Thói quen của các tiểu thuyết gia nổi tiếng

Tiểu thuyết là thể loại văn chương mà không phải bất kỳ ai muốn cũng có thể làm được. Và công việc này càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều lần đối với những ai muốn trở thành một nhà tiểu thuyết lớn thực thụ.

15.5934

Tiểu thuyết là thể loại văn chương mà không phải bất kỳ ai muốn cũng có thể làm được. Và công việc này càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều lần đối với những ai muốn trở thành một nhà tiểu thuyết lớn thực thụ. Vì thế, có thể nói rằng có hàng trăm, hàng ngàn người đã từng cầm bút viết tiểu thuyết, nhưng những người thành công về lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì sao vậy?

 Margaret Atwood.
Những thói quen... không giống ai

Cây đại thụ tiểu thuyết người Canada Ma-ga-rít Ét-uốt (Margaret Atwood) có một quan niệm hết sức lạ khi bà tâm sự: Đặt tay trái lên bàn. Để tay phải tự do trong không khí. Ngồi như thế đủ lâu, bạn sẽ có một cốt truyện. Thế nhưng đến khi có người hỏi là một trong 13 cuốn tiểu thuyết của bà, cuốn nào được viết ra bằng cách ấy. Bà trả lời thản nhiên: Không, tôi chưa bao giờ phải dùng đến cách đó cả.

Thường thức dậy lúc 4 giờ sáng, bật đèn lên viết, đấy là thói quen của nhà văn người Mỹ Ni-sô-xơn Bây-kơ (Nicholson Baker). Dù trời vẫn còn tối, nhưng ông không bao giờ bật đèn mà chỉ bật màn hình láp-tốp màu đen và chọn phông chữ màu xám. Ông cho rằng viết trong trạng thái "mơ mộng" như vậy rất thú vị. Sau khi viết được vài tiếng đồng hồ, ông lại lên giường ngủ tiếp. Ông còn thích đọc to những gì cần viết vào một chiếc máy ghi âm, sau đó chuyển âm thanh đó vào một đoạn băng và chuyển thành bản thảo.

Còn tác giả từng đoạt Giải Nô-ben văn học năm 2006 người Thổ Nhĩ Kỳ Óc-han Pa-múc (Orhan Pamuk), dù là một nhà văn sống trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, nhưng ông lại luôn có thói quen sáng tác bằng cách viết tay lên những trang giấy kẻ ô li.

Mỗi buổi sáng khi thức dậy, viết văn là cảm hứng đầu tiên và thường trực đối với nhà văn ở đảo quốc sương mù Hi-la-ry Man-teo (Hilary Mantel), mặc dù bà vẫn có thói quen uống cà phê buổi sáng như mọi người. Nhưng trước khi uống cà phê, ăn sáng, nữ nhà văn này luôn có thói quen ghi lại những ý nghĩ, hoặc giấc mơ của mình đêm qua còn đọng lại trong trí nhớ. Bà thích ghi chép, dù cho những điều ghi chép đó có khi là ngớ ngẩn, nhưng sẽ không bao giờ bị bỏ đi, nếu như chúng chưa được "nhét vào" một chỗ nào đấy hợp lý trong tiểu thuyết của bà.

Với U-phơ Hôn (Wolf Hall), khó khăn nhất đối với nhà tiểu thuyết là giải quyết một cách thấu đáo, hợp tình hợp lý giữa những sự kiện lịch sử và các chi tiết hư cấu. Làm được điều đó, tất cả những việc còn lại sẽ không có gì là quá khó khăn.

Tiểu thuyết gia Nhật Bản, Ka-du-ô I-si-gu-rô (Kazuo Ishiguro) có một trong số 6 cuốn tiểu thuyết ông đã giành giải Búc-kơ (Booker) tâm sự, giọng kể đóng vai trò quan trọng nhất để tạo nên thành công của tác phẩm. Bởi lẽ trong hầu hết tiểu thuyết của ông đều được kể từ ngôi thứ nhất.

Đối với nhà văn sinh ra tại thủ đô Colombo, Xơ-ri Lan-ka (Sri Lanka) Mai-cơn On- đa-ti (Michael Ondaatje), thì từ ngữ không phải là một thử thách quá lớn trong việc viết lách của ông. Nhưng điều khó khăn nhất là sắp xếp chúng làm sao cho nó "có hồn" để tạo nên hiệu ứng tối ưu đối với người đọc.

