Thoái khớp, bệnh không của riêng ai

Thoái khớp vẫn là nhóm bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh về khớp và trong những năm gần đây bệnh có chiều hướng gia tăng vì tuổi thọ con người ngày càng cao. Bệnh gây đau đớn, làm giảm chất lượng sống và có thể phối hợp với nhiều bệnh khác như loãng xương, cao huyết áp, suy tim, tiểu đường, suy thận... khiến cho việc điều trị càng thêm khó khăn

15.5986

Tại Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, năm 2002 lượng bệnh nhân nhập viện tăng đến 138% so với năm 2001, trong đó các bệnh thoái khớp (TK) vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất: trên 30%! Tại Khoa Cột sống A Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, trong 400 ca mổ cột sống hằng năm, 2/3 là bệnh lý chỉnh hình, trong đó phần lớn là thoái hóa cột sống và lượng bệnh năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Chưa có một nghiên cứu nào về thiệt hại của TK ở nước ta, nhưng tại Mỹ thì hằng năm bệnh này làm thiệt hại 70 triệu ngày công lao động và trên 10 tỉ đô la chi phí điều trị!

TS-BS Lê Anh Thư, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp, cho biết TK là tình trạng sụn khớp hay đĩa đệm cột sống bị ăn mòn, vôi hóa bề mặt tiếp xúc giữa sụn và xương, lâu ngày tổ chức sụn bị biến mất chỉ còn trơ lại xương. TK là hiện tượng tất yếu của quá trình lão hóa các tổ chức sụn, tế bào, tổ chức ở khớp và được thúc đẩy nhanh bởi yếu tố áp lực (áp lực tăng hoặc phân bố không đồng đều). Đáng tiếc là tại nước ta, yếu tố này thường bị bỏ qua khiến bệnh ngày một gia tăng. Những yếu tố áp lực thường gặp là tình trạng gù, vẹo cột sống ở trẻ con do tư thế ngồi học không đúng; hiện tượng tăng lực tì đè kéo dài lên sụn khớp do mập quá, do nghề nghiệp (mang vác nặng, cúi lâu ở một tư thế...) hoặc do thói quen xấu (ngồi xổm, đứng không đúng cách...) trong lao động và sinh hoạt.

Theo TS-BS Lê Anh Thư, TK thường bắt đầu bằng triệu chứng đau khớp âm ỉ, diễn biến từng đợt và có xu hướng tăng dần. Vị trí đau là ở các khớp chịu lực tì đè (cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp gối, khớp cổ chân, khớp háng...). Buổi sáng bệnh nhân thường thấy cứng khớp và khó cử động. Khớp có thể bị biến dạng do hiện tượng mọc thêm xương (gai xương), phù nề tổ chức quanh khớp. Một tiến bộ đáng lưu ý nhất trong điều trị TK gần đây là sự xuất hiện nhóm thuốc bồi dưỡng hay bảo vệ sụn khớp. Thuốc có tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho sụn, giúp sụn hấp thu chấn động, ức chế tác động hủy hoại sụn khớp của những chất có hại. Thuốc phải dùng lâu dài và có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Để chữa đau khớp, một trong những sai lầm thường gặp trong dân gian là sử dụng tùy tiện nhóm thuốc corticosteroid. Khi uống thuốc này, triệu chứng đau sẽ giảm ngay, nhưng lâu ngày sẽ dẫn đến loãng xương, các biến chứng tiêu hóa, suy thận, cao huyết áp, tiểu đường, đục thủy tinh thể...

Phan Sơn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]