Thành Thành Công thượng phong ngành đường

15.6019

Một nguyên nhân dẫn đến những ồn ào trong ngành ngân hàng gần đây mà hệ lụy kéo theo vẫn đang được khắc phục đó chính là vấn đề sở hữu chéo. Tuy nhiên, khi cơn rúng động trên thị trường tài chính tạm lắng xuống, hiện tượng sở hữu chéo lại bắt đầu manh nha ở ngành đường kể từ khi Tập đoàn Thành Thành Công đẩy mạnh sự chi phối trong ngành này.

Tập đoàn Thành Thành Công thuộc sở hữu của gia đình ông Đặng Văn Thành với ngành nghề kinh doanh chính là mía đường, du lịch, bất động sản và tài chính. Trong đó, mía đường được coi là ngành đầu tư trọng điểm.

Mặc dù khởi nghiệp từ ngành đường nhưng phải đến năm 2010 sau thương vụ tiếp quản Công ty Mía đường Bourbon Tây Ninh từ một tập đoàn của Pháp, Thành Thành Công mới được biết đến là một doanh nghiệp đầu ngành.

Sau khi cải tổ Bourbon Tây Ninh, Thành Thành Công đã sử dụng công ty này như một con át chủ bài cho hàng loạt thương vụ sáp nhập, liên doanh liên kết của mình. Là 1 trong 2 công ty đường lớn nhất khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Bourbon Tây Ninh có đủ tầm vóc để thực hiện sứ mệnh này.

Năm 2011, Bourbon Tây Ninh mua 4,2 triệu cổ phiếu của Đường Biên Hòa. Sang năm 2012, công ty này tiếp tục mua gần 3 triệu cổ phiếu của Đường Ninh Hòa và trở thành cổ đông lớn (hiện tại, Bourbon Tây Ninh nắm giữ 9,87% Đường Ninh Hòa và 21,64% Đường Biên Hòa). Năm ngoái Bourbon Tây Ninh cũng nâng tỉ lệ sở hữu tại Mía đường Nhiệt điện Gia Lai lên 24,13% sau khi mua thêm 1,7 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, Công ty còn nắm cổ phần chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp ở một số công ty đường khác như Đường Nước Trong, Bourbon An Hòa, Đường La Ngà, Đường Phan Rang, Đường 333.

Cuối năm ngoái, Thành Thành Công quyết định đổi tên Bourbon Tây Ninh thành Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, một mặt khẳng định ngành đường sẽ là ngành đầu tư cốt lõi của Tập đoàn, mặt khác đóng dấu thương hiệu Thành Thành Công trong ngành đường.

Trong số gần 20 công ty đường mà Thành Thành Công đang đầu tư, đáng kể nhất là Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai. Bốn công ty này có tổng giá trị vốn hoá thị trường tính đến ngày 3.6.2014 là 3.573 tỉ đồng, chiếm 81% trong tổng số 7 công ty đường niêm yết trên sàn chứng khoán.

Với át chủ bài là Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và các quân cờ chiến lược gồm Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai, ma trận sở hữu chéo giữa các công ty đường càng trở nên rối rắm.

Trừ “cánh én đầu đàn” Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh có sở hữu một chiều, các công ty đường còn lại đều sở hữu qua lại lẫn nhau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Đường Biên Hòa và Đường Ninh Hòa, chẳng hạn, sở hữu trực tiếp lẫn nhau, trong khi Đường Ninh Hòa và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai sở hữu lẫn nhau thông qua Công ty Cổ phần Điện Gia Lai.

Nhìn từ cuộc khủng hoảng kinh tế Nhật những năm 90 và bài học lớn của ngành ngân hàng vẫn còn nóng hổi tại Việt Nam, sở hữu chéo dường như mang nhiều nét tiêu cực hơn là tích cực. Nếu nền kinh tế đang ở trong tình trạng bong bóng, sở hữu chéo sẽ là tác nhân thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của cả chuỗi khi một công ty bị đổ vỡ. Vì vậy, sự sống còn của các công ty trong chuỗi phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng đều của các mắt xích, bởi điểm yếu của một cá nhân sẽ là gót chân Achilles của cả hệ thống.

Mặc dù vậy, xét thực trạng nền kinh tế Việt Nam và những hạn chế của ngành đường hiện nay, sự liên kết mà Thành Thành Công hình thành đang có những ảnh hưởng tích cực. Đầu năm ngoái, Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công (SRDC) được thành lập với sự góp vốn của 4 công ty đường liên quan đến Tập đoàn Thành Thành Công. Nếu các công ty đường vẫn ở vị thế là đối thủ trong ngành thì việc bắt tay để thành lập một trung tâm chuyên nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu suất sản xuất đường là điều khó có thể xảy ra.

Ngoài ra, việc cùng lúc nắm giữ nhiều chức vụ và luân chuyển công tác của cấp lãnh đạo là điều thường thấy trong chuỗi các công ty đường này. Điển hình như ông Thái Văn Chuyện vừa là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đường Biên Hòa vừa là Thành viên Hội đồng Quản trị của Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh. Đó là chưa nói đến vai trò nòng cốt của ông Chuyện trong ban lãnh đạo Tập đoàn Thành Thành Công.

Sử dụng nguồn nhân lực cốt cán giàu kinh nghiệm để lần lượt cơ cấu lại các công ty đường sẽ mang lại hiệu quả và tính nhất quán về hướng phát triển cho các công ty này.

Một điều đáng lưu ý khác là không những tận dụng được nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm, sở hữu chéo mang lại thuận lợi đáng kể cho các công ty có liên quan về mặt tài chính. Ngoài việc mua bán hàng hóa qua lại, các khoản mục đầu tư ngắn hạn, trả trước và phải thu quý I/2014 của các công ty trên liên tục xuất hiện những cái tên quen thuộc thuộc Tập đoàn Thành Thành Công như Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công và Công ty Cổ phần Thuận Thiên.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của gia đình ông Đặng Văn Thành trong chuỗi sở hữu chéo ngành đường. Với kinh nghiệm của gia đình họ Đặng qua nhiều năm lãnh đạo điều hành Ngân hàng Sacombank, việc bày binh bố trận ở các công ty đường có lẽ không quá khó.

Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn hiện tại của ngành đường, liệu cách làm này của Thành Thành Công có phải là đáp án đúng hay không? Ngành đường có mang đến vị ngọt cho gia đình ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc sau những trái đắng ngành ngân hàng hay không? Những câu hỏi này vẫn còn chờ thời gian trả lời.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]