Sự tức giận

Khi bạn tranh cãi với ai đó, chính bản thân bạn có thể cảm thấy được mình đang “tăng nhiệt”, nóng mặt, nóng đầu, nóng tai…. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH bang Ohio (Mỹ), nếu bạn tranh cãi khoảng nửa giờ đồng hồ, có thể khả năng hồi phục các chức năng của cơ thể bạn sẽ bị chậm lại ít nhất một ngày.
 
Nhóm các nhà khoa học này cũng phát hiện ra rằng thời gian để hồi phục những vết thương của người thường xuyên cãi nhau thường chậm hơn so với người bình thường tới hai lần. Khi tiến hành đeo một thiết bị kiểm tra nhỏ lên cánh tay của những cặp vợ chồng, từ số liệu thu thập được, các nhà khoa học nhận thấy những cặp vợ chồng không hoặc ít khi cãi nhau có tỉ lệ hồi phục các vết thương cao hơn 60%.
 
Tỉ lệ này được các chuyên gia tính toán dựa trên sự tăng lên của chất Interleukin – 6, một loại protein làm suy giảm hệ thống miễn dịch có thể gây bệnh viêm khớp và bệnh tim.

Sự căng thẳng (Stress)

Theo giáo sư Robert Sapolsky, một chuyên gia đầu ngành về sinh học thuộc ĐH Stanford (Mỹ) thì những áp lực có thể khiến con người ta rơi vào trạng thái “đấu tranh hoặc buông xuôi”. Ông giải thích rằng những hormone gây stress nếu bị duy trì ở cấp độ cao có thể làm suy giảm trí nhớ và khiến các hành động của bạn thiếu tính chuẩn xác. Điều này khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi và suy sụp.
 
Những người bị stress kinh niên cũng bị tăng lượng glucose trong máu khiến tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và tiểu đường. Trong một nghiên cứu gần đây của trường ĐH London (Anh) thì stress còn làm tăng lượng cholesterol trong cơ thể – một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh tim.

Tình yêu thương

Yêu thương là cảm xúc mà mỗi người trong chúng ta đều mong muốn được đón nhận mỗi ngày. Mới đây, các nhà khoa học còn phát hiện thêm nhiều lý do khiến mọi người nên… yêu thương lẫn nhau. Cảm xúc yêu thương có thể làm tăng trí nhớ và sự bình yên trong tâm hồn mỗi người.
 
Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Pavia (Italy) phát hiện ra rằng yêu thương tăng cường sự liên kết giữa các neuron thần kinh. Loại hormone được sinh ra trong cảm giác yêu thương giúp tái tạo hệ thống thần kinh và tăng cường trí nhớ nhờ vào việc phát triển các tế bào não mới. Cảm giác được yêu và quan tâm khiến bạn cảm thấy bình yên trong tâm hồn và cả cơ thể.

Tuy nhiên, một phát hiện khác của các nhà khoa học có thể khiến bạn… cụt hứng. Đó là loại hormone này sẽ sụt giảm sau 12 tháng. Điều này có nghĩa là cảm giác lãng mạn của tình yêu sẽ có xu hướng bị “xói mòn” theo thời gian và thay vào đó là những thực tế trần trụi của cuộc sống.

Nụ cười

Các nhà khoa học thuộc ĐH California (Mỹ) khẳng định rằng cười giúp con người thả lỏng các múi cơ, giảm tỉ lệ sản xuất các hormone gây stress, giảm cao huyết áp và giúp tăng cường lượng ôxi trong máu. Các bác sĩ chuyên khoa tim tại Trung tâm Y khoa Đại học Maryland (Mỹ) phát hiện ra rằng tiếng cười còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ vào việc kiềm chế những cơn nóng giận và stress không mong muốn.
 
Khi bạn cười có tới 400 hệ cơ trong cơ thể chuyển động, điều này còn giúp bạn đốt cháy nhiều năng lượng. Các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng nếu cười 100 lần sẽ tương đương với việc tập aerobic cường độ cao trong vòng 10 phút hoặc đạp xe đạp 15 phút. Vậy tại sao chúng ta không mỉm cười mỗi ngày!

Sự ghen tị

Ghen tị là loại xúc cảm đầy… quyền năng. Ghen tị khiến huyết áp bạn tăng nhanh, làm giảm sự miễn dịch, khiến bạn lo âu và mất ngủ. Thông thường, đàn ông thường xuất hiện cảm giác ghen tị với những đối thủ cạnh tranh bạn tình của mình, còn phụ nữ thì cảm giác ghen tị thường xuất hiện khi nghi ngờ mình đang bị lừa dối.

Khóc

Khi bạn khóc đồng nghĩa với việc bạn đang bộc lộ những cảm xúc nặng nề nhất đè nén trong tâm trạng mình. Tiến sĩ hóa sinh người Mỹ William Frey cho biết, khi khóc lượng hormone gây stress sẽ tăng lên dễ dẫn tới huyết áp thấp, rối loạn mạch đập và ảnh hưởng tới kết cấu não bộ.
 
Tiến sĩ Frey kết luận rằng việc khóc giúp loại bỏ cảm giác căng thẳng. Ông cho biết sự xuất hiện của loại chất sinh ra khi khóc giúp bạn loại bỏ những trạng thái căng thẳng không cần thiết. Tuy nhiên sau đó, cơ thể của bạn dễ rơi vào tình trạng suy giảm miễn dịch và suy giảm trí nhớ điều này cũng có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Lòng biết ơn

Cảm giác biết ơn với bất cứ điều gì mà bạn nhận được, chẳng hạn như biết ơn một người bạn, biết ơn vì một cơ hội cho sự thăng tiến của bạn, hoặc đơn giản là biết ơn vì bạn tồn tại trên đời cũng góp phần thúc đẩy khả năng miễn dịch của cơ thể, giảm nguy cơ cao huyết áp và khiến việc hồi phục các vết thương nhanh hơn bình thường.
 
Tiến sĩ Rollin McCraty thuộc Viện nghiên cứu HeartMath ở Mỹ phát hiện ra rằng, giống như yêu thương, cảm giác biết ơn và thỏa mãn giải phóng hormone Oxytocin – loại hormone làm tăng tốc độ dẫn truyền trong não bộ. Tiến sĩ McCraty cho biết đây là loại hormone bí mật giúp “triệt tiêu” căng thẳng bằng cách khiến hệ thần kinh cảm thấy được “vuốt ve”. Hơn thế, cảm giác biết ơn còn giúp sự liên kết giữa tim và bộ não hài hòa hơn và từ đó khiến những bộ phận trong cơ thể hoạt động có hiệu quả hơn.

Sự vuốt ve

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng một cái ôm bất chợt cũng có thể đẩy lùi được stress và thậm chí giúp chống lại tác động của tuổi tác. Theo bác sĩ Hyla Cass, Giáo sư về bệnh tâm thần thuộc ĐH California (Mỹ), hormone Oxytocin khiến các cặp đôi tăng ham muốn được đụng chạm và vuốt ve nhau. Hành động này giải phóng DHEA, loại hormone tiết tố nội sinh giúp chống lại dấu hiệu tuổi già, giảm stress và tăng cường khả năng tái tạo tế bào của cơ thể.  Ở một số bệnh viện tại Mỹ, những bệnh nhân vừa trải qua các cuộc phẫu thuật tim thường được mát-xa để giảm thời gian bình phục và giảm nguy cơ gặp tai biến sau mổ.

Theo Hải An - Thục Anh (Giadinhnet/ Marie Claire)


Video đang được xem nhiều