Thực hành chẩn đoán và điều trị Rubella

15.6121

Bệnh rubella, hay rubeon, trước đây thường được xem như một dạng sởi nên vẫn gọi là bệnh sởi Đức (German measles), là một bệnh truyền nhiễm nhẹ, có thể gây ra những vùng ban đỏ và làm sưng phồng các hạch bạch huyết. Bệnh thường xuất hiện nhất ở độ tuổi 6 – 12 tuổi. Tuy nhiên, cũng có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào. Khoảng một phần tư số trường hợp nhiễm bệnh không có ban đỏ, và bệnh có thể tự khỏi hầu như không được nhận biết, mặc dù kết quả thử máu có thể cho thấy việc nhiễm bệnh. Rất hiếm khi thấy bệnh này xuất hiện ở độ tuổi trên 40.

Mặc dù là một bệnh nhẹ và hiếm khi có biến chứng nguy hiểm, nhưng bệnh rubella đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ có thai. Khi bị mắc bệnh vào 4 tháng đầu tiên của thai kỳ thì thai nhi đang phát triển có nhiều nguy cơ bị thương tổn nặng nề, có thể mắc phải nhiều dị tật khác nhau và tỷ lệ tử vong sau khi sinh ra lên đến khoảng 20%. Nếu mắc bệnh rất sớm sau khi có thai, có nhiều nguy cơ bị sẩy thai.

Trước kia, rubella là một bệnh khá phổ biến, nhưng nhờ có tiêm chủng mở rộng nên hiện nay số trường hợp mắc bệnh đã giảm rất nhanh.

Nguyên nhân

Bệnh gây ra do một chủng virus có tên là Rubivirus.

Người mang virus có thể làm lây lan bệnh cho nhiều người qua việc đưa virus vào không khí. Virus tồn tại trong không khí ở dạng những hạt nhỏ lơ lửng và lây nhiễm cho bất cứ ai tiếp xúc.

Người mẹ mang virus cũng lây truyền sang cho con.

Thời gian ủ bệnh thường là từ 2 – 3 tuần, nhưng thường gặp nhất là khoảng 17 – 18 ngày.

Chẩn đoán

Thời gian ủ bệnh thường không có triệu chứng gì cả.

Khi bệnh phát khởi, một số triệu chứng sau đây thường xuất hiện:

Sốt nhẹ.

Sưng hạch bạch huyết ở phía sau cổ và sau tai, trong một số trường hợp có thể sưng lớn các hạch bạch huyết ở khắp cơ thể, kể cả trong nách và dưới háng.

Xuất hiện các vùng ban đỏ không gây ngứa vào khoảng ngày thứ hai hoặc thứ ba, thường bắt đầu từ vùng da mặt, lan đến thân hình và các chi. Triệu chứng phát ban này thường biến mất sau đó khoảng 3 ngày.

Một số trường hợp hiếm gặp hơn, có thể có sốt cao, đau đầu trước khi phát ban.

Một số trẻ có thể bị đau ở các khớp xương.

Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng sẽ qua đi và bệnh khỏi nhanh, không để lại di chứng gì. Biến chứng thỉnh thoảng có thể gặp là viêm đa khớp, thường xuất hiện sau khi hết phát ban.

Đối với phụ nữ có thai mắc bệnh trong khoảng 4 tháng đầu tiên của thai kỳ, bệnh trở nên cực kỳ nguy hiểm với những nguy cơ sau đây:

Sẩy thai, thường xảy ra khi mắc bệnh sớm ngay sau khi mang thai.

Thai nhi sẽ mắc phải một hoặc nhiều dị tật bẩm sinh như: điếc, bệnh tim, đần độn, ban xuất huyết, bại não, biến dạng xương, đục thủy tinh thể và một số bệnh khác của mắt. Trẻ sinh ra có tỷ lệ tử vong khoảng 20% ngay từ khi còn nhỏ. Những trẻ còn sống tiếp tục mang virus gây bệnh, có nhiều khả năng làm lây nhiễm cho người khác.

Điều trị

Không có thuốc đặc hiệu. Chủ yếu vẫn là phòng bệnh và điều trị bằng cách theo dõi, kiểm soát các triệu chứng.

Các triệu chứng bệnh khá mờ nhạt nên phải hết sức chú ý chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh khác có triệu chứng tương tự.

Chẩn đoán xác định khi cần thiết được thực hiện bằng cách phân ly virus từ bệnh phẩm phết họng hoặc xét nghiệm tìm kháng thể chống virus trong máu.

Chủng ngừa

Chủng ngừa bệnh rubella được thực hiện vào lúc trẻ 9 đến 15 tháng tuổi, hiện nay thường kết hợp cùng lúc với thuốc chủng ngừa bệnh sởi và bệnh quai bị, gọi là mũi tiêm chủng MMR (MMR = measles + mumps + rubella). Mỗi loại bệnh này đều có thuốc chủng ngừa riêng, nhưng sự kết hợp trong một liều MMR tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc chủng ngừa, vì có thể đồng thời bảo vệ trẻ khỏi 3 căn bệnh truyền nhiễm quan trọng. Nếu vì một lý do nào đó, trẻ không được tiêm chủng đúng lịch trong thời gian từ 9 đến 15 tháng tuổi, nhất thiết phải cho trẻ tiêm MMR trước độ tuổi đến trường, nghĩa là khoảng dưới 5 tuổi.

Mặc dù là một bệnh rất phổ biến trước đây, nhưng nhờ có thuốc chủng ngừa, số trường hợp mắc bệnh tại Hoa Kỳ mỗi năm đã giảm từ nhiều ngàn trường hợp xuống còn không đến 360 trường hợp.

Bệnh rubella cần đặc biệt lưu ý đối với tất cả phụ nữ mang thai, do tính chất nguy hiểm của bệnh đối với thai nhi. Tất cả phụ nữ khi có thai cần được kiểm tra tình trạng miễn dịch đối với bệnh này, và nếu trước đó chưa được tiêm thuốc chủng ngừa thì nhất thiết phải được tiêm globulin miễn dịch ngay.

Phụ nữ có thai cũng cần chú ý hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bị bệnh rubella. Nếu là phụ nữ chưa chủng ngừa, sau khi tiếp xúc với người bệnh cần đi khám bệnh ngay. Hiện có thể tạo miễn dịch thụ động trong những trường hợp cần thiết bằng cách tiêm globulin miễn dịch, thường là để bảo vệ kịp thời cho thai nhi.

Thuốc chủng ngừa có tác dụng ít nhất là 3 ngày sau khi tiêm. Vì thế, ngay sau khi tiêm thuốc chủng ngừa mà tiếp xúc ngay với người bệnh là không an toàn. Chú ý không dùng thuốc chủng ngừa cho phụ nữ đã có thai, và phụ nữ sau khi tiêm thuốc chủng ngừa cần được cảnh báo là không nên có thai trong khoảng thời gian 1 tháng sau đó.

Thuốc chủng ngừa có thể gây một vài tác dụng phụ, nhưng nói chung là an toàn. Các triệu chứng có thể có sau khi tiêm thuốc chủng ngừa là:

Khoảng 1 tuần sau khi tiêm: khó chịu, sốt nhẹ, nổi ban. Sốt co giật có thể có vào lúc này với tỷ lệ thấp đến một phần ngàn.

Khoảng 3 tuần sau khi tiêm: Sưng tuyến mang tai, có thể xảy ra với tỷ lệ khoảng 1%.

Viêm não có thể có với tỷ lệ chỉ một trong 300.000 trường hợp tiêm chủng.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]