Thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở các trường y-dược

15.6009
Ngày 19/5, tại trường Đại học Y Hà Nội đã diễn ra Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường y-dược Việt Nam lần thứ 15 với 121 báo cáo của sinh viên và giảng viên trẻ từ khắp các trường Đại học, Cao đẳng Y-Dược trong cả nước.

Đây là hội nghị được tổ chức 2 năm/lần nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học mạnh mẽ trong khối các trường y-dược.

Trong nhiều năm qua, không chỉ ở các trường đại học lớn có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Thành phố Hồ Chí Minh mà những trường đại học vùng, các khoa y-dược tại các trường cũng triển khai rất mạnh mẽ hoạt động này.

Đại học Y Dược Thái Nguyên với phương thức tổ chức liên trường-viện đã có 75 đề tài của cán bộ trẻ và sinh viên được báo cáo trong hội nghị của trường năm 2009 còn Đại học Cần Thơ có 26 đề tài khoa học năm 2009...

Trong khi nhiều cơ sở giáo dục vẫn còn đào tạo theo lối "nặng lý thuyết, đậm chất hàn lâm" thì việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, tăng khả năng thực hành cho sinh viên và cán bộ trẻ là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ mà các trường y-dược trong nước đang thực hiện một cách mạnh mẽ.

Tại hội nghị năm nay, các báo cáo được chia theo các chuyên ngành: Hệ nội, nhi - chuyên khoa, hệ ngoại, y học cơ sở, y tế công cộng và y học cổ truyền - dược.

Nhiều báo cáo đã có nghiên cứu trên diện khá rộng như của trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh về "Tỷ lệ nhiễm khuẩn Human Papilloma virus và các yếu tố liên quan của phụ nữ độ tuổi 18-69 tại Thành phố Hồ Chí Minh" với đối tượng nghiên cứu là hơn 1.550 phụ nữ...

Các đề tài nghiên cứu đã quan tâm tới những vấn đề thực tế, thiết thực của dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn như đề tài nghiên cứu của trường Đại học Y Hải Phòng, Viện Y học biển Việt Nam về "Đặc điểm, các yếu tố nguy cơ và nhận thức cách phòng chống bệnh tăng huyết áp của ngư dân đánh bắt xa bờ thành phố Hải Phòng" được thực hiện trên 400 ngư dân đánh bắt cá xa bờ tại bốn làng nghề ở các xã, huyện đảo của Hải Phòng...

Đáng chú ý cũng có các đề tài: "Đánh giá thực trạng và hiệu quả can thiệp bằng truyền thông và uống viên sắt cho phụ nữ có thai thiếu máu người dân tộc Sán Dìu tại huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên" của trường Đại học Y Dược Thái Nguyên; Đề tài "Thực trạng nhiễm giun truyền qua đất ở học sinh tiểu học dân tộc tại 4 xã vùng III thuộc hai tỉnh Tây Nguyên năm 2008" của trường Đại học Tây Nguyên./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]