Thất bại để thành công: Khởi nghiệp tuổi 50

Bao đêm nằm rà soát lại mọi vấn đề để nhận ra điểm mạnh điểm yếu của mình, ông Hy quyết định làm lại từ đầu...

0

Ông Lư Sùng Hy với sản phẩm đinh dây xuất khẩu sang Mỹ.

Mãi đến tuổi 50, ông Lư Sùng Hy mới bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh và lãnh ngay thất bại nặng nề. Nhưng với ông, đó là một bài học quí báu và cần thiết cho nghiệp kinh doanh muộn màng.

>>

Nhiều người ngỡ ngàng khi nghe ông cán bộ Lư Sùng Hy nộp đơn xin nghỉ hưu sớm ở tuổi 50 để ra ngoài “làm ăn”. Họ tưởng ông cán bộ đeo kính cận dày cộp, chỉ biết cặm cụi đi xe đạp làm dân vận nói đùa cho vui, nhưng ông đã làm thiệt.

Hôm rời phòng làm việc của mình ở ban Hoa vận tỉnh Cần Thơ, ông Hy tâm sự với bạn bè: “Tui đã đi làm nhà nước gần hết đời. Bây giờ nếu không thử sức mình ở lĩnh vực mới thì tui không còn thời gian nữa”.

Bài học “đầu đời”

Rời Cần Thơ, ông Hy về huyện Đức Hòa, tỉnh Long An làm cho một người bạn ở nhà máy sản xuất đá xây dựng. Thấy mối quan hệ rộng của cựu cán bộ dân vận, đặc biệt là các ý tưởng kinh doanh táo bạo và lửa nhiệt tình trong ông, lãnh đạo công ty đã đồng thuận đề cử ông làm phó tổng giám đốc thứ nhất. Kế hoạch sản xuất 90% sản phẩm của công ty hướng đến thị trường xuất khẩu, 20% tiêu thụ trong nước.

Ban đầu mọi việc đều trơn tru, hé mở tương lai doanh nghiệp khả quan, nhưng dần dần lộ diện khó khăn. Vấn đề không phải ở khâu sản xuất, cũng không phải thị trường mà do con người. Là công ty lớn nhưng lại hoạt động theo kiểu gia đình trị từ cổ đông chính.

Phó tổng giám đốc Hy đã nhận thấy bất ổn, nhưng kinh nghiệm thương trường, quản lý còn quá non nớt chưa đủ cho ông tìm ra mấu chốt tháo gỡ.

Ông cứu vãn tình thế bằng các kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới, trong khi vấn đề nội bộ lại ngày càng trục trặc. Từ sản xuất gạch xây dựng có nhiều đối thủ cạnh tranh, ông đề nghị chuyển hướng sang làm đinh dây ít “đụng hàng”.

Đây là sản phẩm có thị trường ngoài nước, nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam và cũng mới cả với dàn lãnh đạo công ty. Kẻ lắc, người gật. Các cuộc họp không có sự đồng thuận. Giải pháp của Phó tổng giám đốc Hy không đến được đâu. Ông ngày càng lạc lõng, vai trò điều hành công ty cũng giảm dần.

Nỗ lực kéo dài hết hai năm thì ông Hy đành chấp nhận thất bại. Thôi việc trở về quê với gia đình, ông quyết định không bao giờ quay trở lại thương trường. Công ty do ông điều hành cũng ngừng hoạt động, rao bán lại toàn bộ.

Chính thời gian này đã giúp ông chiêm nghiệm lại toàn bộ sự thất bại của công ty và của chính mình. Bao đêm nằm rà soát lại mọi vấn đề để nhận ra điểm mạnh điểm yếu của mình, ông Hy quyết định làm lại từ đầu.

Lần này ông không đi xa nữa, mà gầy dựng ngay ở chính Cần Thơ. Ông cầm kế hoạch sản xuất đinh dây đi gõ cửa bạn bè người Hoa, đề nghị góp vốn mở nhà máy. Có người biết ông đã từng ra đi không kèn trống ở doanh nghiệp trước nên ngần ngại.

Ông nói thẳng: “Tui đã từng thất bại nhưng lần này sẽ thành công. Nếu mọi người tin tui thì hãy cùng nhau hợp sức làm”.

Ít ngày sau, số tiền góp vào kinh doanh từ 11 người lên đến 350.000 USD. Một doanh nghiệp J. của nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng đề nghị hợp tác. Lư Sùng Hy được bầu làm tổng giám đốc Công ty TNHH Liên hiệp Kim Xuân. Đó là vào năm 2000.

“Chiến trường” rộng đất

Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, việc đầu tiên Tổng giám đốc Hy làm là chú tâm xây dựng đội ngũ nhân lực. Người nào có năng lực ông phát huy tối đa và tạo mọi điều kiện để giữ chân họ ở công ty, dù chỉ là một công nhân.

