Thận trọng với phenylephrin trong thuốc cảm

Phenylephrin có trong nhiều biệt dược chữa cảm cúm bán không cần đơn (thuốc cảm OTC). Việc lạm dụng và quá liều thường xảy ra do người dùng không để ý đến hàm lượng hoạt chất này trong thuốc.

15.6173

Phenylephrin có trong nhiều biệt dược chữa cảm cúm bán không cần đơn (thuốc cảm OTC). Việc lạm dụng và quá liều thường xảy ra do người dùng không để ý đến hàm lượng hoạt chất này trong thuốc.

Công dụng và tác dụng phụ của phenylephrin

Phenylephrin tác dụng chọn lọc lên thụ thể adrenergic alpha-1 gây co mạch, tăng huyết áp, kích thích tim. Thuốc được dùng nâng huyết áp cho người bị hạ huyết áp (lúc mới ốm dậy, sau đẻ hay trụy mạch); dùng trong thăm khám đáy mắt, viêm trước nhãn cầu, viêm kết mạc (kể cả do dị ứng); dùng phối hợp với thuốc gây tê (do co mạch nên kéo dài tác dụng tại chỗ). Tuỳ theo từng chuyên khoa thuốc có dạng dùng phù hợp. Những chỉ định này do thầy thuốc nên ít khi bị lạm dụng, quá liều.

Trong thuốc cảm OTC (dạng viên, sirô) phenylephrin thường phối hợp với thuốc ho (dextromethorphan); hạ nhiệt, giảm đau, kháng viêm không steroid (acetaminophen, aspirin, ibuprofen), long đờm (guafenesin), kháng histamin (phenothioazin), chống ngạt mũi (phenylpropanolamin). Khi bị cảm hay dị ứng, mạch máu ở mũi bị giãn ra (sung huyết, phù nề) làm tắc nghẽn đường dẫn khí (nghẹt mũi, khó thở),  phenylephrin làm giảm ngay các triệu chứng này làm người bệnh dễ chịu. Những chỉ đinh này phổ biến, thường do người bệnh tự ý mua các thuốc cảm về dùng nên hay bị lạm dụng, quá liều.

Những tính chất dược lý ứng dụng trong lâm sàng cũng dễ gây ra tai biến khi dùng không dúng.Ví dụ, dùng thuốc cảm OTC liều cao nhiều lần kéo dài có thể bị  tăng huyết áp, tim đập nhanh, khó ngủ hay nặng hơn. Ngoài ra, phenylephrin có một số tác dụng không mong muốn khác: chóng mặt, buồn nôn, tê, ngứa ran, có cảm giác lạnh ở bàn tay, bàn chân, hành vi bất thường, căng thẳng, bồn chồn, khó ngủ, tim đập nhanh, không đều.
 
Dùng thuốc cảm có chứa phenylephrin có thể gây một số biến chứng. (Ảnh minh họa)
Những lưu ý khi dùng

Về liều lượng: Về hiệu lực chữa nghẹt mũi, một số cho rằng liều 10mg có hiệu lực nhưng một số cho rằng hiệu lực không rõ ràng; một số đề nghị nâng lên liều 25mg cho có hiệu quả chắc chắn, một số khác ngại ảnh hưởng không lợi đến huyết áp, tim. FDA đang kêu gọi các nhà sản xuất cùng các nhà nghiên cứu đưa ra một liều có hiệu lực và an toàn. Cần theo dõi hiệu lực và các biểu hiện ngộ độc của thuốc, nhất là khi dùng hàm lượng cao. Mỗi ngày có thể dùng tới 4 lần (10mg/lần), nhưng không được dùng thường xuyên.

Về  tương tác: Không dùng chung với  IMAO (thuốc làm bền các chất cường giao cảm) hoặc đã ngừng dùng IMAO nhưng chưa đủ 14 ngày như furazolidone, isocarboxazid, phenelzine, selegiline. Tránh dùng chung với các chất cường giao cảm (epinephrin, norepinephrin). Khi dùng chung thì các thuốc nói trên  hợp đồng với phenylephrin làm tăng tác dụng cường giao cảm, gây độc (giống như dùng quá liều). Không dùng chung với các thuốc làm tăng huyết áp như chẹn beta (tránh hợp đồng làm tăng huyết áp quá mức).

Tránh dùng trùng lặp:  Có rất nhiều biệt dược chứa  phenylephrin hay các chất có tác dụng tương tự (ephedrin, pseudoephrin). Dùng trùng lặp sẽ bị ngộ độc (do quá liều).

Các chống chỉ định: Không được dùng cho những người: tăng huyết áp, bệnh tim, cường giáp (vì cường giáp đã ảnh hưởng không lợi đến tim mạch), đái tháo đường (vì đái tháo đường thường kèm tăng huyết áp, vì người đái tháo đường có thể dùng chất ngọt nhân tạo trong đó có phenylalanin, có tác dụng tương tự như phenylephrin), phì đại tiền liệt tuyến, glaucoma góc đóng, có phenylketon - niệu (một bệnh do di tuyền); hội chứng Raynaud, bệnh tâm thần rối loạn lưỡng cực, rối loạn giấc ngủ, lo lắng. Không nên dùng cho người mang thai (vì chưa rõ tác hại) và cho con bú (do thuốc tiết vào sữa mẹ). Với trẻ em: Không dùng cho trẻ em  dưới 4 tuổi . Trẻ em  từ 4 - 11 tuổi có thể dùng nhưng phải theo dõi cẩn thận.

Thuốc cảm bán không cần đơn, nhưng trong thuốc cảm có phenylephrin cần thận trọng khi chọn dùng, đặc biệt với người đang dùng thuốc khác đang bị kèm các bệnh khác.       

DS. Bùi Văn Uy
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]