Thomas Edison: Từ bán rau, rao báo trở thành nhà phát minh kỳ tài

Với tính cách nghĩ là làm khi còn nhỏ, Thomas Edison đã làm nhiều việc từ bán rau đến bán báo, miễn sao là có thể kiếm được tiền phục vụ cho sở thích nghiên cứu và phát minh của mình.

15.5668

Nội dung nổi bật:

- Khi bé, ngoại trừ nghiên cứu, Edison có một sở thích khác là kiếm tiền.

- Và công việc mà ông làm trước khi bước vào sự nghiệp phát minh là bán rau, bán báo và làm chủ báo.


Có lẽ, Edison là nhà phát minh có nhiều ý tưởng nhất và cũng sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất từ trước tới nay. Ông là thiên tài thật nhưng để có được chức danh ấy hoàn toàn đến từ khả năng làm việc chăm chỉ chứ không phải do bẩm sinh.

Edison từ bé đã có tư chất không vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa, thậm chí còn được nhà trường đánh giá là không thể học nỗi. Tuy vậy, khả năng làm việc chăm chỉ để theo đuổi sở thích đã bù đắp cho ông. Edison sẵn sàng bán rau, bán báo để có thể theo đuổi đam mê nghiên cứu của mình. Thực tế, đã xảy ra đúng như vậy.

Thời niên thiếu bán rau và báo của nhà phát minh Edison

Thuở bé, Edison đã tỏ ra là một người khác biệt. Hồi bảy tuổi, trí nhớ ông rất kém, học cái gì quên cái đó, luôn luôn đội sổ, rất biếng học và thích nghịch ngợm. Khi ở trường thì hết mơ mộng rồi quay sang nói chuyện với bạn làm cho thầy giáo thất vọng. Vì thế, ông được xếp ngồi gần bàn thầy giáo nhất, một vị trí chỉ dành cho những học sinh yếu.

Edison chỉ học tại trường làng tầm ba tháng rồi phải nghỉ. Ở nhà, Edison được mẹ dạy học. Ông học ở nhà cũng được ba hay bốn năm rồi thôi. Môn học mà ông thích nhất là hóa học và ông cũng có đầu óc rất thực tế.

Khi được mười hai tuổi, Edison có công việc đầu tiên là bán rau cho những nhà hàng xóm trong khu phố của ông. Tận dụng khu đất trống sau nhà, Edison nảy ra ý tưởng sẽ trồng rau tại đây và đem đi bán kiếm tiền. Dành dụm được một số tiền kha khá, biếu mẹ một phần, phần còn lại ông mua sách và các dụng cụ thí nghiệm hóa học.

Người hỏi mua rau mỗi ngày một nhiều nhưng sức ông trồng không được mấy, Edison bèn nảy ra ý tưởng sẽ buôn rau. Thoạt đầu, bố mẹ ông tỏ vẻ không chịu vì ông khi này mới mười hai tuổi nhưng do năn nỉ quá, song thân ông đành phải cho.

Edison bắt xe lửa từ nhà đến Detroit để thu mua rau. Ở một nơi xa lạ và đông đúc, Edison thu mua rau xong rồi còn thì giờ lang thang hết phố phường, ngắm nhà cửa xe cộ tấp nập qua lại cho đến khi tàu chạy.

Nhưng đi lang thang hoài cũng chán, ông bắt đầu nảy ra ý tưởng tham gia vào một hội thanh niên tại Detroit để có thể mượn sách trong thư viện. Không những thế, ông còn xin thêm chân bán báo tại công ty xe lửa nhằm gia tăng thu nhập và nhờ vậy mà ông không phải mất tiền vé xe lửa mỗi khi mua rau.

Công ty xe lửa giao cho Edison bán tờ Detroit Free Press cho hành khách trên tàu và tại nhà ga. Có thể khi đi học ông không nổi trội nhưng khả năng làm việc thực tế của Edison lại được đánh giá cao. Edison làm rất tốt việc bán báo đến nỗi công ty xe lửa dành riêng cho ông một toa kho hàng để chứa rau và ông cũng tận dụng nó để thực hành những thí nghiệm hóa học của mình.

