Thịt vịt, món ăn bổ dưỡng cho người suy nhược

Thịt vịt là món ăn được nhiều người ưa thích, có lợi cho sức khỏe. Thịt vịt tốt cho người có thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, người thể chất yếu sau khi bệnh.

15.6089

Tác dụng của thịt vịt với sức khỏe

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phần thịt vịt có chứa lượng lớn protein, sắt, canxi, phot pho, vitamin A, vitamin B1, vitamin D… cần thiết cho sức khỏe và quá trình tăng cân.

Chính vì thế, ăn thịt vịt rất có lợi cho sức khỏe.Theo Đông y, thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang  xạ trị, hóa trị).

Ăn thịt vịt có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít, khí hư bạch đới, sản phụ thiếu sữa.

Để khắc phục tình trạng tăng huyết áp, ù tai, váng đầu, chóng mặt, mỗi buổi sáng, nên ăn 1 quả trứng vịt muối. Nếu trộn trứng vịt với bột sò biển để tráng lên ăn thì tác dụng chữa bệnh càng cao.

Bài thuốc chữa bệnh từ thịt vịt

Bài 1: Thịt vịt 250g, củ kiệu 200g, gừng 10g, hành 15g, dầu ăn, gia vị vừa đủ.

Cách làm: Thịt vịt rửa sạch, để ráo nước, chặt miếng vuông khoảng 4cm. Củ kiệu lột vỏ, rửa sạch, để ráo nước. Gừng xắt miếng. Cho dầu ăn và gừng vào xào thơm, bỏ thịt vịt, gia vị vào xào vài phút, đổ vào 2 lít nước, cho hành vào, đun sôi khoảng 30 phút, bỏ củ kiệu vào nấu chín, sau đó vớt bọt, vớt hành ra là dùng được.

Món ăn này có công dụng thanh nhiệt khử phiền, khai vị, ra mồ hôi,... dùng thích hợp khi thời tiết nóng bức, người mệt mỏi, chán ăn.

Bài 2: Vịt 1 con khoảng 1kg, bỏ lòng, làm sạch; vừng đen, ngó sen, đào nhân, tang thầm, hạt khiếm thực, táo đỏ, ý dĩ, mỗi vị 20g.

Cách làm: Cho các vị thuốc vào bụng vịt rồi khâu lại, cho vào bát to, thêm gia vị vừa đủ và một ít nước, hấp cách thủy cho chín, khi ăn tháo chỉ khâu.

Món ăn này có tác dụng bổ thận kiện tỳ, thích hợp với người gầy yếu suy nhược, huyết áp thấp.

Thịt vịt rất tốt cho người bị suy nhược, gầy yếu

Bài 3: Vịt một con 1kg, trần bì 10g, hoàng kỳ 30g. Các gia vị gừng, hành, dầu hạt cải, nước tương, muối, mì chính.

Cách làm: Vịt làm sạch, bỏ lòng, bôi nước tương lên da, rán trong dầu hạt cải, xong rửa sạch dầu mỡ đặt lên đĩa cho vào nồi đất.

Các vị thuốc: trần bì, hoàng kỳ cho vào túi vải nhỏ cho vào nồi. Cho lượng nước xâm xấp, hầm vịt chín, chắt lấy nước đổ lên vịt đã chặt miếng.

Món ăn này rất bổ dưỡng, thích hợp với người tỳ vị hư nhược, chán ăn.

Bài 4: Thịt vịt 200g, đỗ trọng 30g, mộc nhĩ trắng 30g.

Cách làm: Thịt vịt làm sạch, chặt miếng, ướp gia vị cho vào nồi nấu khoảng 30 phút, sau đó cho đỗ trọng và mộc nhĩ trắng đã làm sạch vào nồi, nấu thêm 15 phút là dùng được. Ăn thịt vịt, mộc nhĩ, nước canh, bỏ đỗ trọng.

Món ăn này rất tốt cho người bị tăng huyết áp, đau đầu chóng mặt, suy nhược, mất ngủ.

Bài 5:  Thịt vịt nạc 300g băm nhỏ, ướp gia vị, nước mía 300ml, gạo tẻ 100g.

Cách làm: Cho tất cả vào nồi ninh nhừ thành cháo, ăn nóng. Ăn thường xuyên món cháo này rất tốt cho người bị hen suyễn, mệt mỏi, gầy sút.

Món ăn ngon từ thịt vịt

Báo điện tử VTV cho biết, dưới đây là những món ăn ngon, bổ bạn nên bổ sung trong thực đơn hàng ngày.

Vịt hầm nhân sâm, bạch quả, liên nhục, đại táo

Vịt 1 con, đại táo, liên nhục, bạch quả, cả 3 vị thuốc đều lấy 49 quả, nhân sâm 3g. Vịt làm sạch, đại táo tách bỏ hạt, liên nhục ngâm bóc bỏ vỏ và tâm sen, bạch quả bỏ vỏ và ruột, nhân sâm thái lát nhỏ vụn.

Dùng rượu, tương và dầu quét đều ngoài da và trong bụng vịt, sau đó cho cả 4 vị thuốc vào bụng vịt, khâu lại, hầm chín. Khi ăn, thêm gia vị thích hợp. Dùng cho trường hợp thiếu máu, suy nhược, nuôi dưỡng kém.

Vịt hầm đậu đỏ

Nên đọc

Vịt 1 con, đậu đỏ nhỏ hạt 200g, thảo quả 10g, hành sống liều lượng thích hợp. Vịt làm sạch, đậu đỏ xay ngâm mềm đãi sạch, thảo quả tán nhỏ; cả 2 dược liệu cùng cho vào bụng vịt khâu lại, thêm nước, đun to lửa cho sôi chuyển đun nhỏ lửa cho chín nhừ, thêm hành, tiêu, gừng và gia vị (tốt nhất không nên cho muối).

Dùng cho trường hợp đau đầu, chóng mặt nôn ói, phù nề, tiểu ít.

Vịt hầm sa sâm ngọc trúc

Vịt 1 con, sa sâm, ngọc trúc mỗi thứ đều 50g. Vịt làm sạch, tất cả được bỏ vào nồi, thêm nước, hầm chín, bỏ bã thuốc, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp âm hư miệng khô khát nước, táo bón, bệnh đái tháo đường.

Vịt hầm tỏi

Vịt 1 con, tỏi 30g, vịt làm sạch, tỏi đập giập cho vào bụng vịt khâu kín, đun cách thủy cho chín, sau khi vịt chín, đặt sang xoong khác, thêm gừng tươi, bột tiêu, hành sống, gia vị và lượng nước sôi thích hợp, đun tiếp trong 30 phút là được. Dùng cho các trường hợp phù nề tiểu ít.

Vịt hầm trùng thảo

Vịt 1 con, đông trùng hạ thảo 10g. Vịt làm sạch, đông trùng hạ thảo, gừng, hành cho trong bụng vịt khâu lại, cho muối tiêu, gia vị (thường thêm chút rượu), đặt trong nồi áp suất, hoặc nồi cách thủy, thêm ít nước đun nhỏ lửa trong 2 giờ cho chín nhừ.

Dùng cho các trường hợp ho suyễn vã mồ hôi, đau lưng, di tinh do âm hư.

Mỹ Linh

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]