Thăm lớp học ngoại ngữ đặc biệt dành cho trẻ khiếm thị

(GDVN) “Những trẻ em ở đây thật đáng yêu, vui vẻ và rất thông minh. Hy vọng việc làm của chúng tôi sẽ giúp trẻ em bớt thiệt thòi, mang tới cho các em sự tự tin"

0

(GDVN) - Người tham gia giảng dạy là các tình nguyện viên, sinh viên trong và ngoài nước, học viên khi tham gia không phải đóng bất cứ khoản chi phí nào, thậm chí còn được hỗ trợ về nơi ăn chốn ở (nếu ở xa)... Đó là một vài nét đặc biệt của lớp học dành cho trẻ khiếm thị được tổ chức tại Nhà trẻ Hữu Nghị.

Để trẻ khiếm thị bớt thiệt thòi

Lớp học đặc biệt này chỉ dành cho đối tượng là trẻ em khiếm thị, tuy nhiên, không giới hạn về số lượng và phạm vi cư trú của học viên. Hiện tại, nhóm tình nguyện đang giảng dạy cho khoảng 30 em đến từ nhiều tỉnh thành khu vực miền Bắc.

 
 

Được chia thành nhiều cấp độ từ cơ bản đến khó, lớp học đảm bảo phù hợp với năng lực và khả năng học hỏi của từng em. Thời gian học kéo dài từ 9h sáng tới khoảng 17h chiều (có nghỉ trưa), liên tục từ thứ 2 đến thứ 6. Bài học đầu tiên thường bắt đầu với những từ dễ và thường gặp trong cuộc sống.

Đó có thể là cách chào hỏi xã giao, là tên gọi những người thân trong gia đình, các loài vật và đồ dùng trong nhà… Mỗi lớp học thường được đảm trách bởi một tình nguyện viên nước ngoài với sự hỗ trợ của sinh viên tình nguyện Việt Nam.

Bởi thế mà thay vì sự rụt rè, ngại ngùng trong giao tiếp thường nhật, không khí lớp học là những tiếng cười thoải mái và tinh thần xây dựng hết sức sôi nổi. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều bậc phụ huynh ở các tỉnh thành như Điện Biên, Thanh Hóa, Bắc Ninh… cũng gửi con em xuống Hà Nội tham gia khóa học.

Bên cạnh được học ngoại ngữ miễn phí, các em còn được hỗ trợ hoàn toàn chi phí ăn ở sinh hoạt trong suốt quá trình theo học.

“Những trẻ em ở đây thật đáng yêu, vui vẻ và rất thông minh. Hy vọng việc làm của chúng tôi sẽ góp phần giúp trẻ em khiếm thị bớt thiệt thòi, mang tới cho các em sự tự tin và khả năng hòa nhập tốt hơn với cộng đồng”, Vera Sedlak - nữ sinh viên tình nguyện người Đức chia sẻ.

Cảm động hơn khi nghe các em học viên kể, dù là trời mưa dông hay nắng cháy, các anh chị tình nguyện viên vẫn đến dạy không thiếu buổi nào. Ai ốm cũng biết, ai buồn cũng hỏi. Bên cạnh việc dạy ngoại ngữ, các bạn trẻ trong nhóm tình nguyện còn kiêm nhiệm luôn cả việc đào tạo kỹ năng mềm như cách hỏi đường, đi xe buýt, sử dụng máy tính, nhận diện hoàn cảnh nhờ âm thanh/tiếng động…

Tất cả những điều này nhằm trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết - cơ bản khi đối diện với những tình huống phát sinh trong cuộc sống.

Thức trắng đêm để viết sách

Để có được một lớp học miễn phí dành cho trẻ khiếm thị, các thành viên của nhóm tình nguyện VAF (Vietnam and Friends) cũng gặp phải không ít khó khăn. Từ việc tìm địa điểm, trang bị cở sở vật chất, tài liệu phục vụ giảng dạy tới chi phí ăn ở, duy trì các hoạt động khác đều do các thành viên tự nguyện đóng góp, dù đa phần trong số họ cũng chỉ là sinh viên.

Với mục tiêu tăng cường chất lượng giảng dạy ngoại ngữ cho trẻ em khiếm thị, mới đây, với sự trợ giúp về tài chính của Mạng lưới tình nguyện viên Hà Nội, VAF đã biên soạn và cho xuất bản một bộ sách tiếng Anh. Đây là dự án xuất bản sách tiếng Anh chữ nổi dành cho đối tượng trẻ khiếm thị, kéo dài liên tục trong suốt gần 9 tháng qua với sự tham gia liên tục của hơn 15 tình nguyện viên trong và ngoài nước. Các bạn trẻ này còn không tiếc công sức, thu âm toàn bộ bài học để các em khiếm thị có thể nghe và ôn luyện thêm ngay tại nhà.

“Bảy ngày cuối dự án là những ngày nhóm phải làm việc vất vả nhất. Mười mấy con người phải thức trắng đêm để kịp hoàn thành tiến độ xuất bản sách, rất ít thời gian ra ngoài, chỉ ngồi làm bạn với giấy bút, máy tính và… cà phê”, Nguyễn Thị Tâm - thành viên nhóm điều phối dự án chia sẻ.  

Trong thời gian tới, VAF hy vọng sẽ kêu gọi được thêm nhiều nguồn hỗ trợ để có thể nhân rộng loại sách này tới các trường có trẻ em khiếm thị trên địa bàn Hà Nội.

Sơn Tùng

{iarelatednews articleid='4753,3543,1768'}

 
 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]