Thiết kế bài giảng Địa lý phát huy hiệu quả dạy học bằng biểu đồ

GD&TĐ - Để tiến hành bài giảng trên lớp được tốt giáo viên cần chuẩn bị giáo án một cách chu đáo, bởi nội dung của giáo án bao gồm toàn bộ kiến thức cơ bản và hoạt động của giáo viên và học sinh trong giờ học trên lớp.

15.5864

Thầy Lê Văn Hùng - Giáo viên Trường THPT 3 Cẩm Thủy (Thanh Hóa) – cho rằng: Việc sử dụng biểu đồ trong thiết kế một số tiết học ở trên lớp là rất cần thiết để khắc sâu kiến thức cho học sinh và mặt khác tạo ra sự hứng thú trong học tập.

Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả kiến thức, việc chuẩn bị biểu đồ và lựa chọn biểu đồ đòi hỏi giáo viên phải lựa chọn các biểu đồ phù hợp với nội dung kiến thức của bài giảng.

Khi đã lựa chọn được biểu đồ phù hợp trong quá trình giảng bài trên lớp, tiếp theo giáo viên phải hình dung ra cách sử dụng biểu đồ như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất mà ít tốn thời gian nhất.

Quá trình sử dụng biểu đồ trên lớp cũng đòi hỏi giáo viên phải có sự chuẩn bị từ trước.

Sử dụng biểu đồ hình thành khái niệm Địa lí kinh tế - xã hội cho học sinh

Theo thầy Lê Văn Hùng, trong nội dung kiến thức Địa lí kinh tế - xã hội ở trường THPT hiện nay, học sinh phải học khá nhiều các khái niệm trừu tượng và thuật ngữ liên quan đến kiến thức bộ môn, nên việc sử dụng biểu đồ sẽ là điều kiện thuận lợi để các em hiểu và ghi nhớ được các khái niệm này .

Ví dụ: Để hình thành về khái niệm bùng nổ dân số ở nước ta qua bài 16 ( Địa lí 12 – Chương trình chuẩn): Đặc điểm dân số và phân bố dân cư ở nước ta, giáo viên có thể xây dựng biểu đồ đường biểu diễn thể hiện sự gia tăng nhanh về số dân của nước ta qua các giai đoạn và từ đó hình thành cho học sinh khái niệm về bùng nổ dân số.

Tham khảo mẫu giáo án TẠI ĐÂY

Sử dụng biểu đồ trong mô phỏng một số nội dung ở các tiết học trên lớp

Trong giảng dạy phần Địa lí dân cư có rất nhiều các bảng số liệu cần cho học sinh ghi nhớ, nhưng nếu như để học sinh ghi nhớ một cách máy móc, đơn thuần chỉ qua các bảng số liệu thì rất dễ quên và học sinh chưa hiểu được bản chất của các số liệu.

Chính vì thế, để học sinh không chỉ nhớ lâu được các số liệu mà còn khắc sâu, thấy được bản chất của các sự vật, hiện tượng và sự thay đổi của nó, giáo viên nên minh họa các bảng số liệu đó bằng biểu đồ.

Ví dụ : Ở bài 17, sách giáo khoa Địa lí lớp 12, theo chương trình chuẩn, ở mục 2 “Cơ cấu lao động”, khi soạn bài giáo viên có thể minh họa bằng các biểu đồ.

Xem cụ thể minh họa qua mẫu giáo án TẠI ĐÂY

Sử dụng biểu đồ thể hiện sự phát triển của một số đối tượng Địa lí

Trong Địa lí sự phát triển của các đối tượng được thể hiện không chỉ qua số liệu thông kê mà còn được biểu hiện rất cụ thể qua biểu đồ. Qua biểu đồ, có thể thấy rõ được các đối tượng này phát triển nhanh hay chậm và tốc độ phát triển mạnh hay yếu.

Để thể hiện được điều này, giáo viên cần phải linh hoạt ngay trong khâu soạn giáo án và xác định được nội dung cần biểu hiện qua biểu đồ

Ví dụ, ở bài 24 sách giáo khoa Địa lí lớp 12 – chương trình chuẩn, khi cho học sinh tìm hiểu về sự phát triển của ngành thủy sản, giáo viên nên thiết kế giáo án có kèm theo các biểu để minh họa cho tình hình phát triển của ngành thủy sản của nước ta qua các năm.

Xem giáo án minh họa cụ thể TẠI ĐÂY

Thầy Lê Văn Hùng nhấn mạnh: Trong quá trình giảng dạy và học tập môn Địa lí nhất là ở bậc THPT, khâu rèn luyện các kĩ năng, trong đó có kĩ vẽ biểu đồ là rất quan trọng.

Để thực hiện được vấn đề này đòi hỏi giáo viên phải đầu tư thời gian, nhất là thời gian soạn giáo án và đánh giá học sinh qua các biểu đồ có sẵn hoặc qua các bảng số liệu ở các bài học yêu cầu học sinh vẽ các loại biểu đồ.

Tuy nhiên, để học sinh hiểu và nhớ được kiến thức một cách sâu sắc, giáo viên nên chuẩn bị các biểu đồ có liên quan với các bảng số liệu để minh họa kiến thức và tạo thêm sự hứng thú trong học tập hơn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]