Một nhà văn Mỹ khác là Giu-nô Đi-át (Junot Diaz) đã từng đoạt giải thưởng thể loại văn chương báo chí Pu-lít-dơ Prai-dơ (Pulitzer Prize) cho rằng 90% ý tưởng của ông bị bay hơi lúc nào không biết, vì ông là người có trí nhớ vô cùng kém, nhưng lại rất lười, không bao giờ chịu ghi chép. Ông không thích nhồi nhét hết mọi thứ vào đầu, nên ông thường viết rất chậm, vừa viết vừa phải nghĩ một cách khổ sở. Ông có thói quen nghe nhạc phim trong khi viết, nhiều khi ông ghi chuyển luôn cả đoạn nhạc phim mà mình ưa thích thành lời thoại của nhân vật tiểu thuyết.

 Hilary Mantel.
Chỉnh sửa và kiên quyết cắt bỏ những gì chưa hài lòng

Ngoài tiểu thuyết, Margaret Atwood còn là người thành công ở nhiều thể loại khác như thơ, truyện ngắn, tiểu luận, phê bình văn học. Bà đã không ít lần vứt bỏ một cách không thương xót những cuốn tiểu thuyết cảm thấy không hài lòng, mặc dù chúng đã được viết tới 200 - 300 trang.

Nicholson Baker còn có thói quen hóa trang và đóng vai nhân vật của mình, rồi quay vào camera cả hình và tiếng. Sau đó, chỗ nào chưa ưng ông đem ra chỉnh sửa lại rồi mới cho chuyển sang dạng văn bản ngôn ngữ trên giấy.

Theo Junot Diaz, nhiều khi ý nghĩ chủ quan lại không phải là ngôn ngữ, giọng điệu của nhân vật, nên ông đã từng vứt bỏ hàng trăm trang sách sau khi viết xong.

Đối với nhà văn Michael Ondaatje thì khi nào không tìm ra cách "giải thoát" cho từ ngữ thì ông bỏ ngắt quãng, viết sang đoạn khác. Cốt truyện thường đến với ông từ những tình huống nhỏ không có vẻ gì là quan trọng. Tuy nhiên từ tình huống đó dẫn đến hình thành cốt truyện và viết nó ra là cả một quá trình cực kỳ tù mù khiến ông phải sửa đi, sửa lại nhiều lần. Ông bắt tay vào viết khi chỉ mới biết được câu thứ nhất, còn câu thứ hai vẫn đang treo lơ lửng ở đâu đó, nhưng ông vẫn viết, mặc cho nhiều nhà văn chỉ viết khi biết được câu cuối của tiểu thuyết là như thế nào.

Như một cách tự nhiên, Orhan Pamuk chỉ viết một mặt giấy, còn mặt kia tiện dùng để sửa chữa. Ông đã chia sẻ rằng ông đã từng sửa đi, sửa lại từ 50-100 lần câu đầu tiên, bắt đầu cho cuốn tiểu thuyết của mình. Theo ông, điều này thường là khó nhất. Nếu vượt qua được nó, coi như cuốn tiểu thuyết đã thành công hơn một nửa. Cứ viết được trang nào ông chuyển cho thư ký đánh máy, và chỉ trong một thời gian rất ngắn, thư ký chuyển lại cho ông để ông tiếp tục sửa chữa. Cứ làm đi làm lại như vậy từ 3 đến 4 lần ông mới tạm yên tâm. Ông còn cho biết thêm, bất cứ ở đâu, lúc nào cũng có thể viết văn, miễn là có cảm hứng, nếu không, ông kiên quyết sẽ không hạ bút viết. Ông luôn có thói quen chỉnh sửa bằng bút chì và không ngoại trừ có lúc ông cắt bỏ hàng trăm trang không hề thương tiếc, nếu thấy không hài lòng.

Kazuo Ishiguro lại thường viết một vài chương để "thử giọng" rồi đem chỉnh sửa cho đến khi nào cảm thấy thật hài lòng mới bắt tay vào viết chính thức cuốn sách. Giọng kể, cảm xúc hay hồi ức của nhân vật ở ngôi thứ nhất tạo nên độ tin cậy cao đối với người tiếp nhận tác phẩm.

Còn Wolf Hall, người đã từng có một cuốn tiểu thuyết lịch sử đoạt giải Booker 2009. Tuy nhiên bà đã phải chỉnh sửa một cách thật sự khổ sở mất 5 năm mới hoàn thành cuốn tiểu thuyết này.

Thế mới biết văn chương nói chung và tiểu thuyết nói riêng, nghề viết thường chẳng ai giống ai. Kinh nghiệm đối với người này là rất hay, nhưng đối với người khác lại có thể hoàn toàn ngược lại.    

Ngọc Tâm

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]