Theo Sở GTVT TP.HCM, nhiều biển báo hiệu giao thông đường bộ hiện không còn phù hợp với thực tế, nhiều biển báo có cũng như không.

Thấp và bị che khuất

Kết quả khảo sát của Pháp Luật TP.HCM ghi nhận: Ở nhiều tuyến đường nội, ngoại thành, các biển báo giao thông chỉ được treo cách mặt đường tối đa 1,8 m. Đã vậy, chúng còn bị các mái che di động, dù bạc và cây xanh che khuất làm ảnh hưởng tầm nhìn của người điều khiển xe. Như tại cuối đường Chu Văn An thuộc quận Bình Thạnh, biển báo cấm xe ôtô chạy vào đã bị mái che của một tiệm bán tạp hóa “làm mờ”. Anh Nam chạy xe ôm ở khu vực này, nói: “Khi chạy xe qua đây để đón khách, thỉnh thoảng tôi thấy có taxi hoặc xe hơi rẽ vào đường Chu Văn An. Có chiếc chạy được một đoạn thấy biển cấm thứ hai vội lùi lại tìm hướng khác nhưng cũng có chiếc chạy luôn”.

Cũng trên đường Chu Văn An, một biển báo quy định tải trọng xe được phép qua cầu đặt ngay đầu cầu Chu Văn An và một biển báo cấm các xe rẽ trái qua đường Đinh Bộ Lĩnh (đường một chiều) đặt ngay giao lộ Chu Văn An với Đinh Bộ Lĩnh đã bị nhánh cây trứng cá, tán cây phượng “giành chỗ”.

Cuối đường Cách Mạng Tháng Tám (giao điểm với Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh và Lý Thường Kiệt) có đặt biển báo hướng dẫn các loại xe rẽ trái qua Lý Thường Kiệt và rẽ phải về Hoàng Văn Thụ chứ không được phép đi thẳng qua Trường Chinh. Thế nhưng biển báo này đã bị cây xanh che một nửa khiến nhiều người đi đường không thấy rõ, cứ thế chạy thẳng và đã bị CSGT tuýt còi. “Chỉ vì không nhìn thấy biển báo chứ nếu thấy thì người điều khiển xe còn chạy qua làm gì để CSGT thổi phạt!” - một người dân ở đây bức xúc.

Ở xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến Suối Tiên) và quốc lộ 1A (đoạn từ Suối Tiên đến cầu vượt An Sương, quận 12) có rất nhiều biển báo như phân làn xe, giao điểm, rẽ phải, rẽ trái, quay đầu xe… đặt quá thấp và còn bị che lấp bởi cây xanh hoặc các xe có tải trọng nặng thường dừng ven đường để sửa chữa, thay vỏ. Cụ thể: Ngay giao điểm xa lộ Hà Nội với Đỗ Xuân Hợp (thuộc phường Phước Long B, quận 9), biển báo phân làn xe bị cây xanh “tấn công”. Tại thời điểm chúng tôi ghi hình có một chiếc xe container đang dừng ngay đây để thay vỏ khiến những người tham gia giao thông không tài nào nhìn thấy biển báo để chấp hành. Tương tự, giao điểm giữa quốc lộ 1A với tỉnh lộ 43 (quận Thủ Đức), biển báo “cấm xe container rẽ phải từ 5 giờ đến 21 giờ” cũng bị nhánh cây trứng cá “bành trướng”…

Hai biển báo cấm xe ô tô rẽ phải và biển chỉ dẫn hướng đi của các loại xe gắn ở đầu cầu Đinh Bộ Lĩnh hướng từ Bến xe Miền Đông đến vòng xoay Hàng Xanh bị tán cây xanh và trụ điện che khuất. Ảnh: THÀNH NHÂN

Ở các tuyến đường lớn như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu, Lý Chính Thắng, Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, 3), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Hưng Đạo (quận 1), Trường Chinh, Cộng Hòa (Tân Bình), Lý Thường Kiệt, Ba Tháng Hai (quận 10), đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh… cũng có nhiều biển báo nằm trong tình trạng “tù mù” tương tự.