Công việc thuận lợi, Edison gom góp đủ tiền để mua một chiếc máy in cũ để có thể sản xuất và phân phối một tờ báo của chính mình. Lúc này, Edison mới mười lăm tuổi, nhưng ý tưởng làm chủ một tờ báo trên toa xe lửa càng làm ông háo hức chứ không thể ngăn cản quyết tâm của ông.

Tờ báo lấy tên là Weekly Herald, mỗi tuần ra một số. Tòa soạn chính là toa chở hàng trên xe lửa. Edison với vai trò làm giám đốc sẽ làm tất cả mọi việc như vừa làm chủ bút, vừa làm thợ sắp chữ, thợ in, vừa lấy tin tức vừa quảng cáo, vừa viết vừa phát hành. Vì thế, báo của ông chỉ in hai trang và giá bán là 3 xu một tờ.

Không biết báo bán có chạy không, nhưng ở Luân Đôn đã có tiếng vang về nó. Tờ Times, lớn nhất ở Luân Đôn thời đó đã nhắc tới “công ty một người” này bởi vì chưa có tờ báo nào in trong một toa xe lửa và chủ báo phải đảm đương nhiều chứa vụ như thế.

Nhưng chẳng bao lâu, tờ báo bị giải thể do một sự cố lớn xảy ra khi Edison làm thí nghiệm hóa học rồi bất cẩn làm cháy cả tòa soạn của mình. Vì thế, công ty xe lửa không cho ông làm trên tàu của họ nữa.

Nhưng Edison không thất vọng. Thật vậy, thực tế là ông không biết nản chí là gì. Lần thất bại đó là lần đầu, sau này ông còn thất bại thêm nhiều lần nữa, mà lần nào cũng vậy. Cứ sau mỗi thất bại, ông càng hăng hái thêm một chút.

Ngưng nghề làm báo và bán rau, Edison học nghề điện tín và chằng lâu sau ông làm điện tín viên ở nhiều công ty khác nhau nhưng chưa bao giờ ông thay đổi thói quen phát minh và thí nghiệm hóa học.

Những bước đi đầu tiên vào lĩnh vực sáng chế

Phát minh đầu tiên của Edison là máy ghi số thăm (máy ghi kết quả của cuộc bỏ phiếu), nhưng chính phát minh này lại là thất bại đầu tiên trong sự nghiệp sáng chế của ông. Nguyên do, là ông đã tiêu rất nhiều vốn vào phát minh này nhưng lại không bán được nên đành ra trắng tay vào năm 22 tuổi.

Tuy vậy, biến cố đó cũng chẳng ảnh hưởng đến ông. Mặc dù rất thích kiếm tiền khi còn trẻ nhưng việc kiếm tiền chỉ là phương tiện để Edison theo đuổi mục đích và sở thích riêng đó là phát minh, chứ không phải động cơ làm giàu.

Rồi thần tài bắt đầu gõ cửa khi phát minh thứ hai của ông là máy điện tín in được dấu có thể bán sử dụng và bán được. Khách hàng đầu tiên mua phát minh của Edison là Tướng Lefferts.

Ban đầu, Edison chỉ định bán với giá từ 5000 đến 3000 Mỹ kim (1đô la tương đương 1 Mỹ kim). Nhưng khách hàng là một vị chức cao vọng trọng nên thành thử ra ông hỏi ý kiến Tướng Lefferts có thể mua được với giá nào. Lefferts nói rằng chiếc máy này có giá 40.000 Mỹ kim thì hợp lý.

Đây là một con số ngoài sức tưởng tượng của Edison nên ông nhanh chóng đồng ý.

Và chính vụ giao dịch đầu tiên này là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát minh bởi nó mang đến cho Edison thành công trên nhiều phương diện. Ngoài số tiền lớn hơn mong đợi, nó còn bù đắp thêm niềm tin cho ông rằng những phát minh của ông hoàn toàn có thể được mọi người trên khắp thế giới sử dụng đến. Đó chính là bệ phóng giúp ông thành công hơn trên sự nghiệp phát minh sau này mà khởi đầu chỉ là anh bán rau tại khu phố.

Đinh Lộc

Theo Trí Thức Trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]