Di tích này được 2 bảo tàng phối hợp khai quật từ cuối tháng 9.2012 đến nay trên diện tích 500m2. Với 3 khu vực khai quật cùng nhiều hố thám sát, kết quả đã phát lộ hoàn toàn dấu vết nền móng kiến trúc của hệ thống tường bao, tháp thờ chính, tháp cổng, nhà dài và hệ thống đường đi. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện nhiều hiện vật có giá trị nghiên cứu và trưng bày gồm các nhóm vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, đồ gốm...

Đặc biệt, tại đây, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 5 Tympan (lá nhĩ) khắc hình tượng chim thần Garuda nổi khối trong tư thế nhìn thẳng hay hộ trì có thể khối lớn với độ rộng từ 1,38 - 1,66m, cao 1,27 - 1,42m, dày 0,56 - 0,62m (ảnh).

TS Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - cho biết, khu đền, tháp Chăm này có niên đại khoảng thế kỷ XIII - XIV, có nhiều điểm khác biệt với di tích Chăm khác được phát hiện trước đó. Điểm khác biệt nhất đó là Tympan, nhưng lại được khắc hình tượng chim thần Garuda, đã lấp khoảng trống nhận thức trước đây của giới nghiên cứu. Cấm Mít là một di tích đền - tháp Chăm khá đặc biệt, mang phong cách rất riêng, ẩn chứa trong nó nhiều thông tin... nên nhóm nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ.