Thú vui tao nhã và nghệ thuật của người đi câu

Không phải tiết kiệm câu chữ mà chỉ nói "người đi câu", không thêm chữ "cá". Bởi nhiều người đi câu hầu như không phải vì cá. Theo họ, đó là khoảng thời gian suy tư, tự do, thoáng đạt, không có sự phiền nhiễu.

0

Đồ nghề và nghệ thuật câu cá

Ở đó là một thế giới riêng biệt để nghĩ đến chuyện trên bờ. Trước đây, khi nhắc đến câu cá người ta thường liên tưởng ngay đến thú vui tao nhã của những người trung niên hoặc bậc cao tuổi có nhiều thời gian rảnh rỗi... Ngày nay, đi câu cá đang trở thành thú vui, giải trí của nhiều người, không kể tuổi tác hay nghề nghiệp.

Những "cần thủ" bên bờ sông vào các buổi chiều.

Quan sát "đồ nghề" của những người "nghiện câu cá" không chỉ đơn giản là chiếc cần trúc, sợi cước mỏng, cái phao lông gà, cái lưỡi sắt như xưa. Giờ có rất nhiều phụ kiện hiện đại với nhiều mức giá, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.Cần câu Trung Quốc có độ đàn hồi cao, độ dài thay đổi linh hoạt, giá từ 65 - 350 nghìn đồng/chiếc.

Cần Hàn Quốc, nhẹ, phụ kiện chắc chắn, bộ cuốn cước có thể mua rời, giá từ 650 nghìn đồng trở lên. Tiếp đến là máy quay tay, quay trực tiếp, kiểu đơn giản, có bộ phận quấn dây tự động giá từ 65 - 300 nghìn đồng. Thông thường những người câu cá "nghiệp dư" chỉ xách ra sông 1 cần gọi là hóng mát. Nhưng những người "nghiện" câu chính thống xách từ 5 - 10 cần đủ loại.

Một cửa hàng bán đồ câu.

Dân câu khẳng định, chuyện câu được cá là cả một nghệ thuật. Không chỉ là cần câu xịn, mồi câu ngon mà các "cần thủ" phải biết cách chọn thời điểm, vị trí câu đến lựa cần, mồi cho từng loại cá.

Cần thủ tên Giang bày tỏ: Kỹ năng đầu tiên của người đi câu, buộc phải có phản xạ tốt. Cá đớp mồi, cần rung nhưng anh không có kỹ năng thì chỉ có mất mồi. Thi thoảng được mấy con cá khờ an ủi mà thôi. Khi cá dính mồi, cách giật lên cũng phải thật điệu nghệ, nếu không con cá sẽ rớt trở lại xuống sông. Người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn tăm cá sủi trên mặt nước là có thể biết đó là loại cá gì, đặc tính của loài cá đó như thế nào để tìm ra mồi câu thích hợp. Từ mồi giun để câu cá trê, mồi cám câu cá chép đến mồi cơm mẻ câu cá tra...

Thú vui tao nhã

Một người đi câu tên Dũng, tuổi ngoài 30 bộc bạch: Chiều nào tôi cũng xuống chân cầu ngồi tĩnh tại. Đi câu là để trốn rượu thôi.

Là giáo viên nên ngày hè nhàn rỗi, bạn bè chiều nào cũng gọi. Hôm thì trà đá, hôm thì rượu, bia quá mệt mỏi..., nên trốn bằng cách chọn cho mình một thú vui với sông nước. Không ảnh hưởng đến ai, mà thoải mái. Ngồi trên bờ, xung quanh mênh mông, chờ đợi cá đớp mồi thấy lòng mình thanh thản. Mỗi buổi đi câu đều mang lại cho tôi cảm xúc riêng, sướng nhất là lúc cá cắn câu; nhưng nhiều hôm ngồi cả buổi không được con cá nào vẫn thấy vui.

Vừa trò chuyện, anh nhẹ nhàng lôi đến 5 chiếc cần loại quay dây từ chiếc ba lô đựng đồ, tỉ mẩn nặn từng chiếc bánh mồi được chế từ bột ngô, đỗ tương, bột nếp và đẩy cả chùm lưỡi câu vào giữa lòng bánh rồi tung nhẹ nhàng, đưa từng chiếc bánh mồi ra giữa lòng sông. Anh cho hay, đây là dạng câu chùm. Riêng việc chế mồi cũng là một kỹ thuật.

Có thể nói, đi câu cá đang là thú vui giải trí lành mạnh của nhiều người. Mỗi người có kiểu câu riêng của mình. Người thích câu đêm, người thích câu ao hồ giải trí. Người thích câu mồi giun, mối, ngô... Nhưng đặc biệt có một điểm chung, là những người đi câu đều không thích ăn cá. Trừ khi được con cá to đem khao cả làng.

Khá vui khi biết thêm một cần thủ tên Long, đi câu luôn có bộ đài và mở những bản nhạc rất trữ tình. Anh tiết lộ: Cá rất thích nghe nhạc nên đây là thứ mồi khá quan trọng. Với nghề sửa chữa điện nước, anh tung hoành mọi ngõ làng, xóm phố. Lúc rảnh rang đi câu, nghe nhạc thấy cuộc sống nhẹ nhàng.

Đi câu là một thú vui tao nhã. Và sau khoảng lặng đi câu ấy, bao gánh nặng lo toan dường như được trút bỏ. Ở đó có biết bao khoảng lặng, suy tư mà chỉ có lòng sông hiền hòa thấu hiểu. Vốn dĩ dòng sông luôn thơ mộng. Nếu thiếu đi bóng dáng của họ, chắc hẳn dòng sông ấy như mất đi vẻ đẹp và sức sống gắn bó bao đời giữa thiên nhiên và con người.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]