Thất bại để thành công: Ba lần trắng tay

Cứ hễ nghe ai nói đến may mặc là anh xanh như người bị trúng gió, bởi ba lần nỗ lực là ba lần trắng tay...

15.6009

Võ Văn Nhị (bên phải: "Mình phải thường xuyên trực tiếp bán hàng để nghe khách nhận xét về sản phẩm của mình".

Như cây trước bão, Vũ Văn Nhị bầm dập tả tơi rồi gượng dậy từ đống hoang tàn. Vượt qua sóng gió cuộc đời, chàng trai xứ dừa Bến Tre đã chinh phục giới trẻ Sài Gòn bằng một thương hiệu thời trang.

>>

Thất bại nối tiếp thất bại

Năm 1989, Võ Văn Nhị khăn gói lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Không tìm được cơ hội để tiếp tục với nghề cơ khí đã từng làm ở quê, Nhị đành “núp bóng tùng thê” dựa vào nghề may của vợ kiếm sống qua ngày. Thời đó, ai có chút tay nghề may xin vào xí nghiệp, tổ hợp hoặc nhận đồ may gia công là sống được. Chị may, anh lo ủi, xếp, giao hàng... Họ tạm chấp nhận với thu nhập đủ ngày hai bữa cơm.

“Hồi đó hàng may đi Liên Xô tấp nập như trẩy hội - Nhị kể - bởi cầu nhiều hơn cung, khách hàng không kén chọn, đa số là dân xuất khẩu lao động, chỉ cần có để mặc là được”.

Nắm được nhu cầu này, Nhị cùng vợ chuyển sang may hàng gia công xuất khẩu cho các đầu mối ở trong nước. Nhị tự học thiết kế mẫu mã, mua vải về tự cắt, thợ may xong anh tự ủi, tự xếp, đóng gói, giao hàng... Anh quyết định đổ hết vốn ra đầu tư thêm máy móc, thuê nhà xưởng, tuyển công nhân, mở rộng sản xuất. Thiếu bao nhiêu, anh vay mượn thêm bạn bè để dồn tất cả vào những chuyến hàng xuất sang các nước Đông Âu.

Đùng một cái, đầu thập kỷ 1990, các nước Đông Âu sụp đổ, hàng ứ lại. Các đối tác bắt đầu khó dễ, bắt bẻ đủ thứ rồi không lấy hàng nữa, hoặc giao đợt sau mới trả tiền đợt trước. Lỡ phóng lao, Nhị phải theo lao. Nhị tiếp tục gửi hàng sang, nhưng tám chuyến hàng ra đi mà không một đồng xu trở lại.

Trắng tay! Nhị mất hơn 280 triệu đồng, thời đó qui ra vàng cũng tròm trèm 70 lượng. Chưa kể vốn đầu tư mua máy móc, thuê nhà xưởng khoảng 20 lượng nữa, anh nợ như chúa chổm.

Không nản, Nhị gom “tàn quân” quyết tâm làm lại từ đầu. Mùa hè năm 1995, Nhị lặn lội đi khắp các trường học ở miền Tây xin nhận hợp đồng may gia công đồng phục học sinh. Anh giới thiệu mẫu mã đẹp, bền lại rẻ. Đặc biệt, anh đưa ra phương thức thanh toán mới: giao hàng xong mới nhận tiền. Cứ vậy, mỗi trường Nhị nhận may 500 - 600 bộ, gom góp các tỉnh có 54 trường nhận hợp đồng.

Năm đầu tiên, hàng giao trót lọt “tiền trao cháo múc”, ai nấy đều phấn khởi. Nhị tiếp tục “lấn” sâu vào các trường ở vùng sâu. Học kỳ 2 năm đó, anh nhận được hợp đồng may gần 100.000 bộ đồng phục học sinh, kể cả quần áo thể dục. Ai có ngờ đâu năm đó miền Tây bị lũ lụt hoành hành, nhà nhà thiếu ăn, con em bỏ học. Hàng Nhị làm xong vừa giao kịp khai giảng thì nước lũ đã dâng cao.

