Thi tuyển lãnh đạo...- Bài 2: Tránh cách làm hình thức

Đổi mới, chuẩn bị kỹ, lựa chọn Hội đồng chấm thi đủ năng lực và trình độ để đánh giá ứng viên, đảm bảo tính bảo mật cao là những yếu tố quan trọng giúp việc thi tuyển cán bộ chủ chốt tại Hải Phòng đảm bảo khách quan, lựa chọn được ứng viên xuất sắc vào vị trí lãnh đạo.

15.5781


Quy trình chặt chẽ


Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng Nguyễn Đào Sơn, từ năm 2008, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Đề án thí điểm thi tuyển với các chức danh trưởng, phó phòng ở các sở, ngành, quận, huyện và đã tổ chức ở 3 sở, 2 quận. Tuy nhiên, các ứng viên dự tuyển chủ yếu là người trong đơn vị. Từ năm 2013, với mục tiêu lựa chọn được người xuất sắc nhất vào những vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo của thành phố, Thành ủy Hải Phòng giao Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp trưởng một số cơ quan, đơn vị; trong đó có những cán bộ cấp trưởng ngành diện Thành ủy quản lý.

Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng trao quyết định bổ nhiệm PGS.TS Phạm Văn Cương vào chức danh Hiệu trưởng trường ĐH Hải Phòng.


Chức danh tương đương trưởng ngành được thí điểm thi tuyển đầu tiên là Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng (trường do Thành ủy Hải Phòng quản lý). Tháng 8/2013, bốn Phó Hiệu trưởng (gồm 3 Tiến sĩ của Đại học Hải Phòng và một Phó Giáo sư, Tiến sĩ của Đại học Hàng hải Việt Nam) đã dự tuyển kỳ thi này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Việt Nam là người có số điểm cao nhất, đáp ứng yêu cầu của quy chế thi tuyển trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng. Phó Giáo sư Cương là Hiệu trưởng trường đại học đầu tiên của cả nước được bổ nhiệm thông qua hình thức thi tuyển.


Ông Nguyễn Đào Sơn cho biết, việc thi tuyển cán bộ chủ chốt khó nhất là làm thế nào để tránh kiểu hình thức. Hải Phòng đã khảo sát kinh nghiệm của Quảng Ninh, Đà Nẵng nhưng mỗi nơi có cách làm riêng phù hợp với đặc thù địa phương mình. Trung ương có chủ trương nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Sau khi nghiên cứu, đánh giá kỹ kinh nghiệm của các địa phương và các phương án tổ chức thi tuyển khách quan, minh bạch, Hải Phòng quyết định tổ chức thi tuyển theo phương án: thông báo công khai, rộng rãi, mời cả ứng viên đang làm việc tại các đơn vị ngoài thành phố trước 1 tháng để các ứng viên đủ thời gian tìm hiểu, đăng ký. Số lượng ứng viên thi phải có ít nhất 3 người. Hình thức thi gồm: chấm đề án và chấm bảo vệ đề án, kiểm tra sát hạch trình độ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ.


Hội đồng chấm thi có 9 người, trong đó chỉ có 3 người đến từ các cơ quan trực tiếp quản lý đơn vị thi tuyển. Những thành viên khác là những chuyên gia đầu ngành có học hàm, học vị đến từ Trung ương và các ban, ngành của thành phố. Quyết định thành lập Hội đồng chấm thi được bảo mật và chỉ công bố sát ngày thi. Các thành viên tham gia hội đồng thi tuyển không ai biết ai. Vào ngày thi, Hội đồng chấm thi tập trung, thảo luận phương án chấm điểm, thang điểm trong khoảng 1 giờ; sau đó tiến hành chấm đề án. Đề án này phải đảm bảo yêu cầu thống nhất theo mẫu trình bày của ban tổ chức, không được để dấu hiệu riêng, chỉ đề tên tác giả ở phía ngoài bì thư khi gửi đến cho ban giúp việc hội đồng thi tuyển. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển sẽ đánh số phách cho các đề án và tiến hành chấm.

 

Sự ưu việt của phương thức thi tuyển


Theo đánh giá của Thành ủy Hải Phòng, việc thi tuyển chức danh chủ chốt đã và đang phát huy hiệu quả. Thứ nhất là tạo được sự đổi mới căn bản trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Việc thi tuyển tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng”, khắc phục việc bổ nhiệm theo truyền thống, dựa nhiều vào việc lấy phiếu tín nhiệm. Khi mở rộng đối tượng thi tuyển từ bên ngoài sẽ tạo ra sự cạnh tranh. Do vậy, tất cả ứng viên đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đều coi đây là một trong những hoạt động “lửa thử vàng”, là môi trường thể hiện kiến thức, trình độ năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh của người lãnh đạo trước sự đánh giá của Hội đồng chấm thi và các khách mời tham dự.


Thứ hai là chọn được con người mới với cách nhìn mới để giải quyết những vấn đề tồn tại của đơn vị. Trong 2 đợt thi tuyển vừa qua, người trúng tuyển đều là ứng viên đến từ các trường học khác. Vì thế, họ không chỉ nhìn nhận vấn đề theo cách nhìn mới mà còn có khả năng vận dụng những kinh nghiệm hay từ quá trình công tác ở các đơn vị khác để xử lý vấn đề của đơn vị mới.


Thứ ba là tạo niềm tin trong công tác bổ nhiệm lựa chọn cán bộ. Việc thi cử diễn ra công khai, các ứng viên đều biết khả năng của từng “đối thủ” nên họ dễ đồng thuận với kết quả thi tuyển.


Chỉ đạo về công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thành phố, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: “Thi tuyển là hình thức lựa chọn cán bộ lãnh đạo tốt nhất trong thời gian tới. Từng ban, ngành nên thí điểm tổ chức ở một số đơn vị, sau đó triển khai rộng rãi”.


Minh Thu


Bài 3: Đưa đề án vào thực tiễn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]