Thất bại có thể tạo thành công bất ngờ

Thất bại tất yếu dẫn đến tổn thất về thời gian và tiền của, thất bại càng nhiều thì tổn thất càng lớn và điều này khiến các công ty dần chùn bước trước ý định triển khai các ý tưởng sáng tạo.

15.5748

Trong cuộc nói chuyện với chuyên gia ý tưởng đến từ một tập đoàn lớn, tôi đã cùng ông phân tích về việc thất bại trong hoạt động sáng tạo đã bóp chết các ý tưởng như thế nào. Ông nói: “Tỉ lệ thất bại không phải là điều đáng bận tâm. Điều đáng ngại hơn cả chính là những rủi ro song hành với thất bại sẽ đó gây sóng gió cho công việc kinh doanh”.

Nói cách khác, thất bại có thể tích cực nếu nó không gây tổn thất lớn. Thất bại tất yếu dẫn đến tổn thất về thời gian và tiền của, thất bại càng nhiều thì tổn thất càng lớn và điều này khiến các công ty dần chùn bước trước ý định triển khai các ý tưởng sáng tạo.

Đương nhiên, ai cũng biết cách thoát khỏi tình cảnh này chính là phải tăng tỉ lệ thành công. Nhưng hãy cẩn trọng bởi khi quá ham muốn thành công, bạn dễ lầm tưởng về chúng.

Chẳng hạn, một công ty luôn thành công ở hầu hết các dự án bằng việc đưa ra các sản phẩm mới và cải tiến nhưng lại không nhận ra rằng, thành công đó chỉ là kết quả từ việc xào nấu lại những gì đã có.

Công ty khác tự tin vỗ ngực rằng toàn bộ doanh thu của họ đều từ các sản phẩm cho ra đời từ hai năm trước và yên tâm về công tác sáng tạo nhưng thực chất họ đang tụt hậu so với đối thủ.

Lời giải thực sự cho vấn đề này là chúng ta phải giảm thiểu tổn thất đến từ mỗi lần thất bại. Một nhóm lãnh đạo đã rút ra những điều sau đây từ thất bại của chính họ:

Giảm chi phí nghiên cứu: nghiên cứu không nhất thiết phải tốn kém mới đem lại hiệu quả. Chúng ta có vô số cách để đưa ra các thử nghiệm với chi phí thấp.

Thay đổi trật tự nghiên cứu: nhiều công ty đã đổ hàng tấn tiền chỉ để đi tìm lời giải cho một câu hỏi lạc hướng. Họ mong muốn hoàn thiện công nghệ mà không cần tìm hiểu xem thị trường có cần sản phẩm đó hay không. Trước hết, bạn phải đánh giá các rủi ro chiến lược bởi chúng thường che khuất các ý tưởng.

Rút ngắn thời gian đưa ra quyết định: về căn bản, các doanh nhân dù cố cách mấy cũng không có đủ tài chính chi trả cho các ý tưởng tồi trong thời gian dài. Tuy nhiên, ở các công ty lớn, tiềm lực tài chính cho phép họ duy trì những ý tưởng và quyết định sai lầm trong thời gian dài chỉ vì quá trình quyết định chậm chạp. Gạt bỏ những kế hoạch sai lầm ngay từ giai đoạn trứng nước chính là cách giúp chúng ta tránh khỏi các khoản tiêu pha không hợp lý và dồn lực vào các ý tưởng có khả năng sinh lợi.

Đưa ra được những thay đổi căn bản như vậy về suy nghĩ đòi hỏi chúng ta phải lĩnh hội được thế nào là tốt vừa đủ. Các cuộc nghiên cứu, thử nghiệm trở nên vô cùng tốn kém bởi trước khi bắt tay thực hiện, công ty nào cũng muốn hướng đến sự hoàn hảo. Hãy ghi nhớ một điều: càng đầu tư ít thì bạn càng dễ dàng xoay xở, chuyển hướng tiếp cận vấn đề mỗi khi rắc rối xảy đến.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng thất bại không phải quá đáng sợ như bạn tưởng. Thất bại đôi khi đem lại cho ta trải nghiệm quý giá khi từ thất bại trong lần thử nghiệm đầu tiên, ta rút ra vài kinh nghiệm bổ ích. Nếu bạn nhanh chóng thất bại nhưng chỉ gây ra tổn thất ở mức thấp, bạn có thể thúc đẩy quá trình phát hiện ra những ý tưởng đột phá.

Đương nhiên, các công ty chẳng mấy khó khăn tuyên bố: mình sẽ chỉ mắc phải những thất bại ở mức chấp nhận được. Nhưng, việc có tạo ra được nền tảng cho những thất bại với rủi ro thấp để rồi sau đó, nhanh chóng sửa sai và tạo nên thành công bất ngờ hay không lại là chuyện khác.

Nguồn Harvard Business Publishing/Tuần Việt Nam
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]