Thi xong đổ bệnh

Vừa chấm dứt những ngày thi cử căng thẳng, tưởng chừng có thể xả hơi thì nhiều bạn trẻ bỗng dưng rơi vào trầm cảm, hoang tưởng

0
Bác sĩ của BV Tâm thần TPHCM đang tư vấn cho một học sinh bị stress sau kỳ thi

>>

Thấy cậu con trai N.V.M (18 tuổi, ngụ quận Tân Bình - TPHCM) khá bình tĩnh trải qua 2 đợt thi đại học, chị L.T.H nhẹ cả người. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu bất ổn ngay sau ngày M. thi xong đợt 2 vào trường đại học mà cậu yêu thích. M. than mệt, chỉ ăn trưa qua quýt rồi ngủ một giấc dài cho đến tận sáng hôm sau. Tưởng con mệt mỏi vì nhiều hôm liền thức ôn bài nên chị  không chú ý lắm. Thế rồi suốt 2 tuần sau đó, M. liên tục than mệt, buồn ngủ và hầu như cả ngày chỉ vùi mình trên giường. Vài lần chị  còn phát hiện con ngồi ngẩn ngơ, hay lẩm nhẩm một mình. Đưa M. đến một phòng khám tâm lý, chị bất ngờ khi biết con bị rối loạn giấc ngủ và thỉnh thoảng còn xuất hiện ảo giác do stress.

Bùng nổ sau kỳ thi

Tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, BS Lê Hiếu, Phó Khoa Khám bệnh, giải thích trường hợp như M. là do gặp phải một cơn stress kéo dài từ trước kỳ thi nhưng chỉ bộc lộ khi đã thi xong. “Con người có sự bù trừ. Người ta có thể cố gắng vượt qua căng thẳng trong những ngày đó do một động lực nhất định nhưng qua kỳ thi, động lực không còn thì các bất ổn về tâm thần sẽ bộc lộ” - bác sĩ Hiếu nhấn mạnh.

Cũng ở bệnh viện này, BS Vũ Đình Vương, Trưởng Khoa Nội trú, cho biết cách đây vài ngày, khoa tiếp nhận một nam sinh viên bị tâm thần nặng phải nhập viện. Khai thác bệnh sử thì được biết sau khi trải qua một kỳ thi không như ý và nợ quá nhiều môn, đối diện với nguy cơ khó lòng ra trường trong năm tới, cậu sinh viên này bắt đầu bi quan; sau đó xuất hiện những hoang tưởng bị hại, hoang tưởng tội lỗi; có những hành vi tự hủy hoại, đòi tự tử, bảo với mọi người rằng có giết mình thì làm cách nào êm ái thôi. Do sống xa nhà, không có gia đình bên cạnh nên khi mọi người phát hiện và đưa vào nhập viện thì bệnh của cậu sinh viên này đã quá nặng.

Bác sĩ Vương phân tích: “Trong trường hợp này, kết quả học tập không mong muốn là một yếu tố thuận lợi dẫn đến sự phát triển của bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiều áp lực khác từ cuộc sống sinh viên khó khăn, phải theo học một ngành nghề không đúng sở trường lại quá sức...”.

Áp lực từ sự kỳ vọng

Hai chị em họ N.T.A và T.T.T (cùng 18 tuổi, ngụ quận 8 -TPHCM) vừa đưa nhau đến phòng khám tâm thần vì bị mất ngủ triền miên, đau đầu và rối loạn lo âu sau mấy tuần lễ chờ kết quả thi. Trước đó, A. và T. đã theo nguyện vọng của gia đình mà “nhắm mắt” chọn một trường ĐH quá sức.

BS Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, lưu ý con cái có thể gặp vấn đề tâm lý - tâm thần trong việc học hành, thi cử do áp lực từ cha mẹ.

“Khi các em vừa trải qua kỳ thi không như ý, nếu cha mẹ chê bai, trách móc, tâm lý các em dễ đi theo chiều hướng tiêu cực. Thay vào đó, nên để các em có thời gian bình tĩnh, tự vực dậy chính mình, có thể động viên để các em thoải mái và làm lại từ đầu. Ngoài ra, không nên đặt sức ép, sự kỳ vọng quá lớn lên con trẻ bởi điều này có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các em cả trước, trong và sau kỳ thi” - bác sĩ Trụ khuyên.

Mặc cảm thua kém

Theo bác sĩ Vũ Đình Vương, stress sau thi cử còn thường gặp ở những học sinh bỗng dưng được cha mẹ đặt vào một ngôi trường quá “xịn” sau kỳ thi chuyển cấp. Nỗi sợ rơi vào một tập thể mà mình không thể theo kịp chúng bạn cũng khiến trẻ trở nên mặc cảm và căng thẳng. Để phòng ngừa từ sớm, cha mẹ không nên áp đặt trẻ vào một ngôi trường quá sức dù ở cấp tiểu học hay đại học và nên lắng nghe mong muốn của con.
AloBacsi.vn (Theo Người lao động)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]