Thiếu, thừa canxi và cách phòng tránh

Gần đây rất nhiều độc giả quan tâm đến các thông tin có trên các phương tiện thông tin đại chúng về chứng loãng xương và thiếu canxi, nên một số người đã sử dụng các loại sữa chống loãng xương mà không hề biết thế nào là đủ

15.6098

và thậm chí cũng không hề biết rằng thừa canxi cũng nguy hiểm không kém. Vì vậy cần phải có một số hiểu biết về vai trò của canxi để có cách phòng bệnh cho đúng.

Cấu trúc phân tử canxi. 
Canxi chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể, trong đó chỉ có 1% hòa tan trong thể dịch, phần lớn canxi ở trong xương, trong huyết tương.

Ca là một ion không thể thiếu được trong quá trình đông máu. Ion Ca còn ảnh hưởng lên hoạt động của tim, thần kinh cơ. Ca là thành phần chính cấu tạo nên xương.

Canxi được hấp thu ở ruột dưới tác dụng của vitamin D. Nó được lọc và tái hấp thu ở ống thận. Calcitonin giúp đưa canxi từ máu vào xương khi canxi máu tăng, còn hormon tuyến cận giáp (PTH) làm hủy xương và tăng canxi máu.

Hạ canxi trong máu khi nào?

Khi canxi trong máu hạ dưới mức bình thường sẽ gây triệu chứng cấp về thần kinh cơ như tê, dị cảm, chuột rút, co quắp bàn tay, nặng có thể gây khó thở, nặng hơn có thể co giật, phù gai thị, lú lẫn...

Hạ canxi nặng có thể tụt huyết áp, giảm sức co bóp cơ tim, loạn nhịp tim...

Một số nguyên nhân gây hạ canxi máu:

- Giảm hấp thu từ đường tiêu hóa, mất canxi, giảm protein máu, không lấy được canxi từ xương. Vì phần lớn canxi ngoài xương kết hợp với protein, giảm protein sẽ giảm canxi.

- Canxi cũng có thể kết hợp với một số thuốc hay hóa chất: photphat, EDTA, citrat.

- Canxi cũng có thể kết hợp với mỡ bị viêm trong bụng khi có viêm tụy cấp.

- Thiếu vitamin D hoặc giảm hoạt tính sinh tố D có thể gây hạ canxi huyết.

- Thuốc chống động kinh, gluco corticoid có thể làm giảm canxi máu, có thể do giảm hoạt tính của sinh tố D.

- Nằm viện dài ngày, nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch lâu cũng thường gây thiếu vitamin D.

- Trong suy thận, suy tuyến cận giáp, nghiện rượu, hoặc dùng thuốc lợi tiểu kéo dài... cũng có thể gây hạ canxi trong máu.

Tăng canxi trong máu khi nào?

Khi bệnh nhân có suy thận, ung thư, cường tuyến cận giáp, ngộ độc do vitamin A, B, bất động lâu... Chủ yếu là mất nước do tiểu nhiều, thẩm thấu. Giảm nhu động ống tiêu hóa gây buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón, thường gặp là mệt mỏi, yếu cơ. Tăng huyết áp có thể xảy ra do tăng đề kháng mạch máu ngoại vi. Bệnh nhân dễ loét dạ dày, ăn không ngon miệng. Muối canxi phosphat có thể lắng đọng ở các phế nang, ống thận, tuyến giáp, niêm mạc dạ dày, vách mạch máu. Nếu sự lắng đọng này nhiều dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Khi canxi thải ra nước tiểu tăng nó có thể kết hợp với phosphat hoặc oxalat dễ tạo thành sỏi thận. Vì sỏi thận ít tan trong môi trường kiềm nên có khuynh hướng tạo thành sỏi thận trong môi trường axit ít hơn khi canxi nước tiểu tăng.

Cách bổ sung canxi bằng thực phẩm

Theo các nhà dinh dưỡng thì nhu cầu canxi hằng ngày là 400-500mg, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối và cho con bú cần khoảng 1.000-1.200mg canxi.

Canxi có nhiều trong các loại sữa, thủy sản, đậu, rau... Nếu một người ăn uống bình thường không mắc bệnh nào gây giảm hấp thu canxi thì cơ thể luôn đủ canxi. Nhất là ở Việt Nam, cá tôm nhiều và vẫn là thức ăn chủ yếu nên mặc dù chúng ta không có thói quen uống sữa nhưng bù lại thì ăn tôm cá hằng ngày. Trong 100g sữa bò có 120mg canxi, lương thực có 30mg, thịt chỉ có 10-20mg. Các loại đậu giàu canxi như 100g đỗ tương (đậu nành) chứa 165mg, vừng (mè) chứa 120mg canxi. Rau cũng là nguồn cung cấp canxi đáng kể, các loại rau chứa trên 100mg canxi/100g rau gồm: rau muống, mùng tơi, rau giền, rau đay, rau ngót. Nếu ăn nhiều rau quả tươi sẽ tăng lượng vitamin C là yếu tố làm tăng hấp thu canxi.

Tóm lại, để phòng ngừa thiếu canxi thì trong bữa ăn nên có thêm đậu, rau, cá, thủy sản, chẳng những giúp cơ thể không bị thiếu hụt canxi mà còn cung cấp thêm lượng protein, lipit đáng kể.

BS. Thu Hương

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]