Từ ngờ vực khả năng, nhiều người dần quí vị tổng giám đốc mạnh mẽ nhưng bình dân này. Đặc biệt, họ càng mến ông hơn khi ông có thể rời bàn giấy, xắn tay áo xuống kiểm tra chi tiết máy móc, sản phẩm, thậm chí làm việc trực tiếp với công nhân.

Công ty hoạt động theo hình thức phía Việt Nam bỏ vốn 50%, đối tác nước ngoài góp 50% và nhận bao tiêu sản phẩm ra nước ngoài. Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp thì đối tác bất ngờ “trở mặt”.

Họ vẫn bao hàng xuất đi nước ngoài nhưng không trả tiền về cho công ty. Họ nại lý do không thu được tiền hoặc thu được thì trừ tiền vào số vốn đã góp, trong khi theo hợp đồng thì phải sau năm năm mới được lấy lại vốn.

Đặc biệt là trong khi “ra đòn” với công ty thì họ lại đối xử “tốt” với tổng giám đốc Hy. Vừa dùng lời lẽ mềm mỏng, họ vừa cho ông nhiều quyền lợi vật chất để kéo ông về cánh mình với ý đồ thâu tóm toàn bộ công ty.

Tổng giám đốc Hy không nóng vội như lần trước mà bình tĩnh đối phó. Ông lặng lẽ họp khẩn cấp toàn bộ cổ đông Việt Nam để báo cáo lại toàn bộ vấn đề của đối tác nước ngoài. Ông nói: “Tui làm được một đồng thì tui ăn một đồng, tui làm được 10 tỉ thì tui ăn 10 tỉ, nhưng dứt khoát không nhận một đồng nào nếu không do mình làm ra”.

Trong khi đó, đối tác J. lại lặng lẽ làm thủ tục, dựng một nhà máy lớn sản xuất cùng mặt hàng ở ngay bên cạnh, lại lớn gấp đôi nhà máy Kim Xuân. Họ ra tối hậu thư: Kim Xuân phải sáp nhập về phía họ hoặc sẽ bị “dập” cho phá sản. Những cuộc họp căng như sợi dây đàn sắp đứt. Đối tác J. tin rằng họ ở thế thượng phong vì đang nắm yết hầu là đầu ra của Kim Xuân.

Lòng Tổng giám đốc Hy nóng như lửa đốt, nhưng ông vẫn giữ mặt bình tĩnh đến lạnh lùng. Ông lặng lẽ đi tìm lối ra riêng cho công ty. Suốt gần ba tháng trời, ông hầu như không ngủ để mày mò lên mạng Internet tìm khách hàng. Nhiều e-mail chào hàng gửi đi không được phúc đáp.

Đang không lối thoát, một doanh nghiệp Mỹ bất ngờ trả lời ông và đề nghị ông gửi hàng mẫu qua cho họ xem thử. Ngay sáng hôm sau, chính ông xắn tay áo cùng với công nhân đóng thùng hàng gửi đi, và phía doanh nghiệp Mỹ nhanh chóng “OK”. Họ còn mời ông qua Mỹ để làm việc trực tiếp. Đối tác hợp đồng dài hạn mua trọn gói sản phẩm của Kim Xuân, thanh toán cũng nhanh chóng.

Tình thế “cuộc chiến” đổi thay. Công ty Kim Xuân từ bế tắc đầu ra đã xuất khẩu được gần 3 triệu USD mỗi năm, trong khi Công ty J. sa lầy. Cuối cùng chính họ phải bán lại toàn bộ công ty cho Kim Xuân và lặng lẽ về nước.

Buổi họp cuối cùng, ông Hy nhẹ nhàng bắt tay người đã từng là đối tác và đối thủ của mình: “Nếu anh muốn, chúng ta vẫn có thể tiếp tục làm việc cùng nhau. Thương trường là chiến trường nhưng cũng đủ rộng đất cho chúng ta cùng chung sống”.

Kể từ ngày ông cựu cán bộ dân vận Lư Sùng Hy nộp đơn xin nghỉ hưu sớm để dấn thân vào thương trường đến nay đã được 17 năm và ông cũng đã tròn 67 tuổi. Người đàn ông có nhiệt huyết trẻ hơn tuổi này nhìn lại sự nghiệp kinh doanh của mình, tâm sự nhẹ nhàng:

“Lúc đầu, tui bước ra làm ăn vì muốn thử sức mình. Còn bây giờ thì tui làm vì công ty. Nếu tui chấp nhận thất bại, bao nhiêu người sẽ gặp khó khăn. Cái máu dân vận vẫn còn trong tui đấy thôi”.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]