Thi tốt nghiệp 2014: Cách làm bài các môn Toán-Lý-Hóa-Sinh

(VietQ.vn) - Các chuyên gia, giáo viên sẽ đưa ra phương pháp, cách giải bài thi giúp bạn đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp 2014

15.578

Môn Toán: tránh những lỗi thường gặp

Đề thi làm trong thời gian 120 phút, gồm 2 phần, bao gồm 7 chuyên đề: khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị hàm số cùng những vấn đề liên quan (3 điểm), giải phương trình mũ hoặc logarit (1 điểm), tích phân (1 điểm), tìm giá trị lớn nhất và giá trị nhỏ nhất của hàm số (1 điểm), hình học không gian (1 điểm), hình học giải tích trong không gian Oxyz (2 điểm), số phức (1 điểm).

Theo đó, để lấy 8 điểm cần làm theo thứ tự từ dễ đến khó: khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị hàm số, số phức, tích phân, phương trình mũ hoặc logarit và hình học giải tích trong không gian Oxyz. Những năm gần đây câu hỏi khó thường là câu tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của hàm số. Cũng cần lưu ý chỉ được sử dụng các kiến thức có trong chương trình sách giáo khoa để giải, các kiến thức khác nếu muốn sử dụng thì phải chứng minh.

Đề thi tốt nghiệp 2014 không quá khó nhưng thí sinh lại khó đạt điểm tuyệt đối nếu không cẩn thận

Tránh những lỗi hay mắc phải: Sử dụng không đúng hoặc tùy tiện các ký hiệu toán học, ví dụ: d Î (P) hoặc "số thực a”  là không đúng. Phải viết là : d Ì (P) hoặc với mọi số thực a.

Sử dụng sai các khái niệm toán học. Ví dụ: Thể tích hình chóp, hàm số có tiệm ngang y = 2  là không đúng. Viết đúng phải là: Thể tích khối chóp, đồ thị hàm số có tiệm ngang là đường thẳng y = 2.

Khi giải phương trình quên đặt điều kiện để phép biến đổi là tương đương. Ví dụ: là sai vì thiếu điều kiện x > 0, do đó phải loại nghiệm x = -2.

Không đọc kỹ đề và thế sai dữ liệu, hoặc hiểu lạc đề nên đặt vấn đề sai. Ví dụ: Khảo sát hàm số khi m = -1 nhưng khi làm bài lại thế m = 1; hoặc: Viết phương trình tiếp tuyến của đồ thị hàm số đi qua điểm A thì lại viết nhầm tiếp tuyến tại điểm A.

Vô ý để dẫn đến những sai lầm cơ bản. Ví dụ: Trong không gian Oxyz, đề bài yêu cầu viết phương trình đường thẳng lại viết nhầm thành phương trình mặt phẳng, véctơ chỉ phương lại viết nhầm thành véctơ pháp tuyến, -a luôn nhỏ hơn a là sai vì quên rằng nó phụ thuộc vào dấu của a, phương trình x2 - 4x + 7 = 0 có tổng 2 nghiệm bằng 4 mà không phát hiện rằng phương trình đã cho vô nghiệm…

Môn Hóa: Không cẩn thận khó đạt điểm tuyệt đối

Đề thi tốt nghiệp môn Hóa học có 40 câu trắc nghiệm bao gồm 32 câu chung cho tất cả các thí sinh và 8 câu tự chọn (theo chương chình chuẩn (8câu), theo chương trình nâng cao (8 câu), học sinh chỉ được phép làm 1 phần tự chọn). Đối với các bạn thi đại học khối A, B thì việc lựa chọn môn Hóa thi tốt nghiệp sẽ không quá khó để lấy điểm cao. Tuy nhiên có nhiều câu các bạn chưa cẩn thận nên không được điểm tuyệt đối. Còn đối với các bạn không thi đại học khối A, B thì không dễ dàng làm hết các câu hỏi trong đề thi.

Về lý thuyết, học sinh cần phải biết xâu chuỗi tính chất hóa học của các chất, nhóm chất bằng cách hệ thống hóa, so sánh những điểm giống nhau và khác nhau. Điều này sẽ giúp học sinh nhanh chóng chọn được phương án đúng. Đây là phần có số lượng câu hỏi chiếm khoảng 70% đề thi. Không nên học từng chất riêng lẻ vì như thế sẽ khó nhớ hết được những phương trình phản ứng hóa học và sẽ xử lý chậm, mất nhiều thời gian để chọn phương án đúng.

