cho rằng em cố tình làm oai. Hôm trước, cả nhóm đang ngồi ở quán chè, có em bé ăn xin đi qua, mấy bạn ồ lên “Bạn Thảo đâu, ra giúp em bé kìa. Quán đông thế này, tranh thủ cho mọi người thấy lòng tốt của mình đi chứ” làm em tức nghẹn lên” - Thảo chia sẻ.
 

Muốn giúp đỡ ai đó giờ đây bị một bộ phận teen “chọc quê” ngay (Ảnh minh họa).


Một câu chuyện khác xảy ra trên cầu Long Biên. Một nhóm các bạn tuổi teen đang đứng vẽ vời ở thành cầu thì một một bác đi xe đạp chở tải hoa quả bị ngã. Bác ấy đứng dậy, loay hoay cố dựng chiếc xe dậy nhưng không nổi vì đống hoa quả sau xe quá nặng. Một cậu trong nhóm định tiến tới đỡ hộ bác ấy thì mấy người trong nhóm giữ lại: “Cậu bị hâm à? Thừa hơi không đấy!”. Cậu bạn đứng ngơ ngác một hồi rồi quyết định quay người lại...

Có một thực tế, những hành động giúp người khác đang bị nhiều bạn trẻ xem là điều “bất bình thường”. Đã có suy nghĩ như thế, hẳn nhiên họ tránh xa những trường hợp đang cần giúp đỡ. Với những ai vẫn thích giúp đỡ người khác bình thường họ cho là cố tình thể hiện, nếu không cũng bị “táng” ngay là “đồ dở hơi biết bơi”. Thành, trường M.L phát biểu xanh rờn: “Xa rồi cái thời phải cho trẻ ăn xin vài nghìn, phải giúp đỡ người già sẽ được xem là con ngoan trò giỏi. Có mà muốn bạn bè cười cho thối mặt”.

Thu Thủy, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, kể: “Lần lớp em đi thăm trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội ở Ba Vì, bạn nào bế và chơi cùng các em hơi nhiệt tình tý lập tức bị bàn tán: “Nó tỏ vẻ ấy mà”, “Làm như ta đây tâm Bồ Tát lắm không bằng” làm nhiều người phải “kìm” sự nhiệt tình của mình lại”. Chính Thủy sau chuyến đi cũng được gắn thêm cái mác “diễn” giỏi. Cô thú nhận: “Bây giờ đôi lúc định giúp ai việc gì mình lại... thấy ngại lắm”.

Thường xuyên “ra tay” giúp người khác, lại thêm “cứng đầu” bất chấp bạn bè nói mỉa mai, Hương, cô sinh viên năm nhất trường ĐH H vẫn “ra tay hào hiệp” khi có thể giúp ai đó. Đổi lại, già nửa số bạn trong lớp quay sang “tẩy chay” Hương vì: “Nhìn thấy rõ ghét. Không biết mình hâm rồi còn ra vẻ ta đây”.

Thảo, cô bạn thân của Hương bức xúc: “Sao vô lý đến thế cơ chứ! Đi trên đường, ai nhỡ quệt vào xe mình mà lao vào chửi bới, gây sự thì y như rằng được bạn bè nhào vô hưởng ứng. Còn muốn đỡ ai đó khi người ta bị ngã lại bị “chọc quê” ngay. Chẳng lẽ giờ giúp ai việc gì cũng phải giấu cho kín?”. 

Những hàng động “bêu rếu” những người giúp đỡ người khác như trên chỉ ở một số bạn trẻ. Nhưng chính điều này lại tác động nhiều đến những người còn lại, làm họ thấy “ngại” khi làm việc gì đó giúp người khác. Liệu như thế việc giúp đỡ người khác ngày sẽ càng “xa vời” với các bạn trẻ?

 Theo Dân trí

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]