Do kích cỡ nhỏ (chữ cũng nhỏ theo) lại đặt ở những vị trí chưa phù hợp, nhiều người không thể vừa lái xe vừa đọc được biển báo. Dọc xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, dù có nhiều biển báo quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới lưu thông trên đường trong khu vực đông dân cư, hướng dẫn mọi người biết những loại xe nào được chạy với tốc độ 50 km/giờ, 40 km/giờ hoặc “cấm các loại xe ba bánh và xe thô sơ bốn bánh sáng từ 6 giờ đến 8 giờ, chiều từ 16 giờ đến 19 giờ”… nhưng nhiều người khó ghi nhận để tuân thủ.

Tiếp tục kiểm tra để khắc phục

Ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác hạ tầng đô thị - Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Theo quy định hiện hành, các biển báo giao thông đường bộ được gắn ở phía tay phải của các chiều xe. Tuy nhiên, hiện những tuyến đường tại TP có nhiều làn xe một chiều như xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt…, người lái xe không thể thấy được biển báo bên phải vì bị các xe chạy cùng chiều che khuất. Sở GTVT đã chỉ đạo các Khu Quản lý giao thông đô thị tiếp tục kiểm tra hệ thống biển báo trên đường để thay đổi nếu thấy không phù hợp với thực tế. “Hệ thống biển báo cũng như cách phân luồng giao thông đường bộ luôn động chứ không phải tĩnh nên ngành GTVT cần thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh” - ông Phúc lưu ý.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, thông tin: Đôi khi do bị bụi bám nên độ phản quang của hệ thống biển báo không phát huy hiệu quả. Ban An toàn giao thông từng kiến nghị Sở GTVT, các quận, huyện cần liên tục xem xét, rà soát hệ thống biển báo để kịp thời khắc phục các khiếm khuyết. “Thêm nữa, chúng ta cần từng bước chuyển sang biển báo cần vương (dẫu có hơi tốn kém) để giúp người lái xe dễ nhận biết các thông tin” - ông Tường nói.

Theo đánh giá của Sở GTVT, ở nhiều tuyến đường do các quận, huyện quản lý, vì thiếu kinh phí nên các biển báo bất hợp lý vẫn chưa được điều chỉnh. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND TP ưu tiên bố trí vốn cho các quận, huyện để xử lý việc này. Ngoài ra, vì hiện trạng đường phố của TP có nhiều giao lộ nằm gần nhau nên việc gắn quá nhiều biển báo ở cùng vị trí đôi khi gây nhiễu thông tin. Đối với đường có hai làn xe đi cùng chiều, Sở kiến nghị “không cần có biển quy định làn xe mà nên quy định xe ô tô đi bên trái, các xe còn lại đi bên phải”. Ngoài ra, chỉ lắp đặt biển phân làn xe ở các tuyến đường ba làn xe trở lên.

712 vị trí biển báo, sơn đường không phù hợp với thực tế đã được các đơn vị của Sở GTVT điều chỉnh sau khi kiểm tra hệ thống biển báo tại 3.441 tuyến đường. Hiện các đơn vị thuộc sở đang tiếp tục điều chỉnh 2.159 vị trí biển báo khác để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường.

Đồng Nai gắn cao đến 2 m

Do hệ thống biển báo gắn trên giải phân cách các tuyến đường như Huỳnh Tấn Phát, Tôn Đức Thắng, Ba Tháng Hai… quá thấp nên tài xế chạy xe ban đêm không thể phát hiện từ xa. Rồi vì biển báo đặt ở giữa đường rất thấp nên mỗi khi có xe máy hoặc ô tô băng qua đường ở những điểm quay đầu xe thì tài xế không thể thấy biển báo từ xa để tránh.

Ở đường Đồng Khởi, phường Tân Phong, Biên Hòa, biển báo điểm quay đầu xe gắn cao 2 m giúp người lái xe dễ quan sát. Ảnh: NGUYỄN LỘC

Trên các tuyến đường ở Biên Hòa (Đồng Nai), các biển báo được gắn cao đến 2 m giúp tài xế phát hiện từ xa. Trong khi đó, ở TP.HCM, khi phát hiện biển báo thì đầu xe đã nằm ngay giải phân cách nên việc nhiều ô tô leo lên con lươn là điều khó tránh khỏi.

Ông ĐOÀN MINH THÀNH,Giám đốc Công ty TNHH Giao nhận vận tải Minh Thành

VĂN THUẬT - THÀNH NHÂN


Video đang được xem nhiều