Các bài toán trong đề thi tốt nghiệp chiếm khoảng 30% số lượng câu hỏi của đề thi và khá đơn giản. Chỉ cần biết tính lượng chất tham gia phản ứng, chất tạo thành trong một phương trình phản ứng hóa học hay giải các bài toán hỗn hợp hai chất, hai ẩn số và có hai dữ kiện (có thể kèm theo hiệu suất phản ứng để tạo câu hỏi khó).

Ngoài ra, trong đề thi tốt nghiệp THPT thường có một số ít câu hỏi khá bất ngờ, không khó nhưng do học sinh ít quan tâm nên dễ chọn phương án sai. Ví dụ, một số tính chất vật lý đặc biệt của chất hữu cơ (như este có mùi thơm dễ chịu, anilin là chất lỏng không màu để lâu trong không khí chuyển thành màu đen...), các tính chất vật lý của kim loại: có khối lượng riêng lớn nhất, cứng nhất, có nhiệt độ nóng chảy cao nhất trong dãy kim loại cho sẵn,  hay các loại quặng, mỏ...

Môn Lý: Không nên học tủ

Đề thi tốt nghiệp 2014 hoàn toàn nằm trong chương trình sách giáo khoa

Học sinh nhất thiết phải nắm vững nội dung của các phần nêu trong cấu trúc đề thi. Mặc dù yêu cầu ôn tập của Bộ GD-ĐT là chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT nhưng thật ra tất cả câu hỏi của đề thi tốt nghiệp THPT đều dựa vào các nội dung cụ thể của chương trình 12.

Là môn thi trắc nghiệm, kiến thức trải đều các phần, các chương, vì vậy học sinh không nên học tủ mà cần học chắc các phần để có thể làm trọn vẹn từ câu dễ (học thuộc) đến câu khó (vận dụng).

Đối với câu hỏi trắc nghiệm về lý thuyết, đề thi sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà nếu bạn chưa nắm kỹ dễ bị nhầm lẫn.

Chẳng hạn, khái niệm cùng pha, lệch pha giữa các đại lượng vật lý; các khái niệm dao động điều hòa, dao động tuần hoàn, dao động cưỡng bức, dao động tắt dần, dao động riêng, dao động duy trì; tính chất và tác dụng của các bức xạ không nhìn thấy; tính chất và ứng dụng của các loại sóng vô tuyến điện; các hiện tượng tán sắc, giao thoa ánh sáng, hiện tượng quang điện, quang dẫn, hiện tượng phóng xạ...

Chú ý những loại bài tập thuộc vào một trong 3 điều sau: Đề bài quá dài, rườm rà hoặc hình vẽ phải mô tả phức tạp; bài giải cần nhiều giai đoạn biến đổi; kiến thức lý thuyết vật lý để giải bài tập, sẽ không có trong nội dung sách giáo khoa và cấu trúc đề thi.

Môn sinh: Đề thi không quá khó

Để nắm chắc nội dung, học sinh cần lập sơ đồ tóm tắt những kiến thức cốt lõi nhất để ôn tập. Sơ đồ sẽ giúp học sinh hệ thống hóa toàn bộ bài học, không lẫn lộn kiến thức của bài này với bài khác. Sơ đồ này còn giúp các em có thể giải quyết tối đa các câu hỏi vận dụng nâng cao, tổng hợp.

Ở phần kiến thức về biến dị, cần phân biệt khái niệm, nguyên nhân và cơ chế phát sinh, đặc điểm, vai trò, ý nghĩa trong chọn giống, tiến hóa, nghiên cứu di truyền. Ví dụ, với câu hỏi cơ chế phát sinh đột biến nhiễm sắc thể trong các hình thức phân bào thì thí sinh nên chọn đáp án là rối loạn sự phân ly một vài cặp nhiễm sắc thể hoặc toàn bộ nhiễm sắc thể lúc phân bào.

Đề thi thường không nằm ngoài chương trình và không quá khó, phức tạp nên học sinh không nên lo lắng. Học sinh cần bám sát sách giáo khoa, nắm các ý chính của bài, hướng dẫn của giáo viên, thực hành các tài liệu trắc nghiệm, đặc biệt là đề thi các năm trước để làm quen.

Hạ Lan (tổng hợp)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]