“Thiên tài bị đày đọa”, có hay không?

Có hay không hiện tượng “thiên tài bị đày đọa” xảy ra ở các bậc vĩ nhân. Đây là hiện tượng đã thu hút sự quan tâm của giới khoa học từ rất lâu và đến gần đây họ mới phần nào đưa ra được bằng chứng lý giải về hiện tượng này.

15.579

(SKDS) -  Có hay không hiện tượngthiên tài bị đày đọa” xảy ra ở các bậc vĩ nhân. Đây là hiện tượng đã thu hút sự quan tâm của giới khoa học từ rất lâu và đến gần đây họ mới phần nào đưa ra được bằng chứng lý giải về hiện tượng này. Có thể nêu một vài trường hợp điển hình, đó là Van Gogh và Virginia Woolf.

Mối liên hệ giữa sáng tạobi kịch? 

Van Gogh (1853  - 1890) coi thời niên thiếu là “giai đoạn u tối, lạnh lẽo, cằn cỗi”... Lớn lên, Van Gogh yêu nhiều lần, lần nào cũng trắc trở. Sự khước từ của con gái chủ nhà trọ về lời tỏ tình ở tuổi 15 làm cho ông cảm thấy cô độc và trở thành người sùng đạo. Khi cha qua đời đột ngột, ông xót đau tột độ, nhưng trước đó hai cha con xung khắc nghiêm trọng khiến người cha coi Van Gogh là “một thằng điên”, cắt nguồn tài chính, đẩy ông ra bươn chải với sóng gió cuộc đời khi chưa thành đạt...

Mãi đến tuổi 27 (1980), Van Gogh mới nghiêm chỉnh quay trở lại nghề vẽ; song tranh ông có màu tối, không bán được. Đến khi tiếp thu nghệ thuật của trường phái Ấn tượng phát triển, tranh của ông mới tươi sáng hơn, trao đổi được với đồng nghiệp. Mãi đến 1/1890, trước khi mất 7 tháng (7/1890), Albert Aurier mới ca ngợi tranh của Van Gogh trên tạp chí Mercure de France, gọi ông là thiên tài. Sinh thời, ông chưa được các họa sĩ, nhà phê bình đánh giá đúng. Mãi sau khi mất rất lâu, các họa sĩ, nhà phê bình thuộc thế hệ sau mới nhận được chân giá trị, tôn vinh ông là bậc thầy của hội họa. 

 Họa sĩ thiên tài Van Gogh.
Do sang chấn tinh thần liên tục, Van Gogh bị bệnh tâm thần phân liệt, động kinh. Ngoài ra còn mắc một số bệnh khác như rối loạn porphyrin cấp, ngộ  độc chì, giang mai, nghiện rượu, ăn uống đạm bạc. Tất cả đều góp phần làm cho thần kinh ông suy nhược, rối loạn. 2 năm cuối đời (1888 - 1890) ông bị hoang tưởng, ảo giác, khủng hoảng tinh thần cực độ.
 
Ông ra cánh đồng, rút súng tự bắn vào ngực, qua đời ở tuổi 37, với lời than thở mà em trai ông nghe được “Nỗi buồn cứ kéo dài mãi mãi”. Điều kỳ lạ, Van Gogh để lại hơn 1.000 bức tranh thì 200 bức vẽ ra trong thời kỳ ông cảm thấy u tối nhất; phần lớn số tranh khổng lồ còn lại được sáng tác chủ yếu trong 2 năm rối nhiễu tâm thần nặng cuối đời, lại bao gồm hầu hết các họa phẩm vừa đạt được đỉnh cao của nghệ thuật.
 
Virginia Woolf (1882 - 1941) sinh ra trong một gia đình có mẹ đẻ thuộc dòng họ  nổi tiếng trong ngành xuất bản, cha Leslie Stephen là nhà phê bình văn học, từng có vợ đầu là tác giả tiểu thuyết Hội chợ phù hoa; tuổi 30, kết hôn với Leonard, nhà văn cùng thiên hướng. Ngay lúc thiếu thời, bị nhiều chấn động dữ dội liên tục, kinh khủng nhất là sự lạm dụng tình dục của anh trai cùng cha khác mẹ. Điều này làm bà cảm nhận rõ rệt sau vẻ bề ngoài yên bình là sự mong manh, bấp bênh, hiểm họa luôn rình rập con người. Bà bị điên thực sự.
 
Cơn điên hành hạ nhiều nhất sau mỗi lần hoàn thành tác phẩm. Còn lúc khác thì bà lại có cảm hứng nghệ thuật tuôn trào, hình tượng văn học ngôn ngữ chảy không dứt trong đầu... hầu như toàn bộ quỹ thời gian của bà đều dành cho “suy nghĩ và suy nghĩ”, từ đó sáng tạo ra nhiều tác phẩm bất hủ như Đêm và ngày, Căn phòng của Jacob, Bà Dalloway, Đến ngọn hải đăng Orlando, Một căn phòng riêng, Những đợt sóng, Ba đồng tiền vàng...
 
Sau nỗ lực cuối cùng chống chọi với bệnh tật, bà gieo mình xuống sông Ouse (28/3/1941), để lại cho chồng mấy dòng ngắn ngủi “Em đã cố gắng chống lại cảm giác phát điên, nhưng giờ thì không còn đủ sức. Em mắc nợ hạnh phúc với anh nhưng em không thể tiếp tục như thế này mãi để làm khổ đời anh thêm nữa”.

Lý giải hiện tượng  “thiên tài bị đày đọa”

Trong liên hoan khoa học thế giới lần thứ 5 tại New York, chủ đề “Thiên tài bị đày đọa” được các chuyên gia đưa ra bàn thảo. Ray Redfiel Jamison cho rằng: “Có bằng chứng về sự tồn tại hiện tượng thiên tài bị đày đọa. Trong các rối nhiễu về tâm thần thì sự  rối loạn lưỡng cực hình như lại gắn liền với nhiều sáng tạo nhất”.
 
James Falon, nhà sinh học thần kinh (ĐH California - Irvine) cho rằng: “Rối loạn lưỡng cực gây nên sự chuyển biến tâm trạng dữ dội, từ trạng thái thao cuồng (mania), hưng phấn cực đỉnh; rơi xuống trạng thái trầm cảm (depresant), chán nản tột cùng. Người rối loạn lưỡng cực có khuynh hướng nảy sinh sự sáng tạo khi họ vượt qua được trạng thái trầm cảm sâu. Lúc này, hoạt động ở phần dưới thùy trước tắt ngúm, trong khi ở phần trên bột phát mạnh. Điều đáng kinh ngạc là ở những người có sự sáng tạo mạnh cũng có xảy ra quá trình này.
 
Như vậy có mối liên hệ giữa sự chuyển pha của rối loạn lưỡng cực và khả năng sáng tạo...”. GS. Elyn Saks (ĐH Nam California) giải thích: “Người rối loạn tâm thần không có khả năng chọn lọc các kích thích gần giống nhau như người bình thường; song họ lại có khả năng điều khiển nhiều ý tưởng đối lập nhau; nhận thức được sự liên tưởng mù mờ giữa chúng mà người bình thường lại không nghĩ đến.
 
Trong một số trường hợp, họ có thể sản sinh ra những suy nghĩ, hành động thâm thúy, xếp vào hạng thiên tài”. Thử nghiệm đánh giá sự thông minh của 700.000 học sinh Thụy Điển, tuổi 16, sau 10 năm đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần, cho kết quả khá bất ngờ: những trẻ đặc biệt thông minh tuổi 16, đến tuổi 26 lại đối mặt với nguy cơ xuất hiện rối loạn lưỡng cực cao gấp 4 lần những đứa trẻ kia.

Theo đó,“thiên tài bị đày đọa” là hiện tượng tâm - thần kinh, bước đầu được lý giải: mỗi khi ở một nơi, một pha nào đó trong não bị ức chế đến tột cùng thì sau lúc vượt qua cơn đó sẽ xuất hiện những nơi, những pha khác kích thích cao độ, dẫn tới những phút lóe sáng sự sáng tạo.            

DSCKII. Bùi Văn Uy

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]