Thanh niên, trẻ nhỏ vẫn có thể bị đột quỵ

0

Mới đây, một bé gái 11 tuổi, ở Nam Định vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng bị sốc, mất nhiều máu do chảy máu răng miệng ồ ạt, da nhợt nhạt, người lơ mơ. Em bị đột quỵ vì dị dạng mạch máu ở não và hàm mặt.
>

Điều trị cho một bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: N.P.

Cách đây một năm, tự nhiên bé bị chảy máu răng hàm trên. Gia đình đã đưa em vào điều trị ở Bệnh viện Nam Định, một thời gian thì hết. Tuy nhiên, 2 tháng sau em lại bị chảy máu răng. Bé được đưa vào bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Tiến sĩ Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh bệnh viện cho biết, tai biến mạch máu não còn gọi là đột quỵ, là bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ. Khi một phần não bị thiếu máu nuôi dưỡng, các tế bào não thiếu oxy sẽ bị chết. Bệnh nhân rất dễ tử vong.

Bệnh gồm 3 thể: chảy máu trong não, chảy máu dưới màng nhện ở vỏ não và nhồi máu não. Triệu chứng thường xảy ra đột ngột, liệt nửa người, liệt tay chân, khó nói, không nói được.

Cũng theo tiến sĩ Thính, trong 3 năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì bệnh này đang có chiều hướng tăng từ 1,7% lên 2,5%. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc cao gấp 4 lần nữ. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa dần.

"Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ sơ sinh, tập trung nhiều hơn tại các thành phố lớn. Nhiều thanh niên khỏe mạnh đang làm việc ở nhà, đi đường hoặc tập thể thao… cũng bị đột quỵ", tiến sĩ Thính nói.

Ông cho biết, tai biến mạch máu não ở người già thường do cao huyết áp, tiểu đường, xơ vỡ động mạch…, còn ở người trẻ chủ yếu do nguyên nhân về não và tim mạch, đặc biệt ở não. Đó là tình trạng xuất huyết do vỡ dị dạng mạch máu não.

Trước đó, từng có một bệnh nhân nam, 35 tuổi, chỉ có biểu hiện đau đầu, nôn nhưng sau 4 tiếng đã tử vong dù không hề bị cao huyết áp. Theo các bác sĩ, anh bị xuất huyết não do vỡ búi dị dạng mạch máu ở não.

Theo tiến sĩ Thính, dị dạng này có từ lâu, tiến triển một cách âm thầm mà con người không biết. Các mạch máu đã dị dạng, mỗi ngày một giãn ra, yếu đi. Và khi có cơ hội như áp lực công việc nhiều, uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng heroin…, mạch máu dị dạng bị căng quá mức, dẫn đến vị vỡ, gây xuất huyết não.

Cũng theo tiến sĩ, bia, rượu, thuốc lá, thức ăn chứa nhiều dầu, mỡ như phô-mai, lòng đỏ trứng, thịt, lạp xường... và các chất béo khác được sử dụng quá nhiều là một trong những yếu tố dẫn đến nguy cơ bị bệnh.

Có rất ít dấu hiệu cảnh báo cơn tai biến mạch máu nhưng bệnh nhân có thể chết ngay nếu không được cấp cứu kịp. Thuốc ngăn chặn sự tiến triển của cơn đột quỵ chỉ có tác dụng nếu được dùng trong 3 giờ kể từ khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên.

Vì vậy, theo tiến sĩ, cách tốt nhất là phòng ngừa và tránh tái phát. Người bệnh không hút thuốc hay uống nhiều bia rượu, mà phải chăm chỉ tập thể thao, chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học… Hạn chế ăn quá nhiều chất đạm và béo. Khi trời lạnh, cần mặc ấm, không tiếp xúc với thời tiết lạnh một cách đột ngột. Nếu thấy các dấu hiệu: chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, tê bì các chi, nửa người thì cần phải đi cấp cứu.

Phương Trang

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]