Thiếu nhân lực vệ sinh an toàn thực phẩm

15.6411
Hiện nay mới chỉ có 42/63 tỉnh, thành thành lập được các chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng ngay cả những chi cục đã thành lập thì số lượng thanh tra viên đủ điều kiện được cấp thẻ, có quyền xử phạt các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất hạn chế.

Nhân lực thiếu

“Hiện cả nước có khoảng 496.000 doanh nghiệp có nguy cơ cao về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chỉ có 230 thanh tra y tế. Các thanh tra phải kiêm nhiệm rất nhiều việc như thanh tra hành nghề y, dược, vệ sinh an toàn thực phẩm...”, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, cho biết.

Như vậy tính trung bình, mỗi tỉnh chỉ có 2 - 3 cán bộ giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Có địa phương thống kê trung bình mỗi cơ sở chỉ được kiểm tra 0,2 lượt/năm, nghĩa là sau 5 năm, cán bộ thanh tra mới có thời gian quay lại cơ sở để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các địa phương.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã “khởi xướng” việc thành lập các chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau nửa năm có quyết định triển khai, đến nay có 42/63 tỉnh, thành có quyết định thành lập Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều chi cục vẫn chưa thể hoạt động vì thiếu nhân lực trầm trọng.

Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hưng Yên là một ví dụ điển hình. Tuy đã có quyết định thành lập nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa thể “ra mắt” do chưa có đủ nhân lực. Vậy nên, mọi công tác liên quan đến lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm hiện vẫn do Chánh thanh tra Sở Y tế Ngô Minh Thuấn đảm nhiệm.

Đại diện nhiều tỉnh, thành khác cũng than đang “đau đầu” vì thiếu cán bộ “đạt chuẩn” để làm thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chi cục. Tại các chi cục đã thành lập, trung bình có khoảng 8 - 15 cán bộ, được tuyển từ các trung tâm y tế, bệnh viện, nhưng phần lớn chưa được đào tạo chuyên khoa, thậm chí có chi cục chỉ có 1 bác sĩ.

Một số cán bộ của Khoa vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh không muốn chuyển sang chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm vì nhiệm vụ không thay đổi nhưng không được hưởng 35% phụ cấp đặc thù của hệ y tế dự phòng. Trong khi đó, muốn được cấp thẻ thanh tra, quy định đề ra phải có bằng đại học, phải có một thời gian công tác nhất định và phải học qua lớp chuyên ngành về lĩnh vực công tác.

Thẩm quyền cũng thiếu

Một đại diện Cục vệ sinh an toàn thực phẩm thừa nhận, việc xây dựng thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương còn nhiều bất cập do lực lượng còn hạn chế, chưa được đào tạo, thiếu thẩm quyền xử phạt vi phạm.

Thời gian tới, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương. Đặc biệt, Cục đang xây dựng đề án thí điểm thành lập thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tại cấp quận, huyện, xã, phường.

Theo đề án, cấp huyện sẽ thành lập Đội thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm trực thuộc Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh với số lượng cán bộ từ 5 - 7 người. Tại cấp xã phường, sẽ có “suất” biên chế cho 1 thanh tra viên. Dự kiến, tới đây mô hình này sẽ được thí điểm tại một số quận, huyện, xã, phường của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Với đề án thí điểm này, các nhà quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm kỳ vọng, khi hệ thống thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm được “nối dài” tới tận quận, huyện, xã, phường, sẽ góp phần khống chế tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm số ca ngộ độc xảy ra hàng năm./.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]