Một số trường nghỉ học, số khác vẫn mở lớp nhưng đến thu tiền thì chẳng ai có được đồng nào. Các trường cũng nhiệt tình, hứa đứng ra thu giùm. Nhưng học sinh nghèo quá, em đóng em không. Nhị kể: “Thậm chí có em mua một bộ giá 14.000 đồng, không trả nổi một lần, mình cho trả góp mỗi tháng 1.000 đồng. Trả được chín tháng thì đến hè. Nghỉ thu luôn. “Phi vụ” gia công cho các trường vùng sâu đã làm Nhị nợ thêm mấy trăm triệu đồng nữa. Anh trở thành “siêu chúa chổm”.

Đầu năm 2000, như người bệnh sau cơn hấp hối, Nhị lại cố gượng dậy lần nữa, nhận may hàng gia công cho người bạn làm trong ngành thời trang. Nhị là người trọng uy tín nên hàng cứ giao đầy đủ và đúng hẹn, nhưng tiền chi trả cứ nhỏ giọt dần dần rồi ngưng trả luôn. Cuối cùng, Nhị không thu hồi được vốn mà còn bị chiếm dụng thêm hơn 80 triệu đồng.

Một lần nữa, Nhị lại trở về con số 0. Cứ hễ nghe ai nói đến may mặc là anh xanh như người bị trúng gió, bởi ba lần nỗ lực là ba lần trắng tay.

Làm lại từ đầu

Giống như một người lính mình đầy thương tích nhưng cũng đầy kinh nghiệm, Nhị rút ra kinh nghiệm: không thể làm gia công mãi được, mà chính mình phải làm chủ một thương hiệu. Nhị quyết định khởi nghiệp một lần nữa, mở một thương hiệu mới cho riêng mình: thời trang LANO.

Giải thích về cái tên ngộ nghĩnh này, Nhị cho biết trong những lần uống cà phê tán gẫu với bạn bè, anh em biết Nhị yêu thích và có năng khiếu về thời trang nên hay nói: “Thời trang là nó, nó là thời trang”. Thời trang là Nhị, “là nó”, bỏ dấu đi thì còn LANO, vừa gọn vừa dễ gọi, lại có phong cách riêng.

Những ngày làm chủ, vợ chồng Nhị càng khó khăn hơn. Vừa thiết kế, trực tiếp may, vừa lo đầu ra, vừa phải tính chuyện thu hút khách hàng. Nhị nghĩ: “Khách tới xem chưa đủ, khách mua hàng rồi vẫn chưa hay, khách tiếp tục quay lại mới là quan trọng”. Nhị mở hẳn những lớp đào tạo riêng cho nhân viên cửa hàng, những tiêu chuẩn đầu tiên nhân viên cần phải có là biết nở nụ cười, ăn nói nhỏ nhẹ, thái độ ân cần và nhất là chiều lòng khách.

Nhị kể: “Có lần một ông khách chừng 50 tuổi vào may áo sơmi. Mình trực tiếp đứng ra tư vấn cho khách. Trong khi mình đề nghị tay áo dài 60 phân thì ông khách muốn ngắn hơn, chỉ 55 phân. Mình cố thuyết phục nhưng ông khách vẫn cương quyết, mình phải chiều theo ý khách. Đến lúc giao áo, khách mặc thử thì chê “sao ngắn quá”, mình phải nhỏ nhẹ: “Thôi để em may cho anh cái khác”. Quả thật lần sau người khách quay lại mua thêm năm cái nữa. Thậm chí ông giới thiệu bạn bè rủ nhau tìm đến LANO”.

Nhị đúc kết với nhân viên: “Một lần chiều khách bằng mười lần bán”.

Từ đầu năm 2006, LANO đã lập hẳn một website và tổ chức bán hàng qua mạng. Khách ở Úc, Mỹ, Canada, Pháp, Đức giờ đây chỉ cần nhấp chuột vào web của LANO là có thể đặt hàng, nhận hàng trong vòng hai tuần. Có những lúc khách vào mua hàng gặp ngay chính ông chủ mà cứ tưởng đó là nhân viên. Thậm chí, Nhị còn giả làm nhân viên bãi gửi xe để xem khách nói gì về sản phẩm của mình. “Đó là cách tốt nhất để tiếp cận thượng đế”, Nhị bộc bạch như vậy.

Đến nay, Võ Văn Nhị đã có hệ thống tám cửa hàng thời trang LANO ở Tp.HCM, Vũng Tàu và Hải Phòng. Con đường đi tới với ngành thời trang của Nhị còn rất dài...

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]