‘Thơ trẻ 360 độ’ đa giọng điệu, nhiều phong cách

Tập thơ của các nhà thơ trẻ phản ánh nhiều góc độ cuộc sống và tình cảm thanh niên hiện đại với sự bứt phá táo bạo đã nhận được nhiều lời khen ngợi của giới phê bình.

0

Ngọc Trần - 

Nhóm thơ trẻ 360 độ trong Ngày thơ Việt Nam 2009. Ảnh: Hoàng Hà.

Tập Thơ trẻ 360 độ giới thiệu 40 bài thơ của 8 tác giả trẻ Nguyễn Anh Vũ, Lữ Thị Mai, Huyền Minh, Nguyễn Quang Hưng, Điệp Giang, Lệ Bình Quan, Thụy Anh và Nguyễn Phan Quế Mai. Những cái tên còn rất lạ lẫm với làng thơ, nhiều người trong số họ mới “trình làng” tập thơ duy nhất. Họ là tám gương mặt xuất hiện lần đầu trên Sân thơ Trẻ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Ngày thơ Việt Nam vừa qua. Chưa từng gặp nhau cho tới khi cùng tham gia sân chơi trẻ của Ngày thơ Việt Nam 2009 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), 8 cây viết trẻ sau đó vẫn tiếp tục mối duyên thơ chứ không bị tan rã như những nhóm trước, cùng ra chung tập Thơ trẻ 360 độ, và lấy tên đó làm tên cho nhóm.

Tuy không thể đại diện cho tất cả các nhà thơ thời đại @, Thơ trẻ 360 độ vẫn phản ánh nhiều góc độ thơ, góc độ nhìn của người trẻ, với hai thái cực: hiện tại - quá khứ, sáng - tối, nông thôn - thành thị, hoài niệm - thực tế hối hả. Một Nguyễn Quang Hưng bám rễ sâu vào đời sống làng quê với lễ hội dân gian truyền thống đầy truyện xưa, tích cũ: Tóc pha sương phủ sông Hồng, mây Đáy / Xúy Vân chạnh lòng biết nói năng chi… Về bãi Tự Nhiên vùi mình trong cát / Đợi em ngự duyên hoàng hậu ngược dòng… (“Tìm Tấm”). Một Nguyễn Phan Quế Mai cuồn cuộn tư duy hiện đại và công nghiệp: Úp mặt vào ngày / Ngày cuốn em đi bằng email điện thoại / Những con chữ chạy / Đuổi theo em theo em (“Vòng xoáy”). Một Lữ Thị Mai mềm yếu, khao khát yêu thương của thanh xuân: Giấc mơ không về trên cánh hoa mong manh / Phím ngày lãng quên / Bung ra nỗi nhớ / Bung ra nào giấc ngủ người tình (“Bung”). Một Nguyễn Anh Vũ bạo liệt và cuồn cuộn: Xin lỗi những giấc mơ / Tao sẽ mang đến những chân trời mây trắng / hoặc sẽ mang đến nhà thổ, nhà xia, nhà xác / hoặc ngủ một giấc ngủ không mộng mị / chúng mày chết ngay (“Xin lỗi”). Một Huyền Minh thẳng tính, thật thà, phóng khoáng trao yêu thương không so tính như cô gái vùng cao: Ăn mèn mén bằng muôi gỗ / Uống nước đun bằng ấm đồng / Thương anh / Em giữ lửa suốt mùa đông (“Điều giản dị”). Một Lệ Bình Quan kín đáo, giàu suy tư với tình yêu: Mở mắt thì nhìn: Nhìn sâu ngực buốt / Em nuôi ta lớn / Rồi vào cấm cung / Thành quách cửa đóng / Còn một mình / Ta rét cả mùa đông (“Cánh đồng tuổi nhỏ”). Một Điệp Giang lúc nào cũng dùng dằng những lo toan, phấp phỏng đàn bà: Tháng năm nằm giữa lá bay / Lũ ve lại gọi những ngày mùa đông / Tiếng cười biết có còn trong / Một người biết có đợi không, một người (“Tháng 5”). Một Thụy Anh trầm tính, trải đời đầy chiêm nghiệm: Tình núi đá tưởng bền mà không phải / Đá gục bên đường, nắng nhanh tàn / chỉ mây là mãi mãi không tan (“Hoa đá”).

Nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng được dư luận chú ý khi xuất bản tập thơ "Vườn ánh sáng". Ảnh: Phongdiep.

Tám nhà thơ, tám tính cách đã dung hòa, đưa đến một hình dung tương đối cụ thể về thế hệ trẻ: vừa cố gìn giữ truyền thống tốt đẹp, vừa khao khát hòa mình vào thế giới mở. Một số giữ lại âm vần, số khác tìm sự cách tân bằng cách vượt qua quy luật câu ngắn, câu dài, bằng cách chơi chữ hiện đại, táo bạo có phần suồng sã (Trăng (cầy) tơ / Tôi chẳng bao giờ ăn thịt chó… Hàng xóm cũng có con Cún đi hai chân / Nói sau này sẽ thi hoa hậu / Tôi đã xin vui một phần/ hay phân?), bằng cách đặt tiêu đề, ngẫu nhiên rời rạc không biểu lộ nội dung bài ("FF3", "FF (n+1)" của Điệp Giang, "Tấu khúc IV", "Phụ lục 4" của Dương Bình Quan). Sự cách tân chưa hẳn đã hay, đã nhận được sự hưởng ứng. Nó khiến khán giả tò mò, thắc mắc và cho thấy cách nghĩ mới của thế hệ @ với những ký tự được sử dụng chỉ theo sự mã hóa của cá nhân.

Về những cách tân này, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét: “Thơ trẻ 360 độ phù hợp với xu thế thời đại phát triển công nghệ thông tin hiện nay và nó cũng nói lên sự đa giọng điệu, nhiều phong cách thơ của các nhà thơ trẻ. Như vậy, trong thơ hiện đại có thể chấp nhận cả thơ truyền thống, thơ phá cách, thậm chí cả thơ thiền. 360 độ là để thể hiện nhiều góc độ thơ như thế”.

Với nhà thơ Nguyễn Quang Quý, việc các gương mặt thi ca trẻ vượt qua quy luật câu ngắn câu dài giống như việc “vượt qua sự loanh quanh chiếc váy đàn bà để tìm đến một diện mạo mới, mà không giả tạo”. Trong khi đó, nhà thơ Vũ Quần Phương lại đánh giá: “Thơ trẻ 360 độ trưng bày được nhiều ý lạ nhưng không mơ hồ, khó hiểu, mà luôn tươi tắn, gần gũi không làm người đọc mệt hay có cảm giác “bị mẹ mìn bịt mắt”.

Đánh giá của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi cho thấy Thơ trẻ 360 độ đã chứng tỏ được những nỗ lực và sự thành công bước đầu trên con đường thơ của 8 gương mặt trẻ. Tập thơ cho thấy các nhà thơ trẻ Việt Nam đã có ý thức trong khám phá và đổi mới hình thức biểu hiện, táo bạo trong dùng câu chữ và đầy hăm hở trên hành trình sáng tạo.

Ngọc Trần

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]