Thịt tái, rau sống: coi chừng ngon miệng, hại thân

BV Nhi Đồng 1 (TPHCM) vừa cứu chữa bé gái bị sán lá gan cắn đứt động mạch. Ăn đồ sống, tái… chưa xử lý sạch rất dễ bị nhiễm giun.

15.6097
Trước đó chừng một tháng, bé bị đau bụng, cơn đau dữ dội kèm ói ra máu. Sau một tuần phẫu thuật thắt động mạch gan chống tình trạng mất máu đồng thời điều trị bằng thuốc diệt sán, bệnh nhi hết ói mửa. Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, PGĐ BV Nhi Đồng 1 - TPHCM, loại ký sinh này có trong phân động vật, thịt động vật.
 
Trường hợp nói trên là điển hình của việc nhiễm giun sán hiện nay trong cộng đồng. Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Trưởng Khoa Xét nghiệm - BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh viện này đã điều trị rất nhiều trường hợp tương tự.
 
Ăn đồ sống, tái, rau sống, lẩu hải sản… chưa xử lý sạch rất dễ bị nhiễm bệnh - Ảnh: internet

Thường gặp nhất là các ca nhiễm giun đầu gai. Loại giun này có từ phân chó, mèo, nhiễm vào người do ăn phải nang ấu trùng chứa trong gan, cơ các loài thủy sản nấu chưa chín (như cá lóc, lươn, ếch, rắn…).  Loại ký sinh này khi vào người sẽ thành những khối áp xe di chuyển trên cơ thể người bệnh. Trước đây, chỉ có vài trường hợp lẻ tẻ, song gần đây số người mắc càng nhiều.

TS Siêu cho biết trứng giun đầu gai có trong môi trường, nở thành ấu trùng bơi trong nước, sau đó chui vào cơ, gan của cá, tôm, cua, ếch, lươn, rắn. Người ăn thủy hải sản chứa nang ấu trùng chưa chín, khoảng 1-2 tuần sau, ấu trùng sẽ theo đường máu “chu du” đến gan, não... và sinh khối u di chuyển ở mô dưới da gây đau, ngứa. Thời gian tồn tại của khối u từ vài tuần đến 10 năm. Những bệnh nhân đến điều trị đều có khối sưng đỏ đau dưới da ở vị trí cẳng chân, tay, mắt cá, góc hàm...

Theo GS Trần Vinh Hiển, nguyên trưởng Bộ môn Ký sinh trùng - Trường ĐH Y Dược TPHCM, nếu bị giun đầu gai chui vào gan, phổi, bệnh nhân sẽ đau bụng, khó thở, tức ngực, ho. Nếu chui vào mắt có  thể gây xuất huyết mắt, giảm thị lực, thậm chí mù lòa. Trường hợp nặng, có thể bị hôn mê dẫn đến tử vong.

Các bệnh nhân nói trên đều có thói quen ăn lẩu hải sản. Tại TPHCM, các quận 2, Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình, huyện Củ Chi được ghi nhận có nhiều bệnh nhân nhiễm giun đầu gai nhất. Việc số người mắc bệnh do nhiễm giun ngày càng nhiều cho thấy nguồn thức ăn thủy sản ở nước ta chưa an toàn và tình hình nhiễm bệnh là cần cảnh báo.“Con số trên chỉ là bề nổi, tình cờ phát hiện, thực tế số người mắc bệnh ngoài cộng đồng chưa phát hiện gấp nhiều  lần” - TS Mạnh Siêu khẳng định.          

Một nghiên cứu của TS Trần Phủ Mạnh Siêu cũng cho thấy trong gần 4.000 con lươn hoang dã đã xét nghiệm, có hơn 10% nhiễm ấu trùng giun đầu gai. Tỉ lệ nhiễm này tăng gần 20% vào mùa mưa. Thống kê của BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng cho thấy hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 150-160 bệnh nhân đến khám liên quan đến ký sinh trùng. Vào mùa mưa, số bệnh nhân dạng này tăng cao.

Cách phòng bệnh, theo các chuyên gia về ký sinh trùng, tốt nhất là ăn chín, uống sôi và thường xuyên rửa tay sạch bằng chất sát trùng. Người bệnh nghi ngờ nhiễm giun nên đến các cơ sở chuyên khoa để điều trị, tránh tình trạng lòng vòng nhiều nơi vẫn không bớt bệnh.

 
Theo Nguyễn Thạnh - Người Lao động
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]