Thú vị với những "diện mạo" khác của các ca khúc hit đình đám

(Dân trí)- Những ca khúc đặt lời Việt như Say tình, Bình minh sẽ mang em đi... đã trở thành "Hit" của Đàm Vĩnh Hưng trong thời gian dài. Bạn đã bao giờ thử nghe Say tình với phiên bản tiếng Ấn và nghe người Thụy Điển hát Bình minh sẽ mang em đi?

15.6285
Một ca khúc với giai điệu tuyệt vời có thể được cả thế giới ngợi ca, cả thể giới hát bằng rất nhiều ngôn ngữ khác nhau của từng dân tộc. Rất nhiều những ca khúc "hit" của âm nhạc thế giới đã được đặt lời Việt và ngay khi xuất hiện nó đã làm "lũng đoạn" thị trường âm nhạc Việt Nam.
 
Say tình, Lạc mất mùa xuân, Bình minh sẽ mang em đi... Trước khi đến Việt Nam, trước khi trở thành những bản "hit" làm nên sức nóng cho cái tên Đàm Vĩnh Hưng, những ca khúc này đã "chu du" và làm say lòng người yêu nhạc khắp thế giới.
 
Hãy cùng trải nghiệm thú vị với những "diện mạo" khác của những ca khúc "hit" bạn đã từng thuộc nằm lòng. Hãy thử nghe Say tình bằng tiếng Ấn, nghe Búp bê không tình yêu của Mỹ Tâm với phiên bản tiếng Pháp, và thử nghe người Thụy Điển hát Bình minh sẽ mang em đi...

Say tình

Bài L’Italiano (Lasciatemi Cantare – Hãy để tôi hát) là một bản nhạc pop của Ý được biểu diễn rất thành công bởi ca sĩ Toto Cutugno năm 1983. Sau đó, nó trở thành bản hit nổi tiếng trên toàn thế giới và cũng là nhạc phẩm hay nhất mà Toto Cutugno tự sáng tác và biểu diễn. Bài hát gần như bị lãng quên trong suốt thập niên 1990 và được hồi sinh khi Toto Cutugno biểu diễn nó tại nhạc hội từ thiện ở Rome để mừng chiến thắng của đội Ý tại World Cup 2006 và tạo thành một làn sóng mới khiến bài hát được yêu thích trở lại.

L’Italiano cũng được dịch sang nhiều thứ tiếng, đặc biệt tại Ấn Độ, bài hát đã từng một thời gây sốt. Tại Việt Nam, nhạc sĩ Quốc Tuấn là người đã đặt lời Việt cho Đàm Vĩnh Hưng thể hiện.
 
 

Bình minh sẽ mang em đi

Hold Me for a While (Ôm em trong phút giây) là một bản nhạc đồng quê nhẹ nhàng của ban nhạc Thụy Điển Rednex, ghi âm năm 1998 và nổi tiếng trên khắp các quốc gia nói tiếng Anh vì giai điệu trữ tình ngọt ngào, sâu lắng và da diết kể về câu chuyện tình đến phút chia ly day dứt của đôi tình nhân yêu nhau say đắm. Lời Việt gần như trung thành giữ nguyên ý của bài hát tiếng Anh. Người đặt lời cho bài hát cũng chính là một trong những ca sĩ biểu diễn rất thành công nhạc phẩm này là Đàm Vĩnh Hưng.  

 
 
Búp bê không tình yêu
 
 

"Poupée de cire, poupée de son" (Cô búp bê vải, nhồi bằng mùn cưa) là bài hát giành chiến thắng tại cuộc thi hát Eurovision Song Contest năm 1965, được biểu diễn bởi ca sĩ người Pháp France Gall.

Được sáng tác bởi Serge Gainsbourg, đây là bài hát đầu tiên giành được giải ở Eurovision mà không thuộc thể loại nhạc nhẹ trữ tình. Bài hát được đề cử đưa vào danh sách một trong 14 bafti hát hay nhất mọi thời đại từng được biểu diễn trên sân khấu Eurovision hồi năm 2005.

Những lời hát được viết ra chứa đầy ẩn ý với cách chơi chữ thông minh. Bài hát kể về những điều trớ trêu, ngang trái vốn luôn tồn tại trong cuộc sống mà những người trẻ khi lớn lên phải tập làm quen. Những trải nghiệm đầu tiên của những bạn trẻ thiếu kinh nghiệm trong đời để biết được thực sự tình yêu là gì, cuộc sống này có ý nghĩa gì.

Bài hát được dịch ra 18 thứ tiếng như tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Nga... Tại Việt Nam, bài Búp bê không tình yêu từng được biểu diễn bởi ca sĩ Ngọc Lan hồi đầu những năm 1990 và sau này được ca sĩ Mỹ Tâm biểu diễn lại với phong cách trẻ trung sôi động và trở thành một trong những bản hit của Mỹ Tâm.
 

Donna Donna

Năm 1940-1941, bài hát lúc đó có tên là Dana Dana được viết bằng tiếng Do Thái cho một vở nhạc kịch biểu diễn tại Mỹ trong thời kỳ Đức Quốc xã và nhanh chóng trở nên nổi tiếng, được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức...

Bản tiếng Anh kể về tâm sự của một chú bò con, bị đem ra chợ bán, và ước vọng tự do của bò ta được bay tự do như chim trên trời. Bản tiếng Pháp dịch thoát ý kể về câu chuyện của một bé trai luôn muốn trở thành người lớn, nhưng khi đã trở thành người đàn ông từng trải trong đời, khi trở về hiên nhà năm xưa khi mình còn thơ bé, nằm trong vòng tay mẹ, anh lại chỉ muốn quay ngược thời gian trở về thời thơ ấu cùng với mẹ hiền.

Tại Việt Nam, Donna Donna có hai phiên bản lời Việt, gồm bài Tiếc Thương do nhạc sĩ Tuấn Dũng đặt lời hồi thập niên 1960 và bản Donna Donna do nhạc sĩ Trần Tiến đặt lời năm 1992. Lời của nhạc sĩ Trần Tiến trung thành với lời hát tiếng Pháp và cũng được người nghe biết đến nhiều hơn. Bản Donna Donna của nhạc sĩ Trần Tiến được thể hiện thành công nhất bởi Tam ca Áo Trắng.
 
 
 
 Bích Ngọc-H.H
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]