Thực hành chẩn đoán và điều trị Parkinson

15.6009

Bệnh lý rối loạn thần kinh kiểm soát các cơ, gây run tay, run chân, cứng và yếu cơ, khó giữ thăng bằng khi đi đứng. Hội chứng Parkinson là những trường hợp có các

triệu chứng tương tự như run, cứng đờ, khó nói hoặc nói lắp, cử động chậm chạp và da mặt trơ không biểu lộ cảm xúc, nhưng có các nguyên nhân khác nhau như ngộ độc carbon oxid, mangan, thủy ngân... hoặc di truyền như trong bệnh Wilson, hoặc do dùng các thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm... Hội chứng Parkinson cũng thường xuất hiện ở khoảng 1% những người trên 60 tuổi.

Thường thì giai đoạn đầu của bệnh Parkinson chưa gây ảnh hưởng đến trí năng, nhưng giọng nói có thể chậm và ngập ngừng, chữ viết trở nên rất nhỏ. Người bệnh rất thường bị trầm cảm. Khoảng một phần ba số bệnh nhân vào giai đoạn cuối có biểu hiện mất trí.

Nguyên nhân

Cho đến nay nguyên nhân gây bệnh cụ thể vẫn chưa được xác định, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu cho thấy là bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền và các tác động từ môi trường cũng như sự phát triển không bình thường của tế bào.

Quan sát tiến triển của bệnh cho thấy có nguyên nhân trực tiếp từ sự giảm sút trong sản xuất dopamin của một số tế bào thần kinh đặc biệt. Ở người bệnh Parkinson, các tế bào có chức năng sản xuất dopamin bị hủy diệt hàng loạt, dẫn đến giảm mạnh chất này trong cơ thể. Do thiếu dopamin, một số tế bào thần kinh liên quan không được kích thích đúng mức, dẫn đến người bệnh mất khả năng kiểm soát các hoạt động của bản thân. Tuy nhiên, nguyên nhân của hiện tượng vừa nói trên vẫn chưa được làm rõ.

Một công trình nghiên cứu được công bố tại Hoa Kỳ vào năm 2000 cho thấy ở người bệnh Parkinson còn có sự giảm số lượng các sợi thần kinh ở tim. Do đó, các nhà nghiên cứu tin rằng bệnh Parkinson cũng gây ảnh hưởng đến dây thần kinh ở các cơ quan khác nằm bên ngoài não bộ. Điều này giải thích một số các triệu chứng thường gặp ở bệnh này như tụt huyết áp, táo bón, khó tiểu...

Chẩn đoán

Bệnh Parkinson tiến triển chậm. Các triệu chứng ban đầu mờ nhạt, ít được chú ý, thường chỉ run nhẹ ở một bàn tay, cánh tay hay một bên chân.

Người bệnh thường run khi nghỉ ngơi và giảm run khi cử động hoặc làm việc.

Dần dần, bệnh gây ảnh hưởng đến cả hai bên cơ thể, gây cứng, yếu và run cơ, làm người bệnh đi kéo lê chân và lảo đảo, mất thăng bằng.

Khi bệnh phát triển, bệnh nhân đi những bước ngắn, run rẩy và mất khả năng kiểm soát. Bàn tay cũng run liên tục, run nhiều hơn khi nghỉ ngơi và giảm bớt khi vận động.

Run có thể lan đến đầu, làm người bệnh thường có dáng điệu gật gù.

Người bệnh có dáng điệu cứng nhắc, chậm chạp và dần dần trở nên khó khăn ngay cả khi thực hiện những công việc đơn giản trong sinh hoạt thường ngày như ăn uống, tắm rửa, thay quần áo...

Điều trị

Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh Parkinson. Việc điều trị chủ yếu nhắm đến kiểm soát tốt các triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh.

Levodopa (hay L-dopa) là loại thuốc chính được sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson. Tác dụng của thuốc dựa trên cơ chế là khi vào não chất này sẽ được chuyển thành dopamin. Tuy nhiên, khi dùng đơn độc có đến 95% thuốc được cơ thể chuyển hóa thành dopamin trước khi vào được não bộ, do đó gây ra nhiều tác dụng phụ hơn là tác dụng điều trị chính. Để khắc phục nhược điểm này, người ta dùng kết hợp levodopa với carbidopa, giúp tăng thêm lượng levodopa đến não trước khi chuyển thành dopamin. Các loại thuốc kết hợp theo cách này hiện được dùng phổ biến là Sinemet, Atamet... Ngoài ra còn có loại thuốc tương tự kết hợp carbidopa và benserazid được bán với nhãn hiệu Madopar cũng rất có hiệu quả trong điều trị bệnh Parkinson.

Nên bắt đầu với liều L-dopa thấp nhất, 100mg mỗi ngày một lần. Tùy theo sự đáp ứng của bệnh nhân, tăng liều sau nhiều tuần cho đến khi đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, có thể đến 400 – 800mg/ngày, chia ra nhiều lần. Lưu ý các tác dụng phụ của thuốc có thể là buồn nôn, nôn, biếng ăn và giảm huyết áp tư thế.

Nếu cần thiết có thể dùng thêm các thuốc chống tiết cholin tổng hợp, chẳng hạn như trihexyphenidyl (Triphenidyl, Artane...), benzhexol... Các thuốc này có tác dụng tốt với những bệnh nhân vừa bị cứng đờ vừa bị run. Liều khởi đầu 2mg, mỗi ngày 2 lần, tăng dần cho đến 5mg, mỗi ngày hai lần. Lưu ý tác dụng phụ của thuốc có thể gây khô miệng, buồn nôn, chóng mặt, táo bón, khó điều tiết mắt, mạch nhanh.

Các trường hợp sau đây nên chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa hoặc đề nghị điều trị tại bệnh viện:

Bệnh nhân còn trẻ tuổi.

Chẩn đoán không chắc chắn.

Không đáp ứng với điều trị.

Bệnh nhân không chịu được các tác dụng phụ của thuốc.

Điều trị có hiệu quả trong thời gian đầu nhưng sau đó bệnh tiến triển và điều trị không còn mang lại hiệu